Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chờ một cơ chế tài chính thật sự mới

Tạp Chí Giáo Dục

Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đưa ra nhiều lý do nhấn mạnh tính cấp thiết phải đổi mới cơ chế tài chính.

Trong đó, nổi bật là việc quản lý ngân sách giáo dục phân tán; Bộ GD-ĐT không đủ điều kiện đánh giá hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc. Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận việc phân bổ ngân sách cho giáo dục chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiếu cơ sở khoa học. Đáng quan tâm hơn, cơ chế huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục chưa đồng bộ…

Khắc phục những bất cập nghiêm trọng này không cách nào khác ngoài đòi hỏi một sự thay đổi cơ chế về tài chính. Tiếc thay, dù đã được tiếp thu và chỉnh sửa, bản thân đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục do Bộ GD-ĐT xây dựng vẫn tiếp tục gặp nhiều ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến đó xoáy mạnh vào vấn đề học phí.
Nhiều người nhận định chính việc đi quá sâu vào chi tiết học phí khiến đề án lâm vào cảnh “tranh luận không dứt”. Trong kết luận về đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cơ chế mới phải: “Hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách đối với trường ngoài công lập. Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, Nhà nước có chính sách huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển GD-ĐT, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tích cực tham gia các hoạt động phát triển giáo dục”.
Thế nhưng khi đi vào đề án, những nội dung đó đã không được quan tâm đúng mức. Điều này tự nó báo hiệu cho các cơ sở GD-ĐT biết rằng họ vẫn tiếp tục dùng cách huy động nguồn lực tài chính như bấy lâu nay. Nguồn lực đó vốn đang rất nhỏ bé và yếu ớt như chính đề án đã nêu ra. Chưa hết, một đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục không thể chỉ tập trung vào hệ thống trường công lập, mà phải phổ quát được hết các loại hình giáo dục đang và thậm chí sẽ hoạt động trong phạm vi cả nước.
Dồn quá nhiều nội dung để minh chứng cho sự cần thiết mức độ tăng học phí, đề án chỉ có thể giải quyết được vấn đề học phí cho các trường. Nhưng những bất cập trong việc huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển giáo dục sẽ vẫn còn nguyên. Quan trọng hơn, việc quá sa vào chi tiết học phí đến mức quy định năm học nào học phí bao nhiêu khiến nhiều người có cảm giác đề án đang làm thay việc của một quyết định về học phí.
Đó là chưa kể nó dễ tạo nên sự bất đồng ý kiến trong nhiều đối tượng xã hội khác nhau. Những con số cụ thể đến mức 255.000 đồng, 500.000 đồng hay 800.000 đồng/tháng trong đề án rất có giá trị thực hiện nhưng không có nhiều ý nghĩa về mặt chính sách. Nếu được triển khai, đây vẫn là một cách chi trả học phí như bấy lâu nay. Có khác chăng ở chỗ nó cao hơn, khó chi trả hơn đối với một số đối tượng.
Giáo dục VN đang cần một đề án đổi mới cơ chế tài chính thật sự. Đề án đó là hành lang pháp lý để mỗi loại hình cơ sở GD-ĐT khác nhau có cách huy động, sử dụng nguồn lực tài chính khác nhau một cách hiệu quả nhất. Riêng với học phí, tùy đặc trưng và tôn chỉ, mục đích của mình, mỗi cơ sở có cách thức định mức học phí riêng. Những cơ sở GD-ĐT hay bậc học nào được Nhà nước tập trung chi trả sẽ được hưởng những chính sách riêng.
HÙNG THUẬT (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)