Nhiều chợ truyền thống ở TPHCM đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo bộ tiêu chí hoạt động chợ truyền thống an toàn và sẵn sàng mở cửa trở lại kể từ ngày 1/10.
Mở cửa theo từng giai đoạn
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Bảo Anh – Trưởng phòng Kinh tế Q.10 – cho biết theo kế hoạch đề ra, ngày 1/10 tới đây, chợ Nguyễn Trị Phương, chợ Hòa Hưng, khu chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ, khu chuyên doanh trang thiết bị y tế và dược phẩm (còn gọi là chợ thuốc) sẽ mở cửa hoạt động. Hiện tại, toàn bộ thương nhân tại khu chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ đã được tiêm đủ hai mũi vắc-xin, các khu vực còn lại cũng đang được hỗ trợ để tiêm đủ hai mũi. Từ ngày 1 – 15/10, UBND quận sẽ hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ trên xét nghiệm miễn phí bằng hình thức mẫu gộp, 2-5 ngày/lần.
Người dân quận 5 trực tiếp đi chợ tại khu chợ dã chiến sau nhiều tuần ở yên trong nhà. Ảnh: Tam Nguyên
Cũng theo bà Bảo Anh, tiểu thương ở khu chuyên doanh hoa vẫn bán hàng, giao hàng trực tuyến; tiểu thương ở hai chợ truyền thống Nguyễn Tri Phương và Hòa Hưng được bán trực tiếp cho khách, thời gian mở cửa từ 8g đến 13g mỗi ngày. Trước mắt, từ ngày 1 – 15/10, chỉ các ngành hàng ăn uống, lương thực, thực phẩm hoạt động; sau ngày 15/10, các ngành hàng khác mới hoạt động theo quy định và chỉ đạo của UBND TPHCM. Các chợ sẽ có lực lượng kiểm soát để đảm bảo khách hàng vào chợ giữ khoảng cách, đã được khai báo y tế, đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và có thẻ xanh COVID.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Trưởng BQL chợ Bàu Cát, Q.Tân Bình – BQL chợ đã có kế hoạch, phương án, cũng đã thiết kế các vách ngăn tại các gian hàng để chuẩn bị cho ngày hoạt động trở lại. BQL chợ đang triển khai thông tin đến thương nhân để họ đăng ký số lượng và đang chờ quyết định chính thức từ quận.
Chợ lưu động được tổ chức đảm bảo an toàn phòng dịch tại P.3, Q.5. Ảnh: Tam Nguyên
Ông Nguyễn Văn Sinh – Trưởng BQL chợ Xã Tây, Q.5 – thông tin BQL chợ đang khảo sát tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của tiểu thương. Khi nắm được độ phủ vắc-xin tới đâu, ai ở “vùng xanh”, “vùng đỏ”, mới chốt được bao nhiêu tiểu thương có thể bán hàng trở lại để tính toán mở lại chợ từ tháng 10/2021. Tính đến nay, theo danh sách mà BQL nắm được, mới có khoảng hơn 50% trong tổng số 200 tiểu thương đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Nếu đa số tiểu thương đã tiêm mũi hai, BQL chợ sẽ cho xét nghiệm lại, báo kết quả về quận và mở cửa dần dần trong tháng 10/2021. BQL chợ đã chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ, đã trang bị máy đo thân nhiệt, bình phun xịt dung dịch khử khuẩn, thiết bị quét mã QR, thiết bị nhận dạng thẻ xanh…
An toàn đến đâu, mở cửa đến đó
Theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại chợ truyền thống ở TPHCM do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ban hành, các chợ truyền thống phải đạt được nhiều điều kiện mới được mở cửa trở lại. BQL các chợ truyền thống đã cố gắng điều chỉnh, sắp xếp, hoàn thiện lại các khâu tổ chức, quản lý để đạt các tiêu chí, khó ở đâu thì gỡ ở đó, tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho cả người bán, người mua và các lực lượng hoạt động ở chợ.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, không dễ đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người tại chợ truyền thống, nhưng BQL chợ sẽ giải quyết bằng cách bố trí cho tiểu thương bán luân phiên, cuốn chiếu, mỗi ngày bố trí khoảng 40 tiểu thương bán và ưu tiên nhóm hàng thực phẩm thiết yếu. BQL chợ cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự vì người dân ở các khu vực khác cũng đến chợ Xã Tây mua sắm. Chợ Xã Tây nằm trên tuyến đường có nhà dân xung quanh nên có khó khăn trong việc tổ chức một chiều vào, ra theo yêu cầu của bộ tiêu chí. BQL chợ sẽ chia tiểu thương làm ba đợt bán luân phiên nhau các ngày để đảm bảo một hướng vào, ra.
