Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chợ truyền thống ở TPHCM: Bên trong đìu hiu, bên ngoài tấp nập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Số chợ truyền thống ở TPHCM mở cửa trở lại hiện vẫn ít hơn số còn đóng cửa. Ở các chợ đã mở cửa lại, tiểu thương than khó bán, ế ẩm do việc ra vào bị hạn chế, trong khi các điểm bán tự phát quanh chợ buôn bán thả cửa, không cần bận tâm về khoảng cách, tấm chắn…

Hộ buôn bán tự phát quanh chợ “ăn nên làm ra”

Các chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Gò Vấp (Q.Gò Vấp), Rạch Ông (Q.8), Bình Tây (Q.6), Tân Định (Q.1)… đều đã hoạt động trở lại nhưng cả người bán, người mua đều thưa thớt. Chị Yến – bán thủy hải sản khô ở chợ Bà Chiểu – cho biết, trước đây, chị bán được ít nhất 7-8 triệu đồng/ngày nhưng mấy ngày nay, có ngày chỉ bán được 600.000-700.000 đồng.

Các điểm bán tự phát xung quanh chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) hút hết khách khiến tiểu thương trong chợ không thể bán được hàng

Nhiều tiểu thương bán thịt, cá, rau củ, quần áo ở chợ này cũng than ế ẩm. Có người tranh thủ bưng thau tôm, cá ra vị trí sát rào chắn để dễ bán cho khách bên ngoài. Theo các tiểu thương, do chợ chỉ cho phép vào một lối, ra một lối nên khách ngại vào chợ. Chưa kể, để vào chợ, khách phải khai báo y tế. Vì vậy, phần lớn khách chọn mua hàng ở các điểm bán bên ngoài cho tiện. 
Theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh chợ Bà Chiểu, có nhiều điểm bán tự phát, đủ các mặt hàng gồm thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, quần áo, giày dép, khách chỉ cần tấp xe vào là mua được. Các điểm bán này thường rất đông khách nên vừa lấn chiếm lòng lề đường, vừa không bảo đảm khoảng cách đủ để phòng dịch. 

Tương tự, tiểu thương các chợ Gò Vấp, Rạch Ông, Bình Tây cũng chịu tình cảnh “trong ế, ngoài vây”. Anh Bảo – kinh doanh tạp hóa lâu năm ở chợ Rạch Ông – than, chợ mở cửa trở lại nhưng tình trạng buôn bán tự phát quanh chợ chưa được chấn chỉnh triệt để nên nhiều tiểu thương ngại mở lại sạp. Bên trong chợ, người bán thưa thớt và người mua cũng không hào hứng vào. Anh Bảo nói thêm: “Tiểu thương đóng sạp suốt bốn tháng qua nhưng chưa thấy ban quản lý (BQL) chợ có chính sách miễn, giảm thuế, phí để hỗ trợ. Sạp nào xử lý kịp hàng tồn trước đó còn đỡ, sạp nào không xử lý kịp thì coi như mất vốn do sản phẩm cận hoặc hết hạn sử dụng. Lượng khách vào chợ bây giờ rất ít, thu không đủ chi nên tiểu thương phải cân nhắc nên mở sạp hay không”.

Bà Ứng Thị Liên – Trưởng ngành hàng bánh kẹo, mứt của chợ Bình Tây – cũng cho biết, chợ có trên mười cổng nhưng chỉ mở ba cổng, khách đìu hiu. Bà và một số tiểu thương ra chợ chủ yếu để sắp xếp lại hàng hóa chứ chưa mua bán được nhiều. Ngành hàng bánh kẹo, mứt có hơn 20 tiểu thương ra chợ; riêng ngành hàng đồ hộp, nhựa chỉ có vài tiểu thương ra dọn dẹp lại sạp. Tiểu thương mong được giảm thuế, phí để có thể trụ được, vượt qua giai đoạn khó khăn này. 
Tiểu thương các chợ cũng kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán tự phát xung quanh chợ để khách vào chợ nhiều hơn, vừa bảo đảm phòng chống dịch, đồng thời BQL các chợ cần mở thêm lối vào, ra để thuận tiện cho khách vào chợ. 

Vẫn còn 138 chợ chưa mở lại

Ở chợ Bà Chiểu, mọi ngành hàng đều được phép buôn bán trở lại, nhưng hiện chỉ có khoảng hơn 140 trong tổng số 800 hộ kinh doanh đăng ký bán lại. Một số hộ ra bán lại được 2-3 ngày thì đóng cửa tiếp do chợ vắng khách. 

Chợ Rạch Ông (Q.8) đã được mở lại nhưng nhiều tiểu thương vẫn chưa mở sạp

Ông Huỳnh Thanh Trường – Trưởng BQL chợ Bà Chiểu – nói: “Chợ chỉ mở một cổng vào, một cổng ra theo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và việc kiểm soát khách vào chợ nghiêm ngặt đã khiến khách ngại vào chợ. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn nên buộc phải kiểm soát chặt. Tình trạng buôn bán tự phát quanh chợ cũng gây khó khăn cho tiểu thương trong chợ, nhưng thẩm quyền giải quyết là của UBND phường, quận quản lý”. Ông cho biết, tiểu thương chợ Bà Chiểu được miễn thuế từ tháng 6 – 9/2021 và giảm 50% phí chợ trong các tháng đóng cửa, còn về chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, BQL chợ phải xin ý kiến của Phòng Kinh tế quận. 

Theo Sở Công thương TPHCM, trong hai ngày 20 và 21/10, có thêm 16 chợ hoạt động trở lại, chủ yếu cho bán lương thực, thực phẩm. Từ ngày 22 – 25/10, UBND các quận, huyện dự kiến tổ chức hoạt động trở lại thêm 19 chợ. Ông Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – thông tin, UBND các quận, huyện đang tập trung rà soát, đánh giá để mở lại chợ khi chợ đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của UBND TP.HCM. Số chợ truyền thống tái hoạt động tăng dần qua các tuần. 
Hiện TP.HCM vẫn còn 138/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Ở Q.7 và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, chưa chợ nào mở lại. Có ý kiến cho rằng, UBND một số địa phương và các BQL chợ sợ trách nhiệm nên chưa cho chợ mở cửa lại, nhưng theo ông Huỳnh Minh Tú, không có chuyện này. UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương sớm mở lại chợ, đồng thời ngăn chặn tình trạng chợ tự phát, điểm bán tự phát xung quanh chợ: “Chợ tự phát có nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao và không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND các quận, huyện phải có trách nhiệm dẹp chợ tự phát và điểm bán tự phát, còn BQL chợ chỉ có trách nhiệm trong phạm vi chợ”. 

Cũng theo ông Huỳnh Minh Tú, việc mở lại chợ ở mức độ nào là do điều kiện của từng chợ. BQL chợ rà soát, đánh giá, đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch mới cho mở. 

Theo Nguyễn Cẩm/PNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)