Tôm, cá được bày trên đĩa và bán đồng giá |
Nhằm phục vụ cho nhu cầu của phần lớn công nhân, những ngôi chợ “lạ” ở quận Bình Tân, TP.HCM làm nhiều người ngạc nhiên khi đặt chân đến đây.
Mua bán qua song sắt
6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Pou Yuen (đường số 7, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM). Những người bán hàng đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị dọn hàng cho kịp giờ công nhân vào làm việc. Đầy đủ các mặt hàng từ thực phẩm đến quần áo, giày dép… được bày bán tại hàng rào của KCN này. Anh Lâm Văn Tín, một người bán hàng qua song sắt chia sẻ: “Lúc trước tôi thuê mặt bằng ở bên kia đường để bán. Từ khi KCN Pou Yuen xây dựng hàng rào để giữ trật tự, việc mua bán qua hàng rào song sắt như thế này thuận lợi hơn, công nhân mua nhiều hơn”, nói rồi anh Tín chỉ tay về bên phía đối diện nơi anh đang đứng. Bắt đầu vào giờ cao điểm, lượng công nhân đổ về KCN càng đông. Anh Tín tất bật với công việc của mình. “Cũng không cần phải rao hàng như đi bán dạo ngoài đường, công nhân đã quen nên ghé lại mua thôi. Tôi đứng bên ngoài, họ đứng bên trong song sắt. Nhiều lúc gặp đồng hương, trò chuyện mấy câu vội vã mà thấy vui lắm”, anh Tín cười giòn.
Tất cả hoạt động mua bán ở đây đều chỉ được trao đổi qua hàng rào sắt. Đây là nét độc đáo của khu chợ này mà ai lần đầu tiên đặt chân đến đây cũng tò mò, ngạc nhiên. Khung giờ hoạt động của chợ theo ca làm của công nhân. Buổi sáng chợ họp từ 6 giờ đến 8 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 18 giờ. Thông thường, hoạt động mua bán buổi sáng diễn ra sôi nổi, tấp nập hơn. Những mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của công nhân đều được bày bán rất phong phú, đa dạng, giá cả lại hợp với túi tiền của công nhân nên “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Chị Trần Thị Hoa, một người bán hàng qua song sắt cho biết: “Từ ngày bán ở đây, tôi có thu nhập ổn định hơn. Thỉnh thoảng, bị lực lượng chức năng phạt nhưng rồi cũng ráng bám trụ để bán ở đây chứ thuê mặt bằng ở ngoài, giá cả cao mà công nhân ít mua hơn”. Qua lời chia sẻ của nhiều người bán ở đây, công nhân thường lựa chọn hình thức mua hàng qua hàng rào này bởi họ không phải mất nhiều thời gian đi mua ở đâu, chỉ cần mỗi khi đi làm hoặc giờ tan ca, dừng chân lại hàng rào song sắt của công ty là đã có thể mua cho mình những đồ dùng cần thiết. Chính điều này đã làm hình thức chợ tự phát qua song sắt vẫn hoạt động nhiều năm qua dẫu bị chính quyền nhiều lần nhắc nhở. Khi phiên chợ kết thúc, rác thải không ai thu dọn nên đôi khi dẫn đến tình trạng nhếch nhác.
Chợ đồng giá
Cũng trong địa bàn khu vực Q.Bình Tân, khu chợ tạm ven quốc lộ ở P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân) có rất nhiều người đến mua, đặc biệt là công nhân. Những năm gần đây, hình thức buôn bán đồng giá cho công nhân đã được nhiều “tiểu thương” sử dụng để thu hút khách hàng. Điều đặc biệt là nhiều người bán đã dùng chiếc đĩa để đựng thực phẩm. Đưa tay chỉ về hướng một đĩa đậu bắp được xếp gọn gàng với gần 20 trái trên sạp hàng của một người phụ nữ, chúng tôi ngạc nhiên khi biết giá chỉ 5.000 đồng/đĩa. Hỏi chuyện, chị chỉ cười vui vẻ rồi nói: “Hàng hóa ở đây, đặc biệt là rau, củ thường được phân thành nhóm nhỏ hoặc cho vào đĩa, bán đồng giá 5.000 vậy đó. Thuận mua, vừa bán nên công nhân hay ghé và là khách hàng thường xuyên nữa”. Có lẽ vì vậy mà nhiều người vẫn hay gọi đây là khu “chợ rau đồng giá”.
Rau, củ được bán đồng giá 5.000 đồng/đĩa |
Quan sát một vòng xung quanh chợ, không khó để tìm thấy những loại rau, củ khác cũng được bày trên đĩa và bán với mức giá 5.000 đồng. Nhiều khu chợ cho công nhân ở KCN Tân Tạo (Bình Tân) cũng đang phổ biến hình thức buôn bán khá độc đáo này. Anh Nguyễn Văn Sinh, một người bán ở khu chợ tạm cho biết: “Hình thức bán theo phần và đồng giá được nhiều công nhân mua. Tôi bán tôm, cá nhưng cũng chọn bán theo hình thức này. Mỗi đĩa tôm, cá có giá từ 10.000-20.000 đồng”.
Khu vực Q.Bình Tân tập trung một lượng công nhân rất đông nên hình thức những ngôi chợ tự phát như thế này đã đáp ứng nhu cầu của họ. Vì là chợ tự phát nên hàng hóa, cân của người bán thường bị lực lượng chức năng thu giữ. Để tránh tình trạng bị thu cân, nhiều người bán đã không dùng cân nữa mà chuyển sang hình thức bán đồng giá. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, cứ khoảng 15 giờ là chợ lại bắt đầu họp. Tuy nhiên, chợ chỉ đông đúc, nhộn nhịp vào khoảng 16 giờ, là khoảng thời gian công nhân bắt đầu tan ca. Tùy vào thời điểm, có hôm để phục vụ những công nhân đi làm về muộn nên hơn 20 giờ chợ mới tan. “Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi hay ghé qua chợ này để mua thức ăn. Mỗi ngày, tôi chỉ bỏ ra 15.000 đồng để mua 3 loại rau cho 2 bữa ăn chính của gia đình mình. Mua rau đồng giá không có cảnh phải trả giá nên rất nhanh gọn, tiết kiệm được thời gian nữa”, chị Thanh Hoa, một công nhân ở KCN Tân Tạo cho biết.
Bài, ảnh: Yên Hà
Một thực tế không thể phủ nhận là hình thức mua bán ở các chợ “lạ” này khá độc đáo và phù hợp với sinh hoạt, túi tiền của công nhân. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên những bất cập về trật tự an toàn giao thông. |
Bình luận (0)