Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chợ truyền thống mất giá vì siêu thị

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hầu khắp các ngày trong tuần ở TPHCM, các siêu thị luôn tấp nập khách tới mua sắm. Ngược lại, cảnh ế ẩm ở nhiều chợ truyền thống, phương thức bán hàng cũ kỹ khiến nhiều chợ truyền thống bị tẩy chay.

Đại diện siêu thị Co.op Mart cho biết, bình quân mỗi ngày tại hệ thống Co.op Mart trên toàn quốc có khoảng 200.000 lượt người mua sắm, con số này cũng tăng thêm trên 30% vào các ngày cuối tuần và ngày lễ. Trong khi đó, nhiều khu chợ truyền thống ở TPHCM trở nên ế ẩm.
Chị Hoa, khách mua hàng tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Tôi đi làm vào giờ hành chính nên phải đến trưa hoặc chiều mới đi chợ được. Lúc đó thì thịt cá, rau dưa đều không còn tươi ngon nữa. Vì thế mình chuyển sang đi siêu thị vì thực phẩm tại đây được bảo quản tốt hơn, lại có thể mua lúc nào cũng được, rất tiện cho dân văn phòng”.
Chương trình Lễ hội trái cây do BigC tổ chức thu hút rất đông khách hàng tới mua sắm. Ảnh: Nguyễn Hiền.
Các siêu thị trên địa bàn TPHCM hiện đang có rất nhiều chương trình khuyến mãi thu hút các bà nội trợ. Tại Co.op Mart và BigC, hầu như tất cả các ngày trong tháng, đều có ít nhất một chương trình khuyến mãi, giảm giá cho các nhóm mặt hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng may mặc, hóa mỹ phẩm…
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại siêu thị BigC cho biết, ngoài đàm phán với nhà cung cấp để mang tới nhiều chương trình khuyến mãi, siêu thị này triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí, kéo giá các mặt hàng xuống. Mỗi năm hệ thống siêu thị Big C trên cả nước tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng chi phí cho điện năng tiêu thụ.
Đại diện siêu thị Co.op Mart cũng cho biết, việc tham gia chương trình bình ổn giá… với hệ thống các siêu thị và cửa hàng tiện lợi Co.op Food phủ rộng khắp cũng là một lợi thế giúp tiếp cận tốt hơn tới các khách hàng.
Trong khi siêu thị đang ngày càng có nhiều lợi thế để thu hút khách hàng thì nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống với phương thức bán hàng cũ kỹ như nói thách, cân điêu… ngày càng bị các bà nội trợ tẩy chay mạnh mẽ.
Tẩy chay chợ truyền thống?
Theo ông Nguyễn Hoàng Đông – Trưởng ban quản lý chợ Vườn Chuối cho biết, lượng khách tới chợ đã giảm trên 20%. Do ế ẩm, nhiều tiểu thương đã phải nghỉ bán hoặc sang lại sạp. Một tiểu thương tại nơi này cũng cho biết: “Khách hàng bây giờ chủ yếu là mối quen, còn khách vãng lai thì hầu như không có”.
Trong cuộc khảo sát do Saigon Co.op thực hiện trên hơn 800 hộ dân về tiêu chí lựa chọn thực phẩm hằng ngày, có tới 98% xem an toàn và vệ sinh là yếu tố hàng đầu và 89% quan tâm vấn đề giá cả hợp lý.
TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM nhận định, việc người dân chuyển từ đi chợ truyền thống sang đi siêu thị là một trào lưu mang tính chất kinh tế và xã hội.
Theo đó, có rất nhiều nguyên nhân như thu nhập và sự phân cấp thu nhập. Vẫn có người đi chợ truyền thống trong khi số khác đi siêu thị là bởi vì mỗi nơi phù hợp với thu nhập của một nhóm đối tượng.
Ngoài ra, thói quen tiêu dùng đang dần được thay đổi. Nhiều người quan niệm rằng, việc đi mua sắm tại siêu thị thể hiện chất lượng sống cao, trong khi đi chợ truyền thống lại phải trả chi phí đi lại, nắng mưa, và nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hơn nữa, chất lượng dịch vụ của siêu thị ngày càng tốt.
Theo ông Dương, đây là một xu thế lâu dài và sẽ ngày càng phát triển hơn. “Siêu thị sẽ mở rộng ra các vùng nông thôn, miền núi và do tính cạnh tranh, chất lượng các dịch vụ sẽ ngày càng được nâng cao hơn nữa” – ông Dương nói.
Nguyễn Hiền / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)