Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cho thuê đồ chơi

Tạp Chí Giáo Dục

“Cái thời con nít nhìn đồ chơi mắt thèm thuồng muốn sở hữu hết rồi. Giờ chỉ cần một cú điện thoại, chưa đầy một giờ trong nhà đã có một đống đồ chơi đủ loại, con tôi thỏa thích chơi” – chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, 31 tuổi (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết.

Dịch vụ cho thuê đồ chơi
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (Q.Tân Phú, TP.HCM) vui đùa trong sân chơi mini chị vừa thuê ở cửa hàng đồ chơi-Tiến Long

Căn hộ của gia đình chị Tú ở chung cư Lotus (Q.Tân Phú) rộng khoảng 70m2. Vợ chồng chị dùng bộ hàng rào nhựa khoanh một góc nhà rộng chừng 2m2 làm sân chơi cho đứa con đầu lòng. Hôm chúng tôi đến, chị Tú và người dì ruột đang ngồi đùa nghịch cùng con trong sân chơi mini. Đứa bé mới 9 tháng tuổi thích thú đùa nghịch với đủ loại đồ chơi bên mình.

Lâu lâu chị Tú bấm chiếc đàn piano được cách tân thành hình gấu trúc, tiếng nhạc phát ra đứa bé nghe lạ tai cười khúc khích.

Cái gì cũng có

Vừa chơi cùng con, chị Tú chia sẻ: cả hàng rào nhựa và toàn bộ đồ chơi của con chị đều thuê tại một cửa hàng ở Q.Bình Thạnh. Bé là con đầu lòng nên được cả nhà cưng chiều.

Từ lúc con mới 3 tháng tuổi, vợ chồng chị đã rảo tìm nhiều cửa hàng mua cho bé đủ loại đồ chơi. Mới đầu mua về bé chơi thích thú, nhưng được vài bữa đã chán không thèm chơi, hàng đống đồ chơi vứt lăn lóc ở xó nhà. Vừa kể chị Tú vừa đưa một giỏ đựng đống đồ chơi còn mới cáu, cất trong góc nhà ra cho khách xem.

Tìm kiếm trên Internet, chị biết một cửa hàng cho thuê đồ chơi nhập ngoại ở Q.Bình Thạnh. Toàn bộ đồ chơi được cửa hàng đưa lên trang web cho khách tự chọn rồi gọi điện đặt giao tận nhà. Thấy tiện lợi, mới đầu chị thuê một vài món đồ nhỏ cho bé chơi. Lâu dần thành quen, đều đặn vài ba tuần chị gọi điện cho cửa hàng mang món đồ chơi khác đến đổi.

Chị Tú trở thành “khách ruột” của cửa hàng, có món đồ chơi nào vừa nhập mới về, chủ cửa hàng cũng chủ động báo cho chị biết thuê cho bé. “Tụi nhỏ mau chán lắm, chơi chừng tuần thấy không khám phá được gì nữa là bỏ không thèm chơi, bởi vậy phải thay đổi món xoành xoạch” – chị Tú cười.

Nhiều phụ huynh khác cũng chọn cách thuê đồ chơi cho con, bởi giá thuê hợp lý mà không phải tốn một khoản tiền lớn mua đồ chơi cho con trẻ thường “cả thèm chóng chán”.

Chị Nguyễn Thị Diễm My (Q.Tân Bình) cho hay nhà chị có hai đứa con, bé trai đầu gần 3 tuổi, còn bé gái sau mới 9 tháng tuổi. Ngoài những con búp bê nhỏ và bộ xếp hình chồng chị mua, còn lại đều thuê ở cửa hàng. Hai năm trước khi bé đầu được 1 tuổi, chị bắt đầu tìm thuê đồ chơi cho con. Mỗi lần chị thuê một món, khoảng hai tháng đổi một lần.

