Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chợ sỉ dội hàng, chợ lẻ tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại TP.HCM, giá rau củ các loại đã hạ nhiệt sau khi tăng vọt hồi đầu tháng nhưng vẫn neo ở mức cao. Thời tiết ổn định cộng với nguồn hàng dồi dào khi nhiều loại rau vào vụ thu hoạch được xem là lý do làm giá thực phẩm giảm.

Giá rau củ quả ở chợ lẻ đã giảm chậm – Ảnh: N.C.T.
Tuy nhiên, chênh lệch giá giữa chợ đầu mối và chợ lẻ vẫn còn khá cao.
Giá sỉ giảm, giá lẻ vẫn cao
Ngày 25-11, lượng rau quả về các chợ đầu mối Bình Điền (H.Bình Chánh) và Tam Bình (Q.Thủ Đức) đạt gần 4.305 tấn, tăng 8,7% so với tuần trước. Giá bán nhiều mặt hàng rau củ tại các chợ giảm 13-37% như khoai tây Đà Lạt, bắp cải tròn, bông cải xanh Đà Lạt, đậu Hà Lan, cải bẹ xanh, xà lách búp, chanh… Riêng xà lách Pháp giá bán giảm 50% còn 17.000 đồng/kg, cà chua giá giảm 37-67% còn 3.000-5.400 đồng/kg. Một số loại rau củ do bị ảnh hưởng của triều cường, mưa liên tục tăng giá như su su, đậu bắp tăng 20-29%, dưa leo tăng 23-42% lên 8.000-9.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc kinh doanh chợ Tam Bình, cho biết lượng hàng về chợ khá dồi dào nhưng sức mua thấp nên hàng tồn nhiều. Về sáng chợ tan, nhiều mặt hàng rớt giá, tiểu thương bán tháo vẫn không hết, đành đổ bỏ.
Trong khi đó giá tại các chợ lẻ giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Tại chợ Tân Định (Q.1), cải bẹ xanh vẫn giữ giá 12.000-15.000 đồng/kg, mồng tơi 14.000 đồng/kg, xà lách 35.000 đồng/kg trong khi chợ đầu mối là 17.000 đồng/kg.
Ông Võ Thành Dương – phó chủ nhiệm HTX Phước Bình, huyện Bình Chánh, chuyên cung cấp rau cho các siêu thị, chợ trên địa bàn TP.HCM – cho biết trong gần một tháng qua giá rau tại HTX tăng 10-20% do nguyên liệu đầu vào, thời tiết mưa bão, chi phí lao động… Thông thường chênh lệch giữa chợ sỉ và chợ lẻ từ 20-25% là hợp lý.
Tình trạng giá rau từ chợ sỉ về chợ lẻ tăng đến 40-50% như những ngày qua có thể do tâm lý không ổn định của nông dân cộng với sự trục lợi, làm giá của thương lái.
Tăng cao, giảm nhẹ
Theo ông Dương, tại chợ đầu mối, chỉ cần rau từ các tỉnh lên chợ chậm một ngày, thậm chí chậm vài giờ thì rau từ 5.000 đồng/kg có thể nhảy lên 8.000 đồng/kg vào lúc cao điểm họp chợ và nhanh chóng rớt còn 4.000 đồng/kg khi trời vừa sáng.
“Thương lái rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, chỉ cần đứt hàng là lập tức đẩy giá lên. Trong khi đó, nông dân tại các tỉnh ven thành phố khi nghe tin giá rau tăng lập tức gom hàng đem lên thành phố bán. Nguồn cung dồi dào, giá rau nhanh chóng rớt lại” – ông Dương nhận định.
Vì vậy, các đợt tăng giá rau thường chỉ kéo dài trong một hoặc hai ngày. Tuy nhiên, điều nghịch lý hiện nay là giá các loại rau củ có thể tăng đến 80-100% nhưng khi giảm lại rất nhỏ giọt chỉ từ 20-30%. Điều này khiến sau mỗi đợt biến động, giá thực phẩm thường hình thành mặt bằng mới khiến người tiêu dùng khốn đốn. Bà Thanh Hà cho rằng tiểu thương ở các chợ lẻ vẫn có tâm lý tăng theo giá vàng, giá USD với lý do hàng hóa tăng buộc họ phải tăng tiền công để trang trải cuộc sống.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, người bán lẻ vẫn thích đầu cơ, đẩy giá trong khi cơ quan quản lý giá gặp khó khăn trong kiểm soát do đặc thù hệ thống phân phối bán lẻ của VN vẫn còn manh mún, tự phát.
Ông Ngô Văn Hải, phó tổng giám đốc siêu thị Citimart, cho rằng chỉ khi người nông dân được hưởng lợi trực tiếp từ các thành phẩm của mình, không phải bán hàng qua quá nhiều khâu như hiện nay giá mới ổn định được. Trong khi đó, độ phủ của mạng lưới bán lẻ hiện đại còn thấp, chưa thể chi phối, can thiệp thị trường.
N.BÌNH / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)