Khi bóng đêm đang phủ kín khắp nơi, hàng triệu con người vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì tại các chợ đầu mối ở các tỉnh miền Tây, hàng trăm tấn hàng hóa từ các xe tải, ghe tàu đã “thức giấc” cùng làm việc với con người không ngừng nghỉ cho đến khi một ngày mới bắt đầu.
Một góc chợ miền Tây nửa đêm về sáng
Về với Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang chỉ cần thức dậy thật sớm là mọi người có thể cảm nhận được không khí tấp nập, khẩn trương của những phiên chợ nửa đêm về sáng để thấy rõ hơn nhịp đập của hơi thở cuộc sống từng ngày nơi đây.
Có người vẫn gọi đó là chợ đêm vì hoạt động vào buổi tối nhưng nói đúng hơn là những phiên chợ nửa đêm về sáng vì khoảng 3, 4 giờ mới bắt đầu nhóm họp. Nếu những phiên chợ bình thường khác được đánh thức bởi người mua thì những phiên chợ đầu mối lại được đánh thức từ những chuyến xe tải, những chiếc ghe tàu từ các nơi khác đổ về. Con đường Phan Thanh Giản, P.2, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang cả ngày hôm trước rộng thênh thang vì ít xe qua lại, thế nhưng cứ khoảng nửa đêm về sáng lúc 3 giờ là tiếng xe tải chạy ù ù bấm còi inh ỏi. Anh Tư Sang – một người dân ở đây cho hay: “Đầu hôm tôi phải ngủ sớm vì 3 giờ là phải thức giấc vì tiếng xe tải chạy về đổ hàng khó mà ngủ tiếp được”. Đúng như lời người đàn ông 40 tuổi, khi vòng quay của một buổi tối chưa hết nhiều người còn chưa tỉnh giấc thì những âm thanh từ dưới sông, trên đường lộ đã vọng. Anh Tùng – một lái xe cho biết, hầu hết hàng lấy từ các vùng cao nguyên đưa về miền Tây tiêu thụ. Vì là chợ đầu mối nên hàng hóa vựa nào cũng chất đầy các loại nông sản cao như núi trông rất lạ và đẹp mắt. Mỗi vựa độc quyền một loại rau củ nên bức tranh chợ đêm có nét đẹp riêng chứ không nham nhở, lộn xộn như hàng hóa chất đầy trong các phiên chợ nhà lồng.
Anh Sáu Hoàng – một nhân viên bốc xếp vựa hàng bông Phước Lai, đường Phan Thanh Giản, TP.Mỹ Tho mặc chiếc áo cũ phong phanh nói trong gió lạnh: “Biết là công việc cực nhưng làm riết rồi cũng quen, nếu không vì hoàn cảnh mưu sinh kiếm sống thì ít có ai chịu làm nghề này. Ngày nào còn đi làm là ngày đó kiếm được cơm ăn”. Theo anh Hoàng, mỗi tối anh và một người làm cùng phải vác hàng trăm chuyến từ ngoài xe tải vào trong kho, đôi khi mỏi chân và buồn ngủ ríu cả mắt nhưng cũng không dám nghỉ. Gần đó 2 thanh niên ngồi xếp bông cải, bắp cải cũng vừa làm vừa ngáp dài vì giấc ngủ đêm qua chưa trọn. Nhiều người cho biết, thời gian đầu làm chưa quen không chỉ mệt mà còn mất ngủ, nhưng sau đó nhịp đồng hồ sinh học đã thay đổi nên ai cũng bắt đầu hòa nhập vào guồng máy chung của chợ đêm. Họ coi đây là một phần tất yếu của cuộc sống mưu sinh mà đã lựa chọn chứ không còn cách nào khác. Lao động chân tay cực khổ nhưng đồng lương không cao lắm nên hầu hết những người làm công ở chợ đêm chỉ đủ ăn, không dư dả như các nghề khác. Nhiều người cũng vì vợ yếu con đau, vì tương lai học hành của con cái mà chấp nhận dấn thân, chỉ mong cuộc đời con không phải lao động vất vả, lam lũ như cha mẹ nó.
Sau nhiều tiếng đồng hồ làm việc mệt mỏi, nhiều người kéo ghế xúm lại quán Thủy Mộc để nhâm nhi ly cà phê chờ bình minh đến. Đây có lẽ là những phút giây thảnh thơi nhất của cánh xe tải đường dài, những người phu khuân vác nghỉ giải lao để đàm đạo chuyện đời, chuyện giá cả, nắng mưa thời tiết và cả chuyện chở hàng cho ngày mai. Bên ly cà phê đậm hương vị của một ngày mới, niềm vui của những con người làm việc bằng chính sức lao động của mình dù nhỏ nhoi, nhưng cũng là một thứ ánh sáng tràn đầy hy vọng để họ hướng tới những điều tốt đẹp cho tương lai các con phía trước…
Phương Đăng
Bình luận (0)