Trong khi chợ truyền thống chỉ được phép mở bán trở lại khi đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 thì một số điểm kinh doanh tự phát, hàng rong không được phép nhưng vẫn bày bán bất chấp quy định. Điều này vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông.
Người dân vào chợ Hòa Hưng mua hàng phải khai báo y tế, sát khuẩn tay
Chợ truyền thống vắng khách
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống ở các quận 3, 10, Bình Thạnh… cho thấy, đa số vắng khách, tiểu thương quay lại buôn bán còn thưa thớt. Nhiều người cho rằng, tâm lý khách mua, kể cả tiểu thương còn lo ngại dịch nên chưa vào chợ.
Chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) mở cửa từ ngày 20-10 nhưng đến nay nhiều sạp vẫn đóng cửa, khách mua thưa thớt. Bà Phan Thị Hòa – bán đồ gia dụng tại đây – cho biết, có thể khách mua còn lo ngại dịch và đã quen với việc mua online nên ít người vào chợ. “Buôn bán ở đây hàng chục năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy chợ vắng khách như bây giờ. Trước đây, tôi bán được khoảng 40-50 món hàng mỗi ngày thì nay chưa được 1/2. Hơn nữa, khách vào chợ chủ yếu mua thực phẩm, mặt hàng tôi bán cũng không thiết yếu nên rất ít người mua”.
Tại chợ Hòa Hưng (Q.10), sau 4 tháng đóng cửa để chống dịch đã được mở từ ngày 15-10 nhưng lượng khách đến chợ khá thưa thớt. Toàn chợ có hơn 400 sạp, tầng trên bán quần áo, giày dép, tầng dưới bán thực phẩm, đa số khách ghé vào mua thực phẩm là chính. Ông Lưu Văn Chí – nhân viên bảo vệ của chợ – cho hay: “Trước đây, nhất là dịp cuối năm, người dân đến mua tấp nập, từ thực phẩm tươi sống cho đến quần áo, giày dép nhưng nay rất ít. Một số tiểu thương cũng chưa quay lại, có thể do ảnh hưởng bởi dịch nên họ chưa sẵn sàng”.
Được biết, toàn TP có 234 chợ truyền thống, đến nay có hơn 50% chợ được mở cửa hoạt động trở lại. Để được mở cửa, những chợ này phải bảo đảm nhiều yêu cầu; trong đó, đối với người lao động và khách hàng, tùy theo từng đối tượng phải có “thẻ xanh Covid-19”, “thẻ vàng Covid-19”. Hoạt động mua bán đảm bảo giữ khoảng cách an toàn. Các chợ bố trí lối ra vào, có tổ chức kiểm tra, giám sát, trang bị dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…
Hoạt động buôn bán trong hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3
Ông Huỳnh Thanh Trường – Trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) – cho hay, để được bán hàng, tiểu thương phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 trước đó 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính trước ngày ra bán. Quá trình mua bán phải thực hiện quy tắc 5K, tại mỗi sạp phải được che chắn bằng tấm nhựa trong suốt để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Đối với người mua, khi vào chợ phải khai báo y tế, khử khuẩn, đo thân nhiệt, được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin trước đó 14 ngày.
Chợ Bà Chiểu có 17 cửa nhưng nhân lực mỏng do ảnh hưởng của dịch nên phải rào bớt một số cửa để đảm bảo kiểm soát người ra vào và phân luồng thông thoáng. Mỗi tối, chợ đều tổ chức xịt khử khuẩn.
Cùng chung số phận với các chợ truyền thống khác, mãi lực hoạt động của chợ Bà Chiểu mới đạt khoảng 40%.
“Chợ đã mở cửa và đảm bảo nghiêm ngặt hoạt động phòng chống dịch nhưng khách mua và người bán vẫn chưa đông. Khách đến mua ít, hàng bán được ít nên tiểu thương không dám lấy số lượng nhiều, nhất là thực phẩm tươi sống vì tích trữ sẽ hư hỏng”, ông Trường nói.
Chợ tự phát “mọc” ở khắp nơi
Trái ngược với cảnh buôn bán đìu hiu tại các chợ truyền thống thì điểm kinh doanh tự phát, hàng rong mọc lên nhiều và hoạt động khá đông đúc, bất chấp quy định phòng chống dịch.
Cuối đường Dương Bá Trạc (Q.8) nối tiếp sang đường Nguyễn Thị Thập (Q.7), hàng loạt hàng rong tụ tập bên lề đường theo nhóm 5-7 người bán đủ các loại đồ ăn, nước uống, trái cây… Khách mua chủ yếu là người đi đường. Đáng nói, hoạt động mua bán không giữ khoảng cách an toàn, các xe đẩy, sạp hàng không được che chắn để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán với người mua. Điều đáng nói là không có bất cứ lực lượng chức năng nào đứng ra nhắc nhở hay kiểm soát y tế.
Bên cạnh hàng rong, nhiều điểm kinh doanh tự phát cũng mọc lên, hầu hết tập trung xung quanh các chợ truyền thống và trong các con hẻm. Cụ thể, đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn trước cổng chợ Hòa Hưng), nhiều người lấn chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường bày bán các loại thực phẩm tươi sống, trái cây, rau củ. Cách đó khoảng 100m, tại hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3, hoạt động buôn bán cũng diễn ra rất nhộn nhịp, người mua – kẻ bán đông hơn cả chợ truyền thống. Hầu hết tiểu thương thuê mặt bằng trước cửa của nhà dân rồi tổ chức bày bán đủ các loại thực phẩm. Mất trật tự, không đảm bảo quy định phòng chống dịch nhưng không có lực lượng nào đứng ra kiểm soát y tế.
Theo ông Phạm Tấn Bảo – nhân viên quản lý tại hẻm này, UBND P.11, Q.3 đang xây dựng kế hoạch, các tiêu chí, hướng dẫn về phòng chống dịch để người bán, người mua thực hiện đúng yêu cầu. Còn trước mắt, hoạt động buôn bán diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm của người dân.
Buôn bán trước cổng chợ Hòa Hưng
Xung quanh chợ Bà Chiểu, tại đường Vũ Tùng, đường Bùi Hữu Nghĩa, nhiều hàng rong và điểm kinh doanh cũng tổ chức buôn bán sôi nổi. Một tiểu thương bán trong chợ Bà Chiểu phản ánh, 5 giờ sáng chợ Bà Chiểu mới mở cửa bán nhưng bên ngoài đường đã buôn bán từ 3, 4 giờ sáng. Các tiêu chí đảm bảo phòng chống dịch ngoài đường không siết chặt như trong chợ. Người mua, người bán chủ yếu đeo khẩu trang, còn việc giữ khoảng cách, khai báo y tế, đo thân nhiệt… hầu như không có.
Hồi giữa tháng 10, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, Sở Công thương TP thông tin, Thường trực UBND TP đã nhiều lần nhắc nhở các quận, huyện xem xét, đánh giá tình hình phòng chống dịch, khi an toàn mới mở lại hoạt động các chợ truyền thống. Trong điều kiện chưa mở lại, tuyệt đối không để các chợ, khu vực bán tự phát xung quanh hoạt động vì việc này sẽ ảnh hưởng đến công tác chống dịch cũng như không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, ngoài việc chính quyền địa phương siết chặt các chợ tự phát thì người mua hãy tự biết bảo vệ bản thân, đừng chỉ vì tiện lợi mà mua hàng ở bất kỳ đâu…
Phú Cát
Bình luận (0)