Chợ lưu động được tổ chức đảm bảo an toàn phòng dịch tại P.3, Q.5. Ảnh: Tam Nguyên
“BQL chợ sẽ phát phiếu mua hàng cho khách đến chợ để rà soát và khoanh vùng, đóng sạp khi có ca nhiễm hay tiếp xúc với ca nhiễm. Chỉ nên đóng sạp chứ không nên đóng cửa cả chợ như trước, gây ảnh hưởng đến cung – cầu hàng hóa. Hình thức bán hàng online vẫn tiếp tục được duy trì khi mở chợ trở lại” – ông Nguyễn Văn Sinh nói.
Ông Đinh Hồ Duy Ngọc – Trưởng BQL chợ An Đông, Q.5 – cũng cho biết BQL chợ đã chuẩn bị các phương án, kế hoạch, thiết bị, dụng cụ cần thiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và đang khảo sát, lấy ý kiến tiểu thương để chuẩn bị mở lại chợ vào khoảng giữa tháng 10/2021. Tuy nhiên, tiêu chí đối với chợ truyền thống có nhà lồng là ngoài giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận, còn phải đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2/người tính theo diện tích kinh doanh. Điều này khó thực hiện vì diện tích mỗi sạp khá nhỏ.
BQL chợ sẽ sát sao việc tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, đóng bớt lối đi, phân luồng một chiều để hạn chế lượng khách ra vào, giảm nguy cơ lây nhiễm. Ông Duy Ngọc nói: “Về cơ bản, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để mở chợ từng bước. Có bao nhiêu tiểu thương đồng ý ra kinh doanh lại thì chợ vẫn mở. Trong quá trình triển khai, tiểu thương gặp khó khăn gì thì BQL sẽ hỗ trợ”.
Phần đông tiểu thương chợ Minh Phụng chỉ mới tiêm một mũi vắc-xin. Hiện tại, nhiều tiểu thương chuẩn bị tiêm mũi thứ hai nên phải sau ngày 15/10 họ mới được phép hoạt động lại. Còn tại chợ Bàu Cát, tiểu thương tiêm mũi vắc-xin đầu tiên là theo danh sách của BQL chợ, nhưng mũi thứ hai là do chính quyền địa phương lên danh sách nên BQL chợ vẫn chưa nắm được cụ thể và chính xác số tiểu thương tiêm đủ hai mũi vắc-xin. “Có những tiểu thương đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin nhưng do lớn tuổi, nhiều bệnh nền nên họ vẫn lo lắng, chưa sẵn sàng hoạt động trở lại” – bà Xuân Mai nói.
Bà Lê Thị Bảo Anh cho biết, khu chuyên doanh hoa và thiết bị y tế sẽ thiếu lực lượng lao động khi tái mở cửa. Trước mắt, phòng kinh tế quận sẽ giới thiệu lao động thời vụ cho khu chuyên doanh hoa, điều kiện được nhận làm là tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Còn khu chuyên doanh thiết bị y tế và dược phẩm thì cần lao động có chuyên môn, bằng cấp, phòng không thể hỗ trợ được.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, sở đã phối hợp UBND cấp quận triển khai rà soát, đánh giá và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức mở cửa trở lại các điểm bán trên nguyên tắc “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó” để tiếp tục cung ứng hàng hóa cho người dân. Sở Công Thương sẽ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các địa phương.
Giá thực phẩm sẽ giảm khi các chợ truyền thống mở lại Đó là nhận định của một số thương nhân chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại TPHCM. Theo đó, phần lớn nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành về TPHCM được phân phối vào các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng nhỏ lẻ…), chỉ một tỷ lệ nhỏ vào các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích…). Thời gian vừa qua, ba điểm trung chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền hoạt động nhưng lượng hàng về hằng đêm không nhiều. Nguyên nhân do hầu hết các chợ truyền thống vẫn đóng cửa. Người dân thành phố chủ yếu mua hàng tại các cửa hàng, siêu thị nhưng những kênh này hạn chế bán trực tiếp khiến việc mua hàng khó khăn hơn. Nhiều người tìm đến những điểm bán tự phát, chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch. Do đó, khi các chợ mở lại, các tỉnh/thành cũng nới lỏng việc lưu thông liên tỉnh, nguồn hàng về các điểm trung chuyển tăng lên… giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả… sẽ giảm so với hiện nay. Trong cuộc họp gần đây, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết thành phố có một số giải pháp hỗ trợ việc cung ứng lương thực, thực phẩm. Chẳng hạn, sẽ bổ sung các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu; nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm. |
Theo Nguyễn Cẩm – Thanh Hoa/PNO
Bình luận (0)