Hàng rong vô tư bày bán trên mặt cầu gây mất an toàn giao thông là thực trạng dai dẳng, dẹp hoài không xong ở TPHCM, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Họp chợ trên cầu, bít lối đi
Tại cầu A, trên đường số 10, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cứ đến 16g30 mỗi ngày là hàng chục xe hàng rong lại có mặt dưới chân cầu. Thấy không có bóng dáng lực lượng kiểm tra, chủ các “cửa hàng di động” bắt đầu bày thịt, cá, gà, vịt, rau củ quả ra khắp lề đường ở chân cầu lên đến mặt cầu. Những chiếc xe lôi, xe ba gác rồ ga chạy thẳng lên giữa cầu rồi dừng lại mời chào khách.
Trên cầu, lối dành cho người đi bộ bị chiếm hoàn toàn. Ở phần đường dành cho xe cộ lưu thông, người đi đường cũng thản nhiên dừng lại để lựa chọn hàng hóa thực phẩm khiến việc di chuyển qua cầu gặp nhiều khó khăn.
Vô tư bày bán thực phẩm tại khu vực cầu Tân Tạo, tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân
Bà Nguyễn Thị Nhẫn – người dân sinh sống gần cầu A – nói: “Hằng ngày, tôi đều di chuyển qua khu vực này để đưa đón cháu đi học, mỗi khi qua đoạn đường này tôi rất ám ảnh, vì nhiều người đi xe mà cứ chăm chăm nhìn hàng hóa, rồi họ bất chợt dừng xe, không cẩn thận là xảy ra va chạm ngay. Người bán hàng đậu xe ba gác, xe lôi giữa cầu, nhao nhao chèo kéo khách. Hàng hóa bày la liệt từ chân cầu bên đây qua đến chân cầu bên kia nên ngày nào cũng kẹt xe, xe này lách xe kia vô cùng nguy hiểm”.
Sống đối diện cầu A, chị Huỳnh Như ngán ngẩm: “Khi thấy lực lượng đô thị đến, những người bán hàng vội vã thu dọn chạy đi tìm chỗ lánh. Chạy không kịp, đôi khi cũng bị bắt. Không rõ phạt nặng nhẹ thế nào. Nhưng khi lực lượng chức năng đi rồi thì mọi chuyện lại tái diễn. Thậm chí, người ta còn vô tư xả rác, xả nước thải hôi thối trên mặt cầu”.
Tương tự, tại cầu Tân Tạo (tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân), cầu số 7 (đường Trường Sa, quận 3), tình trạng “họp chợ trên cầu” cũng lộn xộn, gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Biện pháp xử lý chưa đủ răn đe
Bà Nguyễn Thị Hồng Năm – Chủ tịch UBND phường Tân Tạo, quận Bình Tân – cho biết, công tác xử lý hành vi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường luôn được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, phường đã ban hành 58 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 45 triệu đồng và thu giữ 27 tang vật. Hiện, UBND phường chỉ đạo tổ quản lý trật tự đô thị phường phối hợp với các đơn vị duy trì thực hiện công tác giải tỏa, lập lại trật tự lòng lề đường trên các tuyến đường thuộc địa bàn, trong đó có tỉnh lộ 10, khu vực cầu Tân Tạo.
Cầu số 7 trên đường Trường Sa, quận 3, TPHCM bị lấn chiếm để buôn bán
Thế nhưng, bà Năm cũng nhìn nhận, công tác xử lý vi phạm hiện còn gặp không ít khó khăn, bởi địa bàn phường có trên 76.000 dân, trong đó 70% là dân nhập cư, mưu sinh chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, ý thức chưa cao. Ngoài ra, quy định chế tài chưa đủ mạnh mà chỉ dừng lại ở mức xử phạt và tịch thu tang vật; lực lượng đủ điều kiện tiến hành lập biên bản xử phạt lại quá mỏng.
Luật sư Đỗ Trúc Lâm – Đoàn Luật sư TPHCM – nhìn nhận, việc tụ tập buôn bán trái phép trên cầu, trên đường phố, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị và cản trở giao thông. Với số lượng buôn bán trái phép trên cầu, trên đường đông, nhất là vào giờ tan tầm, cộng với việc chen lấn mua bán, sẽ làm hẹp lòng đường, gây tình trạng lấn tuyến, kẹt xe và nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo luật sư Lâm, dù lực lượng chức năng đã vào cuộc nhưng tình hình vẫn không thay đổi bởi nhiều nguyên nhân: do những điểm chợ tập trung chưa được quy hoạch đáp ứng mức độ phát triển khu dân cư; người buôn bán nhỏ lẻ chưa có điều kiện thuê sạp trong chợ; khách hàng có tâm lý thích mua lề đường; ý thức của cả người mua lẫn người bán còn kém; chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp, đặc biệt tại địa bàn giáp ranh; việc ra quân xử lý chưa thường xuyên, quyết liệt; mức phạt hành chính còn nhẹ chưa đủ sức răn đe.
Ông Lâm gