Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Chợ người” cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Không ồn ào, không tấp nập cũng chẳng cần phải treo biển bán mua, cái phiên chợ kỳ lạ ấy cứ mặc nhiên tồn tại giữa lòng thủ đô. Người bán, người mua cứ ào đến, ào đi để… ngã giá chính sức lao động của con người.

Những lao động chờ việc ở vỉa hè vòng xoay đầu Hoàng Quốc Việt – Bưởi (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), ngay bên bờ sông Tô Lịch

Những phận người lao động ấy cứ lặng lẽ, âm thầm như cây cỏ, chắt bóp từng ngày trong suốt cả năm ròng, ươn mặt mình ra như mớ rau con cá giữa phồn hoa đô hội.

1.Dân thủ đô vẫn gọi đó là “chợ người”. Chợ chỉ vỏn vẹn một khúc nhỏ nằm trên vỉa hè vòng xoay đầu Hoàng Quốc Việt – Bưởi (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), ngay bên bờ sông Tô Lịch. Người bán là những bác xe ôm tuổi đã móm mém bên kia con dốc cuộc đời, là những cô quang cô gánh với chiếc xe đạp cọc cạch chằng chịt, lủng lẳng quang gánh xô thùng, rồi cả những thanh niên dân tỉnh… đứng ngồi lổn nhổn. Người mua thì khác hẳn, quần là áo lượt, xe tay ga sang trọng, đỗ xịch xuống vỉa hè, thỏa sức ngã giá chọn món hàng “sức lao động” mình muốn. Chợ họp tất cả các ngày, từ sáng sớm đến đêm muộn.

Người bán sức lao động ở chợ làm đủ thứ nghề, từ đưa đón người, chở hàng đến dọn dẹp nhà cửa hay làm phu khuân vác. Những tháng giáp Tết, dù nhu cầu dọn dẹp, sửa sang nhà cửa nhiều nhưng phiên chợ cũng vẫn cái vẻ đìu hiu tẻ ngắt của những ngày nhàn rỗi trong năm.

Một quán trà đá được mở ra ngay cạnh chợ, vỏn vẹn vài chiếc ghế con, chiếc bàn nước và ấm trà. Bà lão bán quán xem chừng cũng dễ tính khi dựng quán lên chỉ như một chỗ nghỉ chân tán gẫu thư giãn cho người lao động ở chợ. Giá 2.000 đồng/cốc trà nóng thế là quá rẻ ở cái đất Hà Nội này.

Trưa một ngày cuối năm 2015, Hà Nội vẫn còn rét rưng rức. Phiên chợ người cũng heo hút như cái rét heo may. Những cô hàng gánh gồng dựng xe đạp dựa thành cầu, ngồi co ro trên vỉa hè nhìn dòng xe vun vút trước mặt đợi khách tới thuê. Những bác xe ôm lặng người bên những cơn gió rít, ra đứng ra ngồi. Dăm ba chàng thanh niên tỉnh lẻ chụm lại bên quán nước kể vài câu chuyện tiếu lâm. Một chiếc xe Liberty sang trọng phóng thẳng lên vỉa hè, cả đám người lố nhố ùa tới. Nhưng xem chừng không ngã được giá nên chiếc xe bóng loáng lại vút đi. “Trả rẻ quá” – những tiếng thở dài thườn thượt reo vào lòng phố như cái buồn heo hắt của phố mùa đông.

2.Chị ngồi lọt thỏm giữa những người phụ nữ cũng làm nghề. Giữa cái lạnh Hà Nội bâng bấc, cái khắc khổ, vất vả càng hằn lên trong tấm áo bông bạc phếch. Chị tên Nguyễn Thị Lan, năm nay đã gần 60 tuổi, quê ở vùng Lý Nhân, Hà Nam, ngoảnh trước ngoảnh sau quanh năm chỉ ruộng đồng. Chồng mất sớm, một mình chị nặng gánh hai con. Chỉ ruộng đồng thì không đủ, chị ra Hà Nội từ khi cô con gái lớn bước vào cấp 3. Nay con gái lớn của chị đã học đại học năm 3, con trai út vừa đậu một cao đẳng nghề ở Nam Định. Ngót chục năm ở Hà Nội, chị lam lũ đủ thứ nghề. Ban đầu làm sọt đi rong bán hoa quả, sau chị theo bạn bè ngồi khu chợ người đi bán sức lao động.

