Đến với khu chợ gốm ở làng cổ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội), vào những ngày đầu tháng 1 năm 2020, khi mà Tết Canh Tý còn cách chỉ hơn 2 tuần nữa, chúng tôi bắt gặp khung cảnh vô cùng nhộn nhịp bởi lượng người đổ về đây rất đông đúc. Cả một khu vực sân kho rộng lớn là nơi mà chợ gốm nhóm họp từ nhiều năm nay, khách vào ra chen chân dày như nêm cối. Ngoài phần nhiều là khách tới đây mua sắm các loại mặt hàng gốm sứ mang về phục vụ trang trí, trưng bày, sinh hoạt trong dịp Tết, thì cũng có không ít du khách tới chợ với mục đích tham quan, khám phá, dạo chơi…
Du khách thích thú với các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng
Chị Lê Thị Hương, chủ quán bán nước, quà bánh, đồ lặt vặt ngoài cổng chợ gốm kể rằng năm nào khách tới chợ gốm cũng đông khoảng gần 1 tháng trước Tết, còn thì những tháng khác trong năm lượng khách vừa phải, và chỉ nhỉnh hơn chút vào các ngày cuối tuần…
Chợ đông
Theo quan sát của tôi thì khách tới chợ gốm đông tới mức, các lối đi xen kẽ giữa các gian, dãy hàng bày gốm đều ken cứng người. Người xem, người chọn mua gốm, mặc cả giá, và cả người ngó nghiêng chụp hình…, cứ tấp nập, tíu tít, khiến cho khung cảnh khu chợ không còn cảnh đìu hiu như ngày thường. Cô Trần Thị Hà, chủ một gian hàng chuyên kinh doanh bát, đĩa, bình hoa, và một số đồ gốm trang trí khác – vốn là địa chỉ quen biết của nhóm chúng tôi khi đã có nhiều lần mua hàng ở đây, cho hay: “Nếu không phải là thứ bảy, chủ nhật trong dịp những tháng trước thì cô và nhân viên bán hàng chỉ có nước là… ngủ gật vì khách vắng vẻ. May thay, kéo lại được dịp Tết, khách đông, hàng bán được nên dẫu có mệt, dẫu không có thời gian để nghỉ ngơi hay ăn uống cũng vẫn vui…”. Qua trò chuyện, tôi được biết, do khách tới mua sắm tham quan đông vào dịp cuối năm nên không riêng gì gian hàng của cô Hà, mà hết thảy các gian hàng khác cũng đều thuê thêm nhiều nhân viên để vừa đứng bán hàng, vừa chuyên chở vận chuyển gốm từ lò ra chợ. Lại còn công việc đi giao gốm cho khách đặt trong phạm vi bán kính mấy chục cây số, vì vậy mỗi gian hàng thường phải thuê nhân công theo thời vụ Tết nhiều hơn, có khi lên tới cả chục người…
Gặp ở chợ gốm tôi thấy rất nhiều các bà, các chị sống bên nội thành, hay ở các huyện ngoại thành, và cả các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Họ chủ yếu tiện thể tới thăm Bát Tràng, dạo chơi chợ gốm và mua ít đồ về dùng. Bà Nguyễn Thu Uyên (62 tuổi), nhà ở huyện Đông Anh, cho biết, bà và mấy người bạn hàng xóm đã rủ nhau bắt xe buýt tới Bát Tràng chơi và mua đồ gốm. Bà Uyên bảo đây là lần thứ 3 bà đi chợ gốm, và đều đi vào dịp cuối năm, bởi bà thấy tới đây không chỉ vui mà còn được ngắm gốm, mua gốm thỏa thích với các món đồ mình tự chọn lựa ưng ý.
Bạn Lê Tuấn Anh, quê Hà Nam, sinh viên năm 1, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng nhóm bạn gần chục người đến chợ gốm Bát Tràng là lần đầu tiên. Tuấn Anh kể: “Nhóm chúng em đều quê ở tỉnh, và chưa ai tới Bát Tràng, nên bọn em hẹn nhau đi chợ gốm để tham quan và mua sắm một ít đồ mang về quê dùng. Gốm Bát Tràng nổi tiếng từ xưa, vì thế đã sang tới đây, thấy đẹp quá, người mua sắm đông quá, nên bọn em không thể không mua mỗi đứa vài món đồ…”.
