Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cho người khác mượn xe: Gây ra tai nạn, chủ xe có vô can?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu cho người không đủ tuổi, không đủ sức khỏe hoặc không có giấy phép lái xe mượn xe mà vô tình gây tai nạn thì chủ xe phải chịu trách nhiệm.

Một vụ tai nạn xe máy /// Ảnh minh họa Đức Tiến

Một vụ tai nạn xe máy ẢNH MINH HỌA ĐỨC TIẾN

Luật dân sự, Luật hình sự và Luật giao thông đường bộ đều có quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường của chủ xe khi cho người khác mượn xe mà bị tai nạn.
Chủ xe phải chịu trách nhiệm
Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết, nếu người mượn xe gây tai nạn giao thông đảm bảo đủ điều kiện lái xe (Điều 58), đảm bảo độ tuổi, sức khỏe (quy định tại Điều 60 của Luật giao thông đường bộ 2008) và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì người chủ sở hữu phương tiện hợp pháp cho mượn xe không phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.
Ngược lại, chủ sở hữu phương tiện phải chịu xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô vi phạm giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), Khoản 1 Điều 62 của Luật giao thông đường bộ (đối với xe máy chuyên dùng) điều khiển xe tham gia giao thông.
Cũng theo thượng tá Diệp, căn cứ vào tính chất, mức độ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của bên bị thiệt hại trong vụ TNGT mà người chủ sở hữu phương tiện có thể chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình gây ra khi cho mượn xe (căn cứ Điều 205, Bộ Luật hình sự).
Cho mượn xe đi cướp cũng có thể bị khởi tố
Theo Luật gia Nguyễn Thành Danh (Hội Luật gia Quận 2, TP.HCM, Hãng luật Minh Mẫn) khi cho người khác mượn xe để thực hiện hành vi cướp tài sản, chủ xe có phải chịu trách nhiệm hay không còn tùy thuộc vào ý chí chủ quan của người chủ xe ngay tại thời điểm cho mượn.
Nếu biết người khác mượn xe để đi cướp nhưng vãn cho mượn thì chủ xe có thể bị khởi tố

Nếu biết người khác mượn xe để đi cướp nhưng vẫn cho mượn thì chủ xe 
có thể bị khởi tốẢNH MINH HỌA TRUNG NGUYÊN

Nếu chủ xe biết trước và vẫn cho người khác mượn xe để thực hiện hành vi cướp tài sản thì có thể trở thành đồng phạm với vai trò người giúp sức, là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người chủ xe và người mượn xe có thể cùng bị truy tố về tội “cướp tài sản” theo quy định của BLHS.
Nếu chủ xe hoàn toàn không biết trước được người mượn xe sẽ thực hiện hành vi cướp tài sản thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, người chủ xe là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự về tội cướp tài sản, được quy định tại Điều 54 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Trong trường hợp này thì chủ xe có quyền tham gia phiên tòa để tranh luận và bảo vệ tài sản, quyền lợi hợp pháp của mình.
Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.

Vũ Phượng/ TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)