Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cho trẻ một mùa hè bổ ích và an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu trẻ háo hức với mùa hè đến bao nhiêu thì cha mẹ lại băn khoăn lo nghĩ làm sao để con có một mùa hè bổ ích, ý nghĩa mà an toàn.

Hãy cho trẻ một mùa hè bổ ích và an toàn, lành mạnh. Ảnh: I.T

Nhiều phụ huynh lấn cấn, phân vân trong việc lựa chọn loại hình sinh hoạt hè phù hợp và bổ ích cho con tham gia để giúp trẻ vừa phát triển nhân cách vừa quản lý con một cách hiệu quả nhất.

Học và chơi đúng cách

Nghỉ ngơi trong dịp hè là quyền lợi chính đáng của trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ phải tạo điều kiện để con mình được học và chơi đúng cách. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn trường, môn học, các hoạt động phù hợp với lứa tuổi để con tham gia trong dịp nghỉ hè. Ngoài việc vui chơi, thăm nom người thân, trẻ cũng cần có thời gian để ôn lại kiến thức hay đơn giản học thêm một số môn học cơ bản nào đó. Dù muốn hay không, cha mẹ cũng nên cho con đi học hè vừa giúp trẻ có thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống mà các bậc cha mẹ cũng yên tâm làm việc. Song việc học này không được “quá tải” làm cho trẻ thấy sợ hãi khi hè đến.

Không có nhiều cơ hội để lựa chọn nếu cha mẹ còn bận rộn với công việc hằng ngày. Song, các bậc phụ huynh cần lưu ý các yếu tố: an toàn, vui chơi giải trí và ôn tập, củng cố hiểu biết, kỹ năng cho trẻ. Vì thế, cha mẹ nên lựa chọn một lớp học bổ ích kết hợp giữa học tập, vui chơi và được chăm sóc đầy đủ không chỉ khiến trẻ duy trì được thói quen học tập thường xuyên mà còn tăng thêm hứng thú cho trẻ, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển trí tuệ, cách bày tỏ cảm xúc và kỹ năng giao tiếp để hòa nhập với cộng đồng.

Dạy trẻ làm việc nhà và tạo cơ hội cho trẻ làm thêm

Mỗi kỳ nghỉ hè, cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ được thực hiện những công việc nhà mà trẻ yêu thích. Chẳng hạn hãy để trẻ được tự mình đi chợ, nấu những bữa ăn với nhiều món ăn khác nhau mà trẻ hằng mơ được thể hiện, cho trẻ được tự mình dọn dẹp nhà cửa, phòng riêng của mình… Chia sẻ công việc nhà một mặt giúp trẻ rèn các kỹ năng sống cần thiết, mặt khác chính là điều kiện để trẻ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đến các thành viên khác trong gia đình. Đồng thời, nếu có điều kiện hướng dẫn, giám sát của cha mẹ, hãy cho trẻ làm thêm những việc nhỏ vào dịp hè. Điều này không chỉ giúp cho trẻ có cơ hội kiếm tiền tiêu vặt, biết quý trọng công sức lao động mà còn hình thành cho trẻ tính tự giác, độc lập và tự tin hơn khi bước vào cuộc sống. Trong khoảng thời gian 3 tháng hè, có khá nhiều công việc phù hợp với khả năng của trẻ theo thời vụ nhận về nhà làm như khâu khuy áo, cắt chỉ, lên gấu quần, may đai lưng… thậm chí còn có thể làm phục vụ ở nhà hàng, quán ăn. Các bậc phụ huynh hãy đừng ngần ngại cho con được thể hiện mình trong những công việc lao động chân tay như thế. Một mặt con bạn sẽ có thu nhập tương xứng. Mặt khác, chúng sẽ biết đồng cảm, chia sẻ những công việc nặng nhọc trong gia đình với cha mẹ khi biết ý nghĩa của lao động. Phụ huynh cần nhắc nhở con rằng chỉ làm thêm những việc mà cha mẹ cho phép, không được tự ý bỏ công việc đi theo người khác khi chưa có sự đồng ý của người lớn trong gia đình. Mỗi gia đình cần nhớ rằng mục đích chính của việc cho con làm thêm trong dịp hè là để có cơ hội tiếp xúc và hình thành kỹ năng sống. Là điều kiện để con trẻ hình thành những phẩm chất và giá trị sống. Trẻ làm thêm để học hoàn thiện mình, chứ đừng vì lợi ích trước mắt mà bắt con làm quá sức lực ảnh hưởng xấu đến sự hoàn thiện nhân cách của trẻ sau này.

Hãy cho trẻ trải nghiệm đến các miền quê mỗi khi hè về

Hè về, các gia đình hãy tranh thủ đưa con đi tham quan những bảo tàng, di tích lịch sử trong những ngày nghỉ cuối tuần, để trẻ nâng cao hiểu biết về lịch sử của đất nước và tự hào hơn về truyền thống hào hùng của cha ông.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Cả năm học trẻ đã quá bận rộn với những bài học lý thuyết. Khi hè về, nếu trẻ được đến các miền quê chính là cơ hội trẻ trải nghiệm và kiểm chứng những điều mình được học trong sách vở. Một chuyến đi về quê, giúp trẻ nhận biết những con vật rất đỗi thân quen như con ốc sên, con cò, trâu, bò, dê… ngoài đời thế nào. Cùng với đó, trẻ có cơ hội chơi đùa, quan sát những con vật đang sống di chuyển và hoạt động. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị từ trong thế giới tự nhiên. Ngoài ra, trẻ còn được xem hoặc cùng tham gia những người nông dân chăm sóc các loài cây nông sản, cùng thu hoạch hoa quả và chăn dắt những con vật dân dã của thôn quê. Đó là những bài học thiết thực hình thành ở trẻ lòng yêu lao động, biết trân trọng giá trị của các sản vật và thêm yêu thiên nhiên. Chắc chắn trẻ sẽ rất thích thú với việc nấu ăn bằng rơm rạ, đi bắt cá, hái rau, tung tẩy chạy nhảy dưới những mương nước nhỏ, tập bơi với người thân trên những đoạn sông quê.

Hè về, các gia đình hãy tranh thủ đưa con đi tham quan những bảo tàng, di tích lịch sử trong những ngày nghỉ cuối tuần, để trẻ nâng cao hiểu biết về lịch sử của đất nước và tự hào hơn về truyền thống hào hùng của cha ông.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)