Không phải mua nhưng trong nhà chị có đủ thứ đồ chơi, từ nhún tập đứng, cầu tuột, xích đu đến sân bóng rổ, ôtô điện…, tha hồ để bé vui chơi. Chị My nhẩm tính một tháng bỏ ra khoảng 400.000 đồng thuê đồ chơi. Tính ra số tiền thuê trong hai năm rẻ bằng một chiếc xe điện có giá bán 4-5 triệu đồng. “Sắp tới sinh nhật bé sau, tui đang tính thuê khoảng chục món đồ để làm sân chơi cho mấy đứa bé con anh chị, bạn bè đến chơi cả ngày” – chị My chia sẻ.

Mang cả thế giới đồ chơi 
về nhà

Hiện nay tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… chỉ cần rảo một hồi trên Internet, phụ huynh dễ dàng bắt gặp hàng trăm cửa hàng cho thuê đồ chơi trẻ em. Tùy vào chủng loại đồ chơi, xuất xứ mà các cửa hàng niêm yết mỗi loại giá khác nhau.

Thường mức giá cho thuê từ 60.000-200.000 đồng/món/tuần. Thế giới đồ chơi phong phú, giờ thêm yếu tố cạnh tranh nên chủ các cửa hàng liên tục cập nhật “món” mới lên trang web để chiều lòng và giữ chân khách “nhí”.

Cửa hàng cho thuê đồ chơi của chị Lâm Thùy Dương nằm ở hẻm nhỏ đường Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) như một thế giới đồ chơi thu nhỏ, với đủ loại đồ chơi từ bình dân đến cao cấp.

Từ những quả bóng đá, bóng rổ, xe tập đi cho đến những chiếc ôtô, nôi trẻ em bằng điện…, chị Dương cho biết đồ chơi ở cửa hàng cho phụ huynh có con từ 4-5 tháng tuổi đến khoảng 2 tuổi thuê. Toàn bộ hàng đều nhập về từ Mỹ và Hàn Quốc. Giá mua thấp nhất 500.000 đồng, cao nhất lên đến 4-5 triệu đồng/món.

Thường các loại xe điện có giá thuê cao nhất khoảng 180.000 đồng/tuần, còn thấp nhất là giá thuê các loại bóng, đàn nhỏ 60.000-70.000 đồng/tuần. Nếu khách thuê nguyên tháng, giá thuê rẻ hơn. Chị Dương cho hay: “Ít ai thuê tháng lắm, thường một tuần mấy đứa nhỏ đã chán, không thèm chơi nên cha mẹ lại gọi đổi thứ khác. Bé chơi bền nhất cũng được tháng đổ lại”.

Cửa hàng đồ chơi được chị Dương mở từ nhu cầu của chính mình. Chị kể khi sinh đứa con đầu, chị cùng chồng đi tìm mua đồ chơi cho bé. Do không chọn đồ chơi Trung Quốc nên chị tìm đến cửa hàng đồ chơi xuất xứ Nhật, Hàn và các nước châu Âu.

Các loại đồ chơi ở đây giá đắt, mỗi món đồ 2 triệu đồng trở lên, nhưng về bé chơi chưa đầy tháng đã chán. Thấy lãng phí nên chị tìm đến các cửa hàng bán đồ chơi để thuê. Lúc đó cả TP chỉ vài địa chỉ cho thuê không chuyên, chị phải đặt cọc nguyên giá trị món hàng. Thấy nhu cầu nhiều người, chị mới nảy ý định nhập đồ chơi về làm cửa hàng cho thuê. Lúc đầu cửa hàng của chị chỉ có khoảng 30 món, nay đã có gần 500 món đồ chơi các loại.

Hồi trước ít cửa hàng cho thuê, giờ nhiều cửa hàng mọc lên nên khách thuê cũng ít hơn. Khách hàng của chị phần lớn là khách thuê lâu thành quen, số khác được người thân, bạn bè sau khi thuê giới thiệu.

Ngoài phụ huynh, các nhóm thiện nguyện tổ chức các hoạt động xã hội hoặc nhiều nhà chỉ thuê một ngày để làm sân chơi nhỏ tổ chức sinh nhật, thôi nôi, đầy năm, Tết trung thu… cho trẻ. Một số trường mầm non ở Lâm Đồng, Cần Thơ cũng đánh xe đến thuê đồ về cho các bé chơi. Đều đặn hai tuần, giáo viên Trường mầm non Thần Đồng (TP Cần Thơ) lại đánh xe lên cửa hàng ở TP.HCM đổi đồ chơi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, phụ trách trường, cho biết trường tư thục thành lập từ năm 2008, hiện có 300 bé theo học. Do điều kiện còn khó khăn, ngoài những đồ chơi phổ thông giá rẻ, nhà trường còn thuê mỗi lần 4-5 món đồ ngoại về “đổi món” cho các bé.

