Sài Gòn được biết đến là một thành phố năng động, trẻ trung là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh nét hiện đại, ở đâu đó của thành phố phồn hoa này vẫn còn dấu ấn của văn hóa làng xã, những nét truyền thống cổ xưa của nhiều vùng miền đem đến để tạo nên một Sài Gòn với nhiều sắc màu độc đáo. Và trong đó có hình ảnh của những phiên chợ nổi…
TP.HCM có khoảng 300 chợ lớn nhỏ nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chợ Bến Thành, đây là ngôi chợ đã được hình thành cách đây hơn 100 năm. Chợ Bến Thành không chỉ là khu du lịch mà còn là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của thành phố qua từng thời kỳ, là biểu tượng của Sài Gòn xưa và nay. Nhưng ít ai biết rằng ngay giữa chốn phồn hoa đô thị như TP.HCM cũng có những ghe, thuyền chở hoa thơm, trái ngọt từ các tỉnh miền Tây Nam bộ ngày đêm cập bến ở một số dòng kênh của Sài Gòn, nhiều người gọi đây là “chợ nổi Sài Gòn”.
Chợ nổi vốn là đặc trưng của vùng sông nước miền Tây nhưng ngay giữa lòng thành phố cũng có một chợ như thế. Chợ nổi Sài Gòn không phải bán những thứ cao lương mỹ vị mà chỉ là những sản vật của miền sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long rất đỗi quen thuộc. Ghe này kề bên ghe kia với đa dạng các loại trái cây, phong phú các loại hoa quả nhất là vào các dịp lễ tết. Chợ nổi Sài Gòn thường gắn liền với tên của các dòng sông hay các bến đỗ của thương thuyền. Nổi bật là chợ nổi bến Bình Đông (quận 8), bến Phú Định (quận 8), chợ Tân Thuận (quận 7)…
Dưới chân cầu Tân Thuận cứ vào mỗi chiều là người mua, kẻ bán tấp nập. Anh Phạm Văn Tình (54 tuổi, quê Bến Tre) đứng chơi vơi trên mũi ghe đầy ắp những trái dừa tươi, giọng hào sảng đậm chất Nam bộ: “Tôi đã theo chiếc ghe này đi – về Sài Gòn được gần 20 năm, mỗi tháng tôi vận chuyển được khoảng 4-5 chuyến. Vào dịp Tết phải cố gắng sắp xếp ngày đi chính xác để kịp chuyến hàng cuối cùng rồi về ăn Tết cùng với gia đình. Ai cũng muốn mỗi dịp Tết đến xuân về được sum vầy bên gia đình”. Giữa cái nắng nhàn nhạt của Sài Gòn lập xuân, chúng tôi ghé lại bến Bình Đông, bến này vốn được biết đến là khu chợ nổi sôi động, nhộn nhịp và đa dạng bậc nhất của những cư dân Sài Gòn – trên bến dưới thuyền. Bất kể con nước lớn, ròng hàng chục chiếc ghe vẫn neo đậu ở đây để cung cấp trái cây đủ loại như mít, dừa, cam quýt… cho các chợ đầu mối lớn, nhỏ ở Sài Gòn. Thương thuyền chủ yếu là người miệt vườn Nam bộ như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… Họ gắn bó với sông nước, với những chuyến xuôi ngược Sài Gòn – miền Tây từ nhiều năm nay, thậm chí có gia đình qua mấy đời nước sông gạo chợ như thế này. Bà Trần Thị Út (quê Vĩnh Long) trải lòng: “Tôi đã gắn bó với cái bến này hơn 20 năm rồi nhưng vẫn còn thua nhiều bạn thuyền khác; cũng tại bến này, có người gần cả đời người lấy ghe làm nhà, sông nước làm bạn. Chúng tôi vẫn sống khỏe, sống tốt và mong muốn được tiếp tục sống bên nhau thêm nhiều lần nữa”. Dọc hai bên bờ kênh Tàu Hủ đoạn gần bến Bình Đông và bến Phú Định hàng quán bán trái cây mọc lên như nấm. Nhiều du khách nước ngoài cũng rất thích đến đây để thưởng thức hương vị “đồng quê” giữa lòng thành phố. Chị Lê Thị Kim (chủ quán nước) giọng rặt Nam bộ tiếp thị: “Ngày thường thì ở bến hơi vắng khách, nhưng đến ngày 20 tháng chạp hàng năm thì trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Bởi ngoài trái cây thì mỗi khi Tết đến xuân về bến Bình Đông còn bán rất nhiều các loại hoa như cúc, mai, hồng, lưu ly… Nhiều người gồm cả những người nước ngoài cũng thường đến đây để ngắm hoa hay tự tay chọn mua những cây hoa đủ màu sắc rực rỡ và nhiều loại trái cây về chưng ba ngày Tết. Vì mua được tận gốc nên giá cả các loại ở đây rẻ hơn, tươi hơn và phong phú hơn về chủng loại”.
Cảnh buôn bán trên các phiên chợ nổi Sài Gòn rất đỗi bình yên không có cảnh chèo kéo, tranh chấp giữa các chủ ghe. Nhìn về tương lai, không biết các phiên chợ nổi Sài Gòn có còn tồn tại không, nhưng hiện tại đã tạo nên nét đặc trưng hiếm có của đất Sài thành hơn 300 năm hình thành và phát triển. Đâu đó, hình ảnh những chiếc ghe chở đầy hoa trái rẽ ngược dòng Cửu Long tìm đến các bến đỗ ở Sài Gòn, làm cho thành phố trẻ này như quanh năm vẫn ngập tràn sắc xuân.
Nghiêm Quế
Bình luận (0)