Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cho trẻ học chữ trước lớp một: Lệch lạc, phản khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ông Trần Mạnh Hưởng, nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), việc cho trẻ đi học đọc, viết trước khi vào lớp một là biểu hiện của nhận thức lệch lạc ở một số phụ huynh: quá xem trọng tri thức mà coi nhẹ nền tảng hình thành nhân cách trẻ.
Học sinh đang được làm quen với chữ cái trước khi vào lớp 1 (ảnh chụp ở trường Dream House, Hà Nội)
Ông Trần Mạnh Hưởng nói: Luật Giáo dục xác định mục tiêu rất rõ của mỗi cấp học. Theo đó, mục tiêu giáo dục mầm non là chuẩn bị những cơ sở tạo tiền đề cho trẻ vào tiểu học: giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Luật cũng quy định, những trẻ sáu tuổi mới được học lớp một, trước sáu tuổi học mầm non.  
Thực tế ở nước ta, trước đây trẻ bảy tuổi mới vào lớp một, sáu tuổi là lớp vỡ lòng. Theo đó, sáu tuổi vẫn chưa phải là tuổi vào lớp một, năm tuổi càng chưa phải là tuổi học hành. Sau cải cách giáo dục (1981), chúng ta bỏ lớp vỡ lòng và thực hiện chương trình cấp tiểu học gồm năm lớp, trẻ bắt đầu đi học vào sáu tuổi. Như thế trẻ thời nay đã thiệt thòi so với các thế hệ trước.
Nếu giờ đây phụ huynh lại bắt con em mình tiếp xúc với các môn văn hóa (tạm gọi theo nghĩa hẹp) như văn, tiếng Việt trước khi các cháu được sáu tuổi thì điều đó quá sức so với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Theo ông, việc cho trẻ học viết trước khi vào lớp một gây  tác hại ra sao?
Theo tôi, điều nguy hại nhất của hiện tượng này đó chính là biểu hiện lệch lạc về nhận thức của một số phụ huynh học sinh. Việc cho trẻ chưa vào lớp một học đọc, học viết gần giống như giai đoạn đầu của môn tiếng Việt ở lớp một phản ánh một xu thế phát triển gần đây của xã hội: các bậc cha mẹ lo đến việc phát triển tri thức cho con em mình nhiều quá.
Nhiều phụ huynh chỉ lo lắng làm sao để con mình giỏi về toán, tiếng Việt mà ít quan tâm phát triển các mặt khác trong cuộc sống của đứa trẻ, trong đó có những yếu tố là nền tảng hình thành nhân cách. Việc hình thành nhân cách đâu chỉ có toán, tiếng Việt? Còn nhiều hoạt động khác như rèn luyện sức khoẻ, hát, múa…
Nếu chỉ quan tâm chăm lo phát triển tri thức cho trẻ là chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt. Tôi tin rằng, nếu có một đánh giá, thống kê về xã hội học thì sẽ thấy những cá nhân nào chỉ chăm chăm vào học thì các mặt khác của họ phát triển rất hạn chế. Thực tế chúng ta hay nói tới những “con gà tồ”, nghĩa là tuy anh học môn này môn nọ rất giỏi nhưng các cái khác không biết gì.
Còn cái nguy hiểm nữa, theo quan sát của tôi, những người chỉ chăm chú vào học thì hầu như chỉ biết nghĩ tới bản thân mình, không biết nghĩ tới người khác. Có người học rất giỏi nhưng bạc đãi cả bố mẹ, không quan tâm tới người thân.
Sở dĩ như vậy vì anh được hưởng thụ môi trường giáo dục mà quan điểm chủ đạo là chỉ biết học thôi và cũng chỉ là học cho bản thân mình, miễn là đạt được mục tiêu rất cao về tri thức dù nhân cách hạn chế. Do đó, những người như thế khi trưởng thành sẽ không phải là con người nhân hậu, biết quan tâm, yêu thương mọi người.