Ở Cần Thơ không có cho thuê đồ chơi nên các cô phải lên tận TP.HCM để thuê. “Những đồ chơi nhà trường thuê ngoài thị trường bán rất cao. Thay vì mua rất tốn kém, nhà trường chọn cách đi thuê cho tiết kiệm chi phí” – cô Hiền tâm sự.

Dịch vụ cho thuê đồ chơi
Cửa hàng cho thuê đồ chơi của chị Lâm Thùy Dương chuẩn bị những món đồ chơi để khách thuê qua mạng -Tự Trung

Nghề cũng có cái khó…

Nhìn chiếc xe đang trong bọc xếp ở một xó nhà, anh Nguyễn Ngọc Đức, chuyên cho thuê đồ chơi ở Q.Thủ Đức, cho biết chuyện đồ chơi khi thuê về bị làm mất, hư hỏng xảy ra như cơm bữa.

Nhất là những thứ đồ chơi nhỏ, nhiều phụ kiện, cha mẹ bé không giữ kỹ, kiểu gì khi trả cũng khuyết một vài bộ phận. Nhiều đồ chơi bị hư phải đặt từ nước ngoài mấy tháng sau mới có phụ kiện thay. Có những đồ chơi tìm mua phụ kiện không được phải đóng tủ cất.

Khi ký hợp đồng thuê đều liệt kê từng bộ phận kèm theo số tiền, người thuê cũng phải đặt cọc nửa giá trị mua món đồ. Nhưng nếu mất, hư hỏng, cửa hàng chỉ đền một khoản nhỏ, không bằng giá trị đồ chơi. “Khoản phạt cũng chỉ để người thuê có trách nhiệm bảo quản thôi.

Như mấy loại ôtô, tiền thay mới bình điện, bánh xe gần bằng mua chiếc mới sao bắt đền khách hết được” – chủ cửa hàng trên bộc bạch.

Đang nói chuyện với chúng tôi, có khách hàng gọi đến, anh Ngọc Đức lụi cụi mở túi bóng đưa chiếc ôtô ra lau rửa, phơi nắng trước khi giao cho khách. Anh Đức nói thường khách tìm số điện thoại đặt hàng trên mạng rồi gọi trước để anh vệ sinh đồ chơi cẩn thận. Người thuê bây giờ rất kỹ, có người đến tận nơi xem trước khi thuê. Khi giao hàng có người kiểm tra có dính bụi hay không, một vết bẩn họ cũng sẵn sàng trả lại ngay.

Tránh thuê đồ chơi không rõ xuất xứ

Theo những người chuyên cho thuê đồ chơi lâu năm, để cha mẹ bé yên tâm, các cửa hàng cho thuê đồ chơi thường quảng cáo đồ chơi được mua của các thương hiệu nổi tiếng, đảm bảo chất lượng và an toàn…

Trong khi thực tế một số cửa hàng mua đồ chơi Trung Quốc độc hại để cho thuê. Nhìn bằng mắt thường khó phân biệt với các loại đồ chơi nhập từ các hãng đồ chơi nổi tiếng. Vì vậy để tránh “rước bệnh” cho trẻ, khi thuê phụ huynh cần lựa chọn các món đồ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất liệu không độc hại. Hạn chế thuê đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, có mùi bất thường, tránh những loại đồ chơi dễ phai màu, đồ chơi có mùi nhựa, khét, có thể gây ngộ độc cho trẻ.

Đặc biệt, khi chọn đồ chơi phải phù hợp với lứa tuổi. Không nên chọn những loại đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, tháo rời cho những trẻ nhỏ vì trẻ có thể bị thương hay nuốt vào miệng gây hóc, nghẹn.

 

    • Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)