Mùa hè đối với nhiều người là một từ gợi nhớ nhiều cảm xúc. Với những người lớn tuổi, ngày hè từng vừa rộn rã niềm vui vừa lại man mác những nỗi buồn khó tả. Vui khi được tạm xa đèn sách để về quê, thăm viếng họ hàng, thăm thú đó đây, tạm gác việc học nhọc nhằn, vất vả. Một số người xem những ngày hè là dịp để làm thêm, hoặc kiếm sống, hoặc phụ giúp gia đình, hoặc để dành tiền cho năm học sau. Đó là những ngày vui. Nhưng cũng có người thấy buồn khi xa trường, xa lớp, xa bạn bè, nhất là trong số đó có người mình thầm thương trộm nhớ. Có một số người ngày hè không có việc gì làm, trở nên nhàm chán, thèm được trở lại nhà trường để sôi nổi cùng bảng đen phấn trắng. Đó là lúc mà mùa hè thực sự dài ba tháng…
Nhiều năm qua, mùa hè gần như chỉ là tên của một mùa trong năm chứ không phải là quãng thời gian học sinh được nghỉ ngơi sau một năm học mệt óc. Có khi, hè chính là học kỳ thứ 3 của một năm, bên cạnh 2 học kỳ chính thức của năm học. Trong thời gian chính khóa, trẻ đã học 2 buổi với chương trình dày đặc, nếu không học thêm các môn chính thì còn học võ, học nhạc, học vẽ, học ngoại ngữ… Có những học sinh tiểu học vừa tan trường đã được cha mẹ chở đến các điểm học khác, có khi ngồi trên xe nhai nhồm nhoàm miếng bánh hoặc tạt quán vỉa hè ăn vội thức gì đó cho có sức để vào giờ học tiếp theo. Trong khi đó, giờ học chính khóa thường khá căng thẳng với các bài thuộc lòng, bài kiểm tra, bài thuyết trình, các chuẩn bị cho bài học mới, bài tập về nhà… Mà mong mỏi của giáo viên, của phụ huynh thường không có giới hạn; giáo viên thường muốn lớp mình dạy đứng đầu khối, đứng đầu trường, có nhiều học sinh giỏi; cha mẹ thì muốn con đạt điểm cao, đứng đầu lớp, có danh hiệu này nọ, muốn vào trường tốt, muốn có học bổng để đi du học… Trẻ phải chạy theo chương trình, chạy theo mong muốn của giáo viên, của phụ huynh đến phờ phạc, mụ người…
Trên thực tế, việc nhồi nhét cho trẻ quá nhiều có thể giúp trẻ có kiến thức nhất định đối với một số môn học, có thể giỏi tin học hay ngoại ngữ (so với mặt bằng chung) nhưng cũng để lại nhiều hệ quả tiêu cực. Trước hết là sức khỏe của trẻ, thường là thiếu ngủ, ăn uống qua quýt, thiếu cân đối về mặt dinh dưỡng, dễ bị stress, béo phì; trẻ ít được vui chơi, thư giãn, nhất là với các trò chơi vận động, để có thể phát triển toàn diện; trẻ cũng ít được học các kỹ năng sống cần thiết, như bơi lội, làm việc nhà, tìm hiểu đời sống tự nhiên hoặc các kiến thức xã hội…
Thôi thì trong điều kiện các gia đình đều đem trẻ ra là “vật thi đua” nên dù muốn dù không, ít có phụ huynh nào dám đứng ngoài cuộc đua đó. Một trẻ được đi học thêm mà tiến bộ ở một môn nào đó, các phụ huynh khác cũng nhấp nhổm cho con đi học thêm tương tự, nếu không muốn con mình bị thua sút. Nhưng đó là trong năm học, còn mùa hè thì nên để cho trẻ có một mùa hè đúng nghĩa, tức là trẻ được nghỉ ngơi, được thư giãn, được vận động, được học các kỹ năng sống cần thiết…