Rốt cục, phụ huynh học sinh chính là những “nạn nhân” từ quan điểm giáo dục không toàn diện của mình mang lại. Họ chỉ nghĩ đến cái trước mắt, làm sao con học giỏi, đủ tri thức đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của xã hội nhưng quên mất chính mình. Hậu quả là con em họ chưa chắc đã trở thành người tốt cho gia đình chứ chưa nói đến xã hội.  
Theo một số phụ huynh đang có con học lớp một, con em họ dù rất cố gắng nhưng vẫn không theo kịp các bạn đã được học trước khi vào lớp một. Thậm chí có những giáo viên còn tỏ ra không hài lòng khi con em họ biết đọc biết viết kém hơn những bạn khác dù những bạn đó giỏi hơn chỉ vì  đã được đi học trước? 
Thái độ của giáo viên mà bạn vừa nêu, theo tôi chỉ là trường hợp cá biệt. Cá nhân tôi thì nhận được rất nhiều phàn nàn của giáo viên về hiện tượng học sinh đi học trước lớp một.
Theo họ, những học sinh đi học trước khi vào học chính thức thường không chú ý, không hăng hái học, không hứng thú. Thậm chí có những trẻ cảm thấy mọi thứ đối với mình đều đơn giản nên không nỗ lực, không cố gắng.
Ngoài ra, các giáo viên còn phàn nàn về việc những trẻ đi học trước thường có tư thế ngồi, cầm bút sai. Việc sửa lại những cái sai này rất khó. Từ đó trẻ dễ bị vẹo lưng, cận thị. Việc cầm bút sai tư thế khiến trẻ dễ mỏi tay, hiệu quả viết của trẻ khi theo học ở những lớp trên kém.
Nhưng khi giáo viên ở các lớp “tiền lớp một” của trẻ chính  là  các giáo viên tiểu học?
Về nguyên tắc, tất cả các giáo viên tiểu học đều nhận thức được tác hại của việc dạy trẻ đọc, viết quá sớm. Do đó, trường hợp nào cố tình dạy là do các động cơ cá nhân và không phải vì quyền lợi của trẻ. Vả lại như trên tôi đã nói, những thiệt thòi của trẻ khi đi học chưa đủ tuổi không chỉ biểu hiện ở những nguy hại trực tiếp ảnh hưởng tới trẻ những năm đi học đầu tiên của cuộc đời mà còn ở tương lai mai sau của trẻ, tới việc hình thành nhân cách trẻ.
Vậy theo ông, trẻ khi chưa vào lớp một cần được chuẩn bị những gì để trang bị khả năng học tốt ở lớp một?
Trẻ năm tuổi ở trường mầm non bắt đầu được làm quen với chữ cái. Nhưng không phải tất cả 29 chữ cái, hoặc 37 chữ cái (kể cả những chữ ghi âm như c + h = ch). Chỉ nên lựa chọn từ 10 đến 15 trong 29 chữ cái để trẻ làm quen. Có những chữ khó nhớ, dễ nhầm lẫn như b – d, g – h… nên để lùi lại, khi trẻ học lớp một mới dạy bởi lên lớp một các em mới bắt đầu được học trái – phải, trên – dưới, cao – thấp…
Nếu dạy sớm quá sẽ dễ tạo cho trẻ sự lẫn lộn. Mà nếu ngay từ đầu trẻ bị lẫn lộn thì sau này sự nhận thức đúng trở lại sẽ khó khăn với trẻ.
Rồi trong việc làm quen với chữ cái cũng nên chú ý tới các kỹ năng nghe và nói hơn là đọc và viết. Ở tuổi này, việc bắt các cháu ngồi tô chữ suốt 15 – 20 phút là phản khoa học.
Nên cho trẻ làm quen theo phương thức chơi mà học, tạo sự hứng thú trong tiếp nhận. Tránh áp đặt như với học sinh lớp một. Nếu trẻ muốn biết một chữ nào đó trẻ sẽ hỏi thì người lớn có thể trả lời. Điều đó hay hơn là người lớn bắt trẻ phải nhớ chữ này, chữ kia.
Cảm ơn ông.
Quý Hiên thực hiện (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)