Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cho trẻ “gối đầu lên những vần thơ”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành 3 tập thơ thiếu nhi, gồm: Góp nắng cho cây, Con là ban mai, và Sài Gòn sót mấy con ve.

Đây là minh chứng cho thấy, thơ thiếu nhi hoàn toàn có “đất sống”. Nhờ đó, thế giới tinh thần của trẻ em trở nên phong phú và giàu có hơn; đồng thời trở thành nguồn khích lệ để có thêm nhiều tác giả mới mạnh dạn làm thơ cho thiếu nhi.

Cho trẻ “gối đầu lên những vần thơ” ảnh 1

Ba tập thơ vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành đều là tác phẩm đầu tay của 3 tác giả

Thế giới thơ muôn màu

Lê Ký Thương là nghệ sĩ đa tài – nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nặn tượng… – trong đó dấu ấn hội họa sâu đậm hơn cả. Thế nhưng, ở tuổi 77, ông khiến nhiều người bất ngờ khi ra mắt tập thơ thiếu nhi Góp nắng cho cây, được nhiều người ví von “về già hóa trẻ con”. Ở tập thơ này, người ta không thấy một lão niên cố gắng để làm thơ cho thiếu nhi, cũng không phải là thơ của một người ông viết cho cháu, mà ở đó là tâm hồn của một đứa trẻ, với những điều lạ lẫm, kỳ thú xung quanh: chuyện một em bé muốn làm người lớn, chuyện của “hai bác sĩ nhí” trong phòng khám răng…

Giống như Lê Ký Thương, tác giả Trung Dũng KQĐ cũng là một họa sĩ. Sài Gòn sót mấy tiếng ve là tập thơ đầu tay, được xuất bản khi tác giả đã ngấp nghé tuổi 60. Thông qua tập thơ, tác giả mang đến niềm giao cảm với thiên nhiên, bằng cái nhìn ngộ nghĩnh, háo hức và tươi đẹp.

Làm thơ từ nhỏ nên Nguyễn Hải Lý là cái tên quen thuộc với học trò từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tên chị xuất hiện đều đặn trên các báo Thiếu niên Tiền phong, Mực tím, Khăn quàng đỏ, Nhi đồng TPHCM… Nhưng phải mới đây, khi đã là mẹ của hai cô con gái, chị mới xuất bản tập thơ đầu tiên – Con là ban mai. Tập thơ là sự giao hòa giữa một thiếu nữ thuở “làm thơ trên sân trường” và một người mẹ làm thơ với cảm hứng từ hai cô con gái. Nhưng chắc chắn, bạn đọc sẽ không dễ phân biệt, bởi những bài thơ có sự đồng điệu trong cảm nhận về cuộc sống, rất trong trẻo và hồn nhiên.

Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ

Thời gian gần đây, nhiều đơn vị xuất bản đã và đang nhắm đến thơ thiếu nhi như một thị trường đầy tiềm năng. Sau một số tập in chung, mới đây, tác giả Châu An Khôi vừa ra mắt 2 tập thơ riêng: Bé tập làm người lớn và Khu vườn màu xanh do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành. Hai tập thơ gồm các câu thơ ngắn, giàu vần điệu, thể hiện nội dung gần gũi, dí dỏm, được thiết kế thêm những phần tương tác thú vị như: tìm dán sticker, tô tranh, nối hình. Trước đó, Nhà xuất bản Trẻ cũng đã ra mắt bộ thơ Vần điệu cho em, gồm 4 quyển: Nếu không có trẻ con (Thục Linh), Cây cầu lấp lánh (Mộc An), Chuyện bốn mùa trời đất và Bao giờ mặt trời lên? (Mai Quyên). Trong đó, tập thơ Nếu không có trẻ con đã được tái bản sau khi ra mắt.

Chị Minh Phúc, biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ – người biên tập bộ thơ Vần điệu cho em, cho biết, sau khi sinh con, chị thường hát ru và đọc thơ cho bé nghe. “Hóa ra, những bài thơ, câu hát ru có vần có điệu, lại gây “chú ý” với con trẻ và thẩm thấu vào não bé lúc nào không hay, cho đến lúc bé biết hát nối và đọc nối theo từ cuối mỗi câu thơ”, chị Minh Phúc kể. Cũng theo chị Minh Phúc, trong một số tài liệu về nuôi dạy con, nhiều chuyên gia đề cập đến chuyện phát triển ngôn ngữ của con trẻ bằng thơ ca, bằng những bài ca dao có vần điệu. “Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy việc đọc thơ cho con là một sự nhiệm màu trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trẻ nhanh biết nói, và còn có vốn từ phong phú ngay từ bé xíu, biết vận dụng những câu từ phức tạp rất sớm, và rất linh hoạt”, biên tập viên Minh Phúc chia sẻ.

Còn theo chị Võ Thiên Hương, đại diện truyền thông của Nhà xuất bản Kim Đồng, bên cạnh thể loại văn xuôi, mảng thơ thiếu nhi cũng được các nhà xuất bản đặc biệt quan tâm. “Với độ tuổi nhi đồng, thiếu nhi, thơ đóng vai trò khá quan trọng vì các vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc và có thể ngân nga mọi lúc mọi nơi. Hình ảnh trong thơ sẽ mở ra trước mắt trẻ cánh cửa của trí tưởng tượng. Tính nhạc và ngôn ngữ hàm súc của thơ sẽ góp phần bồi đắp cảm xúc lẫn từ vựng cho trẻ”, chị Võ Thiên Hương nói thêm.

Hiện tại, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đang trong quá trình thực hiện để tái bản tập thơ Điều bí mật trong vườn của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Các đơn vị như Nhà xuất Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng khẳng định sẵn sàng đầu tư cho thơ thiếu nhi khi có bản thảo hay và phù hợp. Điều này cho thấy, thơ thiếu nhi đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho cả người đọc lẫn người viết.

Hiện nhiều cuộc thi sáng tác hoặc giải thưởng dành cho thơ văn thiếu nhi liên tục được tổ chức, như: Giải thưởng Dế Mèn (Báo Thể thao và Văn hóa), Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam), Giải thưởng Văn học Kim Đồng (Nhà xuất bản Kim Đồng), Giải thưởng Sách Thiếu nhi TPHCM (Sở TT-TT TPHCM phối hợp cùng Thành đoàn TNCS TPHCM, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD-ĐT và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức).

Theo Quỳnh Yên/SGGPO

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)