Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cho thuê tài chính: Gian nan thu hồi tài sản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việc thu hồi tài sản khi bên thuê vi phạm hợp đồng luôn là vấn đề nan giải của các công ty cho thuê tài chính, bởi sự thiếu đồng bộ của văn bản pháp luật và thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan thi hành pháp luật.

1.001 kiểu vi phạm hợp đồng

Các dạng thức vi phạm hợp đồng trong hoạt động cho thuê tài chính thiên biến vạn hóa khó lường. Tại buổi tọa đàm “Giải đáp pháp luật về thu hồi tài sản cho thuê tài chính” do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV Leasing) đã chỉ ra nhiều trường hợp bên thuê vi phạm hợp đồng.

Các dạng thức vi phạm hợp đồng trong hoạt động cho thuê tài chính thiên biến vạn hóa khó lường.

Điển hình là việc BIDV Leasing ký hợp đồng cho Công ty TNHH Việt Linh thuê máy xúc đào thủy lực Komatsu. Khi thực hiện hợp đồng, công ty này đã tự ý chuyển giao tài sản cho bên thứ 3 mà không được sự cho phép của BIDV Leasing và trong quá trình thuê, Công ty TNHH Việt Linh không trả được nợ, buộc BIDV Leasing phải báo công an để truy tìm tài sản. Mất rất nhiều thời gian và công sức, BIDV Leasing mới xác minh được tài sản cho thuê nằm ở tận Cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An), nhưng đến nay, 2 doanh nghiệp này vẫn dây dưa trốn nợ, gây nhiều thiệt hại cho bên cho thuê.
Ngoài việc không thu hồi được tài sản như trên, các công ty tài chính còn phải đối mặt với rủi ro khác, như bị chính bên thuê khởi kiện. Đó là trường hợp Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và BIDV Leasing cho Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Bình Định thuê tàu BinhDinh Star chạy tuyến quốc tế. Do không trả được nợ, bên cho thuê buộc phải thu hồi tài sản. Quá trình thu hồi diễn ra rất khó khăn, do phải mất thời gian chờ tàu trả khách ở Indonesia. Sau khi thu hồi xong, bên thuê lại khởi kiện, vì cho rằng, bên cho thuê đã thanh lý tài sản không theo quy định của pháp luật. Hiện vụ việc vẫn đang trong vòng tranh tụng.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Cơ sở pháp lý cho việc thu hồi tài sản cho thuê là Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP hướng dẫn việc thu hồi tài sản của công ty cho thuê tài chính. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, thông tư này đã bộc lộ khá nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Minh Sáu, Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nêu ý kiến: “Theo quy định của Thông tư 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP, sau 30 ngày kể từ ngày có thông báo, bên cho thuê mới được thu hồi tài sản. Thời gian quá dài này đủ để khách hàng tẩu tán tài sản, tháo bán linh kiện, máy móc đi thuê. Mặt khác, điểm này mâu thuẫn với khoản a, điểm 9, Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 là phải “thu hồi ngay lập tức”.
Còn theo ông Hoàng Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP chưa được thực hiện triệt để, do chế tài chưa rõ ràng. Nhiều cơ quan, đơn vị như chính quyền các cấp, công an, thi hành án… vẫn từ chối thẳng thừng, bất hợp tác. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho công ty cho thuê tài chính.
Đối với tài sản là phương tiện giao thông – vận tải, thì ngoài việc gửi yêu cầu thu hồi tài sản theo quy định, bên cho thuê có quyền gửi yêu cầu thu hồi tới cơ quan có thẩm quyền về đăng ký để được hỗ trợ thu hồi. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho biết, bên cho thuê đã nhiều lần gửi yêu cầu tới Cục Cảnh sát giao thông và Cục Đăng kiểm, song hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ các cơ quan này.
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, ông Đàm Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ tổng kết những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp gửi lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sớm có biện pháp tháo gỡ.
Nguồn ĐẦU TƯ

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)