Ở chợ gốm Bát Tràng trong những ngày sắp Tết, chúng tôi còn bắt gặp khá nhiều khách là người nước ngoài. Một số đi theo nhóm, nhưng cũng có không ít khách Tây đi lẻ. Tôi thấy, đại đa số khách nước ngoài họ chủ yếu ngắm nhìn, chụp ảnh, và chỉ có rất ít khách mua hàng…
Khách nhộn nhịp mua sắm
Nếu như ở miền Nam có các thương hiệu gốm sứ nổi tiếng là: Minh Long, Bình Dương, Bầu Trúc, Vĩnh Long…, thì khi nhắc tới các thương hiệu gốm của miền Bắc, ngoài một số làng gốm cổ như Thổ Hà, Chu Đậu, Hương Canh…, thì không ai là không biết tới gốm Bát Tràng. Làng gốm cổ Bát Tràng đã có tuổi nghề hàng thế kỷ, và sự nổi tiếng của nó không chỉ dừng lại trong phạm vi nước ta, khu vực Đông Nam Á, mà rất nhiều châu lục khác trên thế giới cũng biết tới tiếng tăm của các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đẹp, bền, hoa văn vô cùng tinh xảo…
Dạo thăm chợ gốm dường như bất cứ khách đều vô cùng thích thú bởi đa dạng các sản phẩm gốm tuyệt đẹp. Từ các sản phẩm gốm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như: bát, đĩa, tô, âu, cho đến các loại thố, cốc, chén… đều đủ cả. Rất nhiều các sản phẩm gốm dùng trang trí cho căn phòng, ngôi nhà, không gian sống, cũng được các nghệ nhân làng nghề nặn, tạo hình nên rồi hội tụ ở đây để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách. Đó là những chiếc lọ lộc bình nhiều kiểu dáng, kích cỡ, loại men tráng đẹp đến nao lòng mà ai chiêm ngưỡng cũng phải… ngẩn ngơ vì nó quá đẹp.
Một bạn trẻ sinh viên lựa đồ ở chợ gốm
Năm nay là năm Canh Tý, chính vì vậy mà rất nhiều khách đều say sưa với các gian hàng có bán chuột gốm được sơn lớp men nhũ vàng. Ngoài đại đa số các con chuột gốm to bằng cổ tay trẻ con, người lớn ra thì cũng có không ít con chuột gốm được tạo hình siêu to khổng lồ, to bằng cả con chó, con mèo. Loại chuột gốm siêu to khổng lồ này thường được mọi người mua mang về đặt trên bàn trưng bày và bỏ tiền tiết kiệm vào trong đó, bởi trên lưng, dưới bụng con chuột đều có khe hở nhỏ để nhét tiền vào.
Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhờ kết hợp giữa bí quyết truyền thống cùng việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quy trình đun gốm bằng gas, tạo hoa văn, các nghệ nhân ở làng nghề này đã cho ra đời các sản phẩm gốm không chỉ có mẫu mã, hoa văn tuyệt đẹp, mà còn đa chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài các sản phẩm gốm có màu men chủ đạo truyền thống là trắng, xanh lam, lam ngọc…, thì cũng có không ít đồ gốm được tráng men “độc” rất tinh tế là: màu huyết dụ, đỏ thắm, da lươn, men rạn giả cổ. Gặp ở chợ gốm tôi thấy hầu như ai cũng tay xách nách mang với túi lớn bịch nhỏ đựng gốm. Tiếp xúc với nhiều người tôi thấy họ đều thích thú các sản phẩm gốm bởi vậy họ hăng say mua sắm.
Chia tay chợ gốm Bát Tràng khi không khí ngày Tết đang cận kề, và đọng lại trong tôi không chỉ là không khí đông vui tấp nập của khu chợ trong làng cổ ngày họp 1 phiên này, và nó cũng đồng nghĩa với sức sống của làng nghề Bát Tràng hồi sinh mạnh mẽ với mùa xuân…
Bài, ảnh: Nguyễn Việt Hưng
Bình luận (0)