Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chợ tư, định cư hàng rong

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi TPHCM vẫn đang loay hoay với lời hứa sẽ có nơi ổn định cho người buôn bán hàng rong; thì ngay tại Sài Gòn, từ nhiều năm qua, đã có người dân dùng chính đất của mình lập chợ, mời người dân vào buôn bán.

Bà Kính trò chuyện với người kinh doanh.
Bà Kính trò chuyện với người kinh doanh.

Sáng sớm, chúng tôi có mặt ở chợ “ông Năm Hấp” (P.Tây Thạnh, Q. Tân Phú) để dạo quanh mua thịt cá, ngắm áo quần. Bà Nguyễn Thị Lùng, vợ ông Lý Văn Hấp – người đứng ra lập chợ vui vẻ chào mời: “Ở đây thực phẩm sạch sẽ, người bán không nói thách bao giờ nên đắt hàng lắm. Cô mua hàng ủng hộ nhé!”.

Hiến đất lập chợ

Mảnh đất rộng hơn 800m2, ngay mặt tiền đường T1 được xây cao, sạch sẽ đã lập chợ trở thành nơi buôn bán của người kinh doanh hàng rong gần chục năm nay. Về lý do lập chợ, bà Lùng kể: “Mỗi lần địa phương đi dẹp trật tự lòng lề đường là những người bán hàng rong cuống cuồng thu dù, đẩy xe chạy dạt đi chỗ khác, thấy tội lắm. Có hôm người ta đẩy đại xe vào nhà mình, tui cũng cho để luôn. Rồi tôi nghĩ, lập lại trật tự lòng lề đường là đúng, nhưng buôn bán là nhu cầu có thật của bà con, quan trọng là làm sao có chỗ ổn định cho mọi người bán hàng mà không phạm luật. Nghĩ là thế nhưng chưa biết làm thế nào thì chồng tôi gợi ý, sẵn phía sau nhà có miếng đất chưa làm gì, hay mình lập chợ nhỏ để bà con làm nơi buôn bán. Lời chồng như cởi tấm lòng, tui ủng hộ hai tay. Và chợ được lập ra như thế”.

Để bà con có chỗ buôn bán sạch sẽ, mát mẻ, bà Lùng thuê thợ làm nền, tráng xi măng toàn bộ khu vực chợ, đầu tư thêm mái che hiện đại, làm nhà lồng để ngăn gió bay, cây đổ… Ngôi chợ khá khang trang, tươm tất, thuận tiện cho người bán lẫn người mua. Bà con thấy vậy tự bảo nhau đóng góp thêm để bù vào chi phí. Tùy điều kiện từng người, mỗi gian hàng trả cho ông bà Lùng nhiều nhất là 30.000 đồng/ngày.

Cũng dành phần đất gần 500m2 của mình làm chợ, bà Võ Thị Kính (ngụ 552 Hồ Học Lãm, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân) đã giúp gần 20 hộ có nơi buôn bán ổn định. Bà bảo: “Đây là đất hương hỏa do má tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Mai để lại cho mấy đứa cháu. Thấy mấy đứa bán ngoài đường nắng mưa, bụi bặm, ế ẩm, xe cộ nguy hiểm tôi dựng sạp gọi vào cho bán, mỗi tháng thu chút đỉnh tiền phí điện nước, tháng nào khó quá thì giảm. Tính ra mỗi sạp thu có hơn
10.000 đồng/ ngày”.

Chị Đặng Thị Can (bán rau, trái cây) vui vẻ: “Lúc trước tôi cứ ôm mẹt rau “rong” hết đường này đến hẻm nọ để bán. Nhiều lúc bị trật tự đô thị đuổi, hốt rau trái mà muốn khóc luôn. Từ lúc biết bà Kính có cái chợ nên tôi xin vào bán. Giờ, trời nắng hay mưa, mình đã có thể yên tâm vì có nơi bán hàng ổn định, không ai đuổi nữa. Con tôi cũng không lo mẹ hết tiền, không cho đến trường”.

“Còn người bán, tôi còn mở chợ”

Đây là khẳng định của bà Lùng khi PV đặt câu hỏi: “Đã có doanh nghiệp nào đến mua, thuê đất để kinh doanh?”. Bà kể, trước có mấy người bảo đất của bà rất thuận lợi cho thuê làm nhà hàng, tiệm net, nhà trọ… vừa sạch sẽ, vừa nhiều tiền. Nhưng bà kiên quyết phản đối vì: “Việc mình đang làm là để giúp đời, giúp người chứ không hoàn toàn vì tiền. Khi nào người bán ở đây “chê” chợ, không muốn vào bán nữa thì tôi sẽ tính cách khác. Còn bây giờ, được ngày ngày ra trò chuyện, thấy người bán mua đều vui vẻ. Đó cũng là niềm vui tuổi già của hai vợ chồng”.

Cũng như bà Kính, bà Lùng cũng chỉ muốn dùng đất của mình để làm chợ cho những gánh hàng rong có nơi buôn bán. “Ba người con trai của tôi một làm bí thư chi bộ, trưởng khu phố 14 bên kia đường, còn một là tổ trưởng bảo vệ dân phố khu phố 13 bên này. Thấy quận, phường đưa ra chủ trương lập lại trật tự đô thị trên các tuyến đường, tôi bàn với con nhường đất làm chợ cho bà con buôn bán kiếm sống”. 

Theo những “bà chủ chợ” này, từ khi có chiến dịch dẹp hàng rong, cũng có nhiều bà con đến hỏi thuê sạp nhưng chưa thấy ai dọn hàng đến. Ngôi chợ của vợ chồng bà Lùng có sức chứa 60 gian hàng, chợ bà Kính cũng phải 30 gian và hiện vẫn còn trống đến phân nửa.

“Cuộc sống của bà con giờ cũng tạm ổn, nhưng về lâu dài thì cơ quan chức năng phải có biện pháp, để bà con có được chỗ buôn bán văn minh hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, mới thu hút người mua và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, chứ như vầy cũng chỉ tạm thời thôi” – bà Lùng nói.

Theo Tiền Phong

 

Bình luận (0)