Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cho phép các trường tổ chức dạy thêm khi học sinh tự nguyện

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10-10, Văn phòng Thành ủy – TP.HCM đã có văn bản số 287-TB/VPTU thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về “Công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn TP”.

Cô và trò Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), ngôi trường khang trang hiện đại được xây dựng mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2015-2016

Chấm dứt tình trạng DTHT tràn lan, tiêu cực là đúng

Theo đó, trong phiên họp ngày 19-9-2016 sau khi nghe Thường trực HĐND TP báo cáo tổng hợp các ý kiến của ĐB HĐND TP và cử tri về quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn TP (công văn số 595/HĐND-VP). Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy báo cáo, đề xuất các giải pháp chấm dứt tình trạng DTHT tràn lan trên địa bàn TP (tờ trình số 267-TTr/BTGTU) và ý kiến của các thành viên dự họp, Thường trực Thành ủy kết luận:

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII có nêu: “Những biểu hiện tiêu cực, thiếu kỷ cương trong GD đang có chiều hướng gia tăng. DTHT tràn lan, tốn nhiều thời gian và tiền bạc của HS, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của HS và quan hệ thầy trò…”.

Nhằm khắc phục những yếu kém này, trong những năm qua, TP đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực thi nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng DTHT tràn lan, tiêu cực. Thành ủy đã ban hành chương trình hành động số 46 – CTrHĐ/TU về thực hiện NQ 29-NQ/TW; UBND TP ban hành Quyết định số 21/2014 QĐ – UBND về qui định quản lý DTHT trên địa bàn TP, tận dụng CSVC trong nhà trường được Nhà nước đầu tư cho hoạt động dạy học, trang thiết bị phù hợp yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo các qui định về mặt y tế, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho HS và PH.

Chủ trương chấm dứt tình trạng DTHT tràn lan, tiêu cực của Thường trực Thành ủy là đúng với Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với mong muốn của người dân TP.

Khẩn trương trình Thành ủy lộ trình chấm dứt tình trạng DTHT

Trường THCS Phú Lợi (quận 8) được đầu tư xây dựng trên 100 tỷ đồng vừa được đưa vào khánh thành và sử dụng nhân dịp khai giảng năm học mới 2016-2017

Trong điều kiện hiện nay, nội dung, chương trình, phương pháp GD còn chậm đổi mới; phương pháp thi cử còn thiên về kiểm tra kiến thức nên nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận PHHS.

Vì vậy, việc triển khai chủ trương trên cần quyết liệt nhưng cần có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến PHHS và đội ngũ thầy cô giáo; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đúng chủ trương của Đảng.

Giao Ban cán sự Thường trực Thành ủy chỉ đạo UBND TP khẩn trương trình Ban Thường vụ Thành ủy lộ trình chấm dứt tình trạng DTHT tràn lan, tiêu cực. Trong đó cần tập trung, triển khai thực hiện một số nội dung:

1.Chấn chỉnh công tác DTHT tràn lan hiện nay: không tổ chức DTHT đối với các trường có các em HS theo học 2 buổi/ngày và đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.

Việc DTHT được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của HS. Phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của HS. Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do Hiệu trưởng nhà trường quyết định. Tạo điều kiện cho HS được lựa chọn GV theo học. Phân bổ hợp lý thời gian tổ chức DTHT cho GV và HS.

Quan tâm, chú trọng việc phụ đạo, bổ sung kiến thức cho HS chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng HSG (bằng ngân sách TP, không thu phí của HS).

1.2  Quản lý chặt chẽ các hoạt động DTHT ngoài nhà trường theo đúng qui định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND và Quyết định số 2140/QĐ-UBND.

1.3  Nghiên cứu nâng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số HS/lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong nhà trường; tạo điều kiện CSVC thuận lợi để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; tăng cường các hoạt động thí nghiệm, thực hành, văn – thể – mỹ, các hoạt động Đoàn – Đội, GD kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho HS nhằm chuyển mạnh quá trình GD chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

1.4  Khẩn chương hoàn thiện các qui định, cơ chế để tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD-ĐT, nhất là trong lĩnh vực nhân sự, tài chính; hướng tới nâng cao việc tổ chức,  hoạt động của trường, chất lượng giảng dạy, học tập của thầy và trò, cải thiện đời sống GV, thực hiện tốt hơn qui chế dân chủ cơ sở tại trường học và hài lòng của HS và PH.

1.5 Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ GV về nhà ở, nâng cao thu nhập cho CB-GV-VC ngành GD, tạo điệu kiện thuận lợi để GV toàn tâm toàn ý chăm lo sự nghiệp GD-ĐT nguồn nhân lực của TP. Nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ nhằm tăng thêm nguồn phụ cấp cho GV dạy các lớp vượt sĩ số theo chuẩn; phụ cấp dạy phụ đạo cho HS chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng HSG bằng nguồn ngân sách TP.

1.6 Tiếp tục rà soát, qui hoạch để ưu tiên giao đất đầu tư xây dựng trường học, hoàn thiện các chính sách để đẩy mạnh công tác XHH đầu tư CSVC cho GD-ĐT; đầu tư từ ngân sách TP, quận – huyện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp theo qui hoạch được phê duyệt; phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học mới/10.000 dân trước năm 2020.

1.7 Tập trung chỉ đạo tốt việc tập hớp các chuyên gia GD, nhà giáo có chuyên môn cao, uy tín, giàu kinh nghiệm tham gia biên soạn bộ SGK mới đạt chất lượng cao nhất; đáp ứng chương trình mới, tạo điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích HS tự học, hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực cho HS.

Giao Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến, nắm tình hình dư luận; chỉ đạo các cơ quan báo chí TP thông tin đầy đủ chủ trương của Thường trực Thành ủy. Trong đó, cần nhấn mạnh chủ trương cấm dạy thêm tràn lan, tiêu cực, không đúng qui định.

Lê Quang Huy (ghi)

Bình luận (0)