Y tế - Văn hóaThư giãn

Cho người dưng để cho mình

Tạp Chí Giáo Dục

Chọn đặt tên Cho người dưng cho tập thơ thứ 2 (sau tập Nửa vầng trăng) trong cuộc “rong chơi” của mình với nàng thơ, Thanh Dương Hồng (Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng) đã hướng độc giả đi tìm những rung cảm của trái tim khi đứng trước một tình yêu bất chợt. “Người dưng” ở đây không ai khác chính là dáng hình người con gái chợt đến chợt đi trong những phút giây ngỡ ngàng. Dù là ai mặn nồng hay phôi pha nhưng bóng hình đó vẫn để lại dư ba đầy biến động của một nỗi lòng chất chứa nhiều xúc cảm lạ thường (Dư hương, Còn chút gì để nhớ). Lãng mạn nhất vẫn là những lần gặp nhau ở phố thông Đà Lạt – nơi tác giả gắn bó gần nửa cuộc đời nên mỗi vần thơ là một bức tranh đầy màu sắc của thành phố ngàn hoa (Tình duyên Đà Lạt, Ký ức dã quỳ, Hoa loa kèn, Hoa báo mùa) nhưng cũng có nhiều nốt lặng, nốt buồn (Nghe tin em lấy chồng, Sao em không về Đà Lạt)… Rũ bỏ trái tim đa sầu, đa cảm Thanh Dương Hồng đến với một cung bậc thủy chung, ngọt ngào trong khúc hát tình xứ sở, nghĩa quê hương còn nhiều nặng nợ khi đi xa (Thăm quê mùa bão lũ,  Sông Trà ngày trở lại). Một vài bài thơ đã trở thành chiếc đồng hồ thời gian để anh đánh dấu mốc những giá trị sống dù lòng còn đôi chua chát (Chiều cuối năm, Lặng lẽ xuân) mới thấy rằng, nói là Cho người dưng nhưng thực ra anh viết để tự cho mình.

Là một cộng tác viên thường trú tại Lâm Đồng của Báo Giáo dục TP.HCM, Thanh Dương Hồng vẫn chịu khó làm thơ như để cân bằng hơn sự tĩnh tại trong tâm hồn của một nhà báo đứng bên những áp lực về sự kiện. Sách do NXB Thanh niên ấn hành tháng 12-2015. Sách gọn gàng, những bức họa có tính thẩm mỹ cao ở bìa 1 và bìa 4 đã tôn thêm giá trị Cho người dưng.

Ngọc Quang  

Bình luận (0)