Đối với trẻ học tiểu học, nên được nghỉ ngơi khoảng nửa đến một tháng sau năm học để trẻ cùng gia đình đi nghỉ ở đâu đó, về quê thăm viếng họ hàng, nếu tiện thì có thể gửi về nội ngoại một vài tuần để trẻ sống với không khí nông thôn. Sau thời gian đó, có thể cho trẻ vào học hè với một chương trình vừa chơi vừa học, vừa cho trẻ không quên những kiến thức căn bản vừa là nơi giữ trẻ (nhất là với những gia đình không có điều kiện trông trẻ). Đừng xem 6 tuần học hè là để học trước chương trình lớp mới, vì vậy, nếu có cho trẻ học thêm thì cũng nên học các môn năng khiếu, vận động chứ không nên cho trẻ học chương trình năm học mới. Chẳng hạn, cuối tuần, con trai có thể nên học vài buổi bóng đá, học võ; con gái có thể học võ, học nhạc, học vẽ…
Đối với trẻ học cấp II – III, với khả năng tự lập cao hơn, cũng nên quan tâm đến những giải pháp phù hợp với đặc điểm này. Một số gia đình chọn học kỳ quân đội cho trẻ cũng là một giải pháp hay, nhất là với những trẻ còn rụt rè, thiếu khả năng tự lập thì chương trình này sẽ giúp trẻ cải thiện nhược điểm này, dĩ nhiên cần có những bước đệm phù hợp. Cũng có thể gửi trẻ về quê trong vài ba tuần (nếu bảo đảm phù hợp, an toàn) với ông bà, họ hàng để trẻ tiếp cận với những công việc đồng án, được tiếp xúc với cuộc sống nông thôn, được thăm viếng họ hàng thân thuộc… Thời gian trẻ ở nhà nên học làm các công việc trong nhà, như nấu ăn, rửa chén, lau nhà, rửa xe, tưới cây, tập sửa bóng điện, may vá, bất kể là con gái hay con trai. Cha mẹ nên kiên trì cho trẻ làm các việc này, đừng ngại trẻ làm hư hỏng, càng không nên phân biệt việc của con trai hay con gái, để trẻ có những kỹ năng cần thiết cho việc sống tự lập sau này. Nếu không cho trẻ học hè thì có thể để trẻ ở nhà (một mình hoặc với anh chị em), có thời khóa biểu ôn tập để trẻ không quên hết các kiến thức cũ. Nếu gia đình có điều kiện thì cũng nên cho trẻ đi bơi, học võ, học một số môn thể thao, nghệ thuật phù hợp…
Lúc trẻ nghỉ hè, cha mẹ nên chú ý dành thời gian gần gũi con nhiều hơn, hạn chế trẻ suốt ngày ngồi “ôm” máy tính, điện thoại hoặc chỉ xem ti vi. Gia đình nên có nhiều buổi dã ngoại, các bữa cơm gia đình vui vẻ, các sinh hoạt có đông đủ các thành viên (cùng đi xem phim, đi thăm bạn bè, đi nhà sách…); cha mẹ cũng nên trò chuyện, tâm sự với con cái nhiều hơn để thắt chặt quan hệ và hiểu nhau hơn. Nhất là với trẻ đang tuổi dậy thì, dễ “nổi loạn”, nên có sự chia sẻ, thấu hiểu, nếu không thì trẻ dễ cảm thấy bị hẫng.
Trong dịp hè, các trường cũng cần kết hợp tốt với các đoàn thể địa phương (Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ…) tổ chức các sinh hoạt phù hợp để tạo sân chơi cho trẻ với nhiều sinh hoạt bổ ích, như tổ chức đọc sách, thi tìm hiểu sách, tổ chức các trò chơi vận động, tổ chức chiếu phim lưu động… Có như vậy, trẻ mới có được một mùa hè nghỉ ngơi, vui vẻ, ý nghĩa, lành mạnh!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)