Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Chợ tự phát: Kỳ 1: Nơi nào cũng có

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chợ tự phát gây cản trở giao thông và không an toàn vệ sinh thực phẩm…
Thói quen mua thực phẩm hàng ngày của người dân ở thành phố hay thôn quê đều có một điểm chung là nhanh gọn, giá rẻ, bắt mắt và tiện lợi. Chợ tự phát vì thế mà ra đời. Tuy nhiên, hạn chế của nó là kém vệ sinh và gây ùn tắc giao thông.
Chợ tự phát mọc lên khắp nơi
Thông thường, chợ tự phát xuất hiện ở những nơi dân cư nghèo, vùng nông thôn, vùng cao. Không ai ngờ rằng, ở TP.HCM, một thành phố thương mại lớn nhất cả nước, chợ tự phát cũng mọc lên khắp nơi. Chợ tự phát cũng có chợ lớn, chợ nhỏ, chợ lề đường, trong hẻm hay kể cả một bãi đất trống bất kỳ. Điều đáng nói là nhiều chợ tự phát ngang nhiên mọc lên ngay bên cạnh chợ truyền thống khiến “chợ chính quy” bị mất khách.
Riêng ở quận Bình Thạnh, chỉ tính riêng ở 3 phường lân cận nhau là phường 21, 25 và 26 cho thấy chợ truyền thống thì ít, nhưng chợ tự phát thì nhiều. Bên cạnh hai chợ chính là chợ Thanh Đa và Văn Thánh, thì có đến 5 chợ tự phát. Đó là chợ hẻm 10 (phường 26), chợ hẻm Dầu (phường 25), chợ nhỏ hẻm 220 (phường 21), chợ nhỏ hẻm nối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đường D2, chợ ven đường Chu Văn An…
Bà Trịnh Kim Xuân nhà ở ngay kế siêu thị thực phẩm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, hướng ra cầu Thanh Đa cho hay khu vực này có “chợ chính quy” sầm uất và đông đúc là Thanh Đa và chợ phường 25, nhưng bà vẫn thích đi chợ hẻm Dầu hơn. Theo bà Xuân “đi chợ ở ngoài quen rồi, chợ tuy nhỏ thôi nhưng cũng đủ thực phẩm cho mình thay đổi món ăn suốt tuần. Hơn nữa, chợ này vui hơn vì người bán đối với người mua rất thân tình, chứ không lạnh lùng như sắm đồ ở các siêu thị”.
Chợ tự phát tùy vào mặt hàng mà có thể hoạt động từ buổi sáng tới trưa hoặc từ chiều tối đến đêm như chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp), chợ Bình Trưng (quận 2), chợ Bình Thới, Phú Thọ (quận 11), chợ lòng lề đường trên đường Nguyễn Trãi (quận 5)… Cũng là chợ tự phát nhưng nếu xét về phương diện gây mất trật tự và gây ùn tắc giao thông, va quẹt thường xuyên thì phải kể đến chợ Cây Thị (Bình Thạnh) và đặc biệt khu tự phát quanh chợ Bình Tây, gần khu vực Bến xe Chợ Lớn hoạt động thâu đêm suốt sáng.
Nói đến chợ tự phát, sẽ thiếu sót nếu không kể đến những chợ trước cổng khu công nghiệp may, giày da ở Thủ Đức, Bình Tân và dọc quốc lộ 1A. Những nơi này thường đông nghịt người vào giờ công nhân tan tầm. Trước cổng một xí nghiệp trên quốc lộ 1A, nam công nhân Trần Quốc Hoàn vừa tan ca là sà vào hàng cá ngay trước cổng xí nghiệp để mua cá, mua rau và ít tôm khô về nấu canh.
Nỗi lòng “kẻ chợ”
Chị Nguyễn Thu Huệ, ở trọ tại đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) nhưng chọn chợ hẻm Dầu (Bình Thạnh) để bán rau thấm thoát nay đã tròn 11 năm. Vốn bản tính hiền và thật thà nên nhiều khách hàng quen luôn mua ủng hộ chị. Bà chủ nhà cho chị đứng bán xe rau miễn phí trước cửa nhà 11 năm nay. Chị Huệ cần kiệm tối đa để lo cho gia đình vì chồng chị trong một lần cuốc rẫy trúng mìn nổ bị thương nặng, nay thân thể ốm yếu chỉ cân nặng 30kg, không lao động được, chỉ chăm 2 đứa con không thôi là cũng đã đủ mệt. Hai công ruộng được cha mẹ cho anh chị cũng đành để cho người ta cấy thuê để đổi lấy chút gạo ăn nhưng không  thấm vào  đâu. Thế nên tất cả đều đổ lên đôi vai gầy của chị. Trên gương mặt hốc hác, đôi mắt chị lúc nào cũng trũng sâu và thâm quầng vì mất ngủ nhiều do lo lắng.
“Bán ở đây tôi may mắn được bà chủ giúp, không phải mất tiền mặt bằng trong khi chỗ như tôi bán đây lẽ ra phải mất 2 triệu một tháng. Tôi cũng lại may mắn được bà con đùm bọc. Cho dù thỉnh thoảng có bị đội trật tự đuổi bắt, chứ nếu vào sạp chợ thuê 4-5 triệu đồng mỗi tháng thì mình đâu còn gì để nuôi sống cho gia đình”, chị Huệ cho biết.
Cũng thuộc diện nghèo khó nên phải trôi dạt đến đất thành thị kiếm sống, anh Lưu Hoàng Hùng dốc hết vốn liếng là những đồng tiền mượn nợ trong họ hàng để mua chiếc xe ba gác bán rau. Buổi sáng bán ở chợ Cây Thị (phường 11, Bình Thạnh), chiều đến anh lại chuyển về chợ Tầm Vu bán tiếp. Mỗi ngày lao động cật lực từ sáng sớm đến 7 giờ tối anh cũng kiếm đủ tiền nuôi gia đình 5 miệng ăn, nhưng tiền học của con thì cứ thiếu trước hụt sau. Cuối cùng các con anh phải chia nhau ở với cả nội và ngoại tại Vĩnh Long để vợ anh khăn gói lên thành thị làm việc nhà cho người ta tiếp tục lo cho con đến trường. Lúc nào không đủ thì phải vay mượn thêm, chưa kể khi ốm đau thì hai vợ chồng anh cũng cắn răng chịu đựng, quá lắm cũng chỉ qua loa vài viên thuốc rồi lại đi làm tiếp.
“Ai cũng muốn có chỗ bán ổn định trong chợ đàng hoàng, nhưng hoàn cảnh của mình đành bán ở chợ tự phát thôi. Lúc nào không ổn thì đi bán rong. Nhiều khi cũng khổ tâm lắm nhưng lực bất tòng tâm”, nói rồi anh Hoàng lại cất tiếng chào mời mỗi khi có khách đi ngang qua. Bên cạnh cái không khí xô bồ của dãy hàng thịt, hàng cá, trái cây ở chợ Cây Thị, thì gần chỗ anh Hoàng là sự âm thầm của chị bán xe ổi, một phụ nữ luống tuổi bán thau nấm và bà già bán mấy mớ rau bù ngót, mấy bịch ngọn rau dền cơm đã lặt sẵn và 7 bó rau mùng tơi trong vườn nhà con gái bà đem ra. Giọng bà cụ yếu ớt nhưng thỉnh thoảng cũng ráng cất lên để mời khách: “Có ai mua rau thương giúp bà già có tiền đong gạo đây”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình Dương tồn tại đến 55 chợ tự phát
Theo ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay các ngành chức năng kiểm tra quyết liệt và đã giải tán được 29 chợ tự phát, nhưng trên địa bàn của tỉnh vẫn tồn tại đến 55 chợ tự phát. Các ngành chức năng rất khó xử lý bởi dẹp được chỗ này thì chợ lại mọc ra ở chỗ khác. Ông Cư trăn trở: “Điều đáng nói là nhiều chợ tự phát ngay trước cổng bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp… người bán, người mua thường tụ tập giữa đường gây mất an toàn giao thông. Lo ngại hơn, các mặt hàng buôn bán tại các chợ tự phát rất khó kiểm soát. Nhiều loại thực phẩm ế ẩm từ các chợ đầu mối được thu gom lại, tuồn vào các chợ tự phát để bán cho công nhân. Do vậy, rất cần một giải pháp để quản lý chợ tự phát nhằm đảm bảo an ninh giao thông và  an toàn vệ sinh thực phẩm…
T.B
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)