Cảnh tượng mất trật tự, nhếch nhác bởi chợ, hàng rong tại một số cổng trường làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường học tập từ lâu là nỗi bức xúc của phụ huynh và cả nhà trường.
Thùng rác tập kết trước Trường THCS Lê Văn Tám |
Chị Nguyễn Thị Hà (phụ huynh HS Trường THCS Lê Văn Tám, đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh) ngao ngán: “Tôi thường đón con vào buổi trưa. Bên kia đường là điểm tập kết thùng lấy rác bốc mùi hôi nặng”. Người dân ngụ gần đây cũng cho biết, các thùng sau khi lấy rác xong không được rửa và xử lý kỹ đã gây mùi cả khu vực.
Hàng rong kín cổng trường THCS Cửu Long |
Mỹ quan khu vực trước cổng trường THCS Cửu Long (đường Ngô Tất Tố, P.22, Q.Bình Thạnh) gần đây đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cảnh tượng nhếch nhác, xô bồ và mất trật tự vẫn tái diễn. Theo đó, xe đẩy, hàng rong, hàng thịt, cá, rau cải, khô… án ngữ khiến việc lưu thông qua đoạn này hết sức khó khăn.
Trường TH Hòa Bình nằm lọt thỏm giữa chợ |
Tệ hại hơn, nhiều năm nay Trường TH Hòa Bình (cơ sở 2 đường Tôn Thất Đạm, Q.1) bị “vây” bởi chợ hoạt động nhộn nhịp từ sáng sớm đến chiều tối. Đối diện cổng trường là hàng thịt, cá, còn hai bên cổng là rau quả, đồ khô… Một phụ huynh bức xúc: “Có những hôm chỉ còn vài chục mét nữa là tới cổng trường nhưng phải mất tới 15 phút mới chen qua hàng quán để đưa con vào lớp”.
Hàng rong trước cổng trường THPT Nguyễn Thị Diệu |
Còn tại Q.3, ngày nào cũng vậy, cổng trường THPT Nguyễn Thị Diệu (đường Trần Quốc Toản) ngay từ sáng sớm đã có khoảng chục người bán hàng ăn sáng, hàng rong bày hàng chật kín. Quan sát của phóng viên, đoạn vỉa hè dài khoảng 30m nhưng hàng quán nhiều vô kể. Vì hai trường THPT Nguyễn Thị Diệu và Tiểu học Nguyễn Thái Sơn nằm sát nhau, lòng đường hẹp, trong khi vỉa hè bị chiếm dụng nên tại đây thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Hàng rong tràn xuống lòng đường trước Trường THCS Đa Phước |
Nội thành là thế, trường học ở ngoại thành cũng bị hàng rong bủa vây gây cản trở giao thông. Hàng rong xe đẩy che dù, bạt trước Trường THCS Đa Phước (QL 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) tràn xuống cả lòng đường. Đây được xác định là điểm đen giao thông trên khu vực cần có biện pháp chấn chỉnh từ cơ quan chức năng.
Thầy Lê Đình Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Cửu Long, xác nhận: Từ nhiều năm nay trường rất khổ với cảnh mua bán của chợ tự phát trước cổng trường. Theo đó, nhà trường cũng đã có văn bản gửi chính quyền địa phương phản ánh về tình trạng nhếch nhác này. Tuy nhiên, tình trạng vẫn vậy…
Thầy Thảo cho biết thêm, từ chiều tối đến sáng khu vực cổng trường là nơi buôn bán quán nhậu, quán ăn… khiến môi trường càng thêm nhếch nhác.
Cùng tâm trạng với thầy Thảo, một hiệu trưởng cũng bức xúc nhưng chức năng và quyền hạn của nhà trường chỉ là làm văn bản gửi địa phương nhờ lập lại trật tự. “Hết văn bản rồi đến gọi điện, xong đâu lại vào đó. Mình phản ánh hoài cũng ngại”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Anh Ngô Văn Thắng, dân phòng P.8, Q.3 thừa nhận: “Công tác xử phạt người bán hàng rong gặp không ít khó khăn. Khi chúng tôi có mặt thì người bán di chuyển, chúng tôi đi thì họ bày bán trở lại, trong khi đó lực lượng rất mỏng không thể cắm tại chỗ cả ngày…”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)