Chị cùng con gái thuê một phòng trọ ở khu Cầu Giấy. Nhiều năm qua, người dân ngõ 165 Cầu Giấy đã quá quen với hình ảnh người phụ nữ già nua hàng ngày tảo tần với chiếc xe đạp bươn đi từ rất sớm, bất kể ngày nắng ngày mưa hay gió bão và chỉ đêm muộn mới trở về. “Nghỉ ngày nào là không có tiền ngày đó”, thế nên, dù những ngày mưa gió, chị vẫn mặc áo mưa kiên nhẫn ngồi bên vỉa hè đợi việc.

Tôi hỏi, công việc cụ thể của chị là gì? “Việc gì chị cũng làm, chỉ cần người ta thuê. Thường thì dọn dẹp nhà cửa, bốc đồ từ container ngoài chợ hay ở bến xe. Cũng có khi là dọn vườn, dọn bãi rác…”.

Chị kể, có những ngày chỉ ngồi “vêu” ra, từ sáng đến tối không có việc. Đến tận khuya mới có người ngoài chợ đầu mối Long Biên thuê bốc hàng từ xe tải xuống. Cả đêm như thế cũng chỉ được trăm bạc. Cũng có những hôm việc nhiều thì không phải thức đêm nữa.

Bữa trưa là chiếc bánh mỳ khô trệu trạo, là nắm cơm nắm muối vừng nắm vội từ sáng sớm, là quả trứng luộc nguội tanh nguội ngắt… bởi với chị “tiền đâu mà ăn cơm quán, gần 20 ngàn một suất chứ ít gì”.

Mỗi tháng, dù thế nào, chị cũng phải gửi cho cậu con trai út 1,2 triệu tiền sinh hoạt. Rồi hai mẹ con chị cũng phải trả tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt và dành dụm ra chút ít để Tết đến còn về quê, còn sum họp, quây quần. “Dù có thế nào thì các con chị cũng phải được học hành tử tế để sau này có cái nghề kiếm sống, không phải lang thang bạc mặt mà nhặt từng đồng bạc như chị”.

Nói rồi chị ùa vào với phố theo một người khách đến thuê dọn nhà trên Hoàng Hoa Thám. Cái dáng chị gầy cong như dấu lặng làm tấy đỏ lên cả một khoảng trời trong mắt tôi.

3.Quán nước trà của bà lão gần trưa càng đông người lao động ngồi đợi việc. Những gương mặt uể oải nhưng câu chuyện nghèo vẫn xôm tụ. Những bác xe ôm hỏi nhau Tết này chừng nào về, cái mái bếp bạc ngót từ năm ngoái vẫn chưa thay. Thanh niên thì kể những chuyện đề đóm được – thua, xen lẫn chuyện tình yêu của cậu chàng đi đôi giày hiệu Nike…

Rồi lại quẩn sang chuyện nghề. Với những bác xe ôm thì việc xe ôm chỉ là phụ còn việc chính là bốc vác, đợi việc. “Đi xe ôm nguy hiểm lắm, nhất là vào ban đêm. Chuyện bị lừa chở khách đi nhưng quỵt tiền là chuyện thường, năm ngoái còn có ông đêm bị bọn nó đánh ngất gục bên vỉa hè chợ để cướp xe, may mà có người đi đường phát hiện giúp đưa đi bệnh viện. Ông ấy giờ cũng về quê rồi”, một bác xe ôm trầm ngâm kể.

Chiều 30 Tết là câu trả lời tôi nhận được khi hỏi các bác rằng chừng nào sẽ về quê ăn Tết. Làm lụng ki cóp cả năm cũng chỉ mong những ngày Tết ít ỏi được sum họp bên gia đình, dù cho nem công chả phượng cũng không bằng.

Với những người nghèo, những người lao động ở khu chợ nhập cư này, những cụm từ về kinh tế vĩ mô nó quá xa vời. Chỉ biết, thực tế ngay 20 ngàn đồng cho một suất ăn trưa còn chẳng dám chi thì nói gì đến việc thu nhập tăng hay sức mua tăng.

Ở nơi đất khách quê người, họ chỉ biết làm lụng từ sáng tới khuya, vắt kiệt sức mình để làm, góp gom từng đồng từng cắc. Chỉ mong cho con cái được học hành tử tế, cho mỗi dịp Tết đến cũng như ai, sum vầy và êm ấm.

Ngoài phố vẫn đông và vui lắm. Mùa xuân đang thì thầm trong từng vòng bánh xe. Chỉ có ngọn gió đông muộn màng vẫn cứ thao thiết thổi vào khu “chợ người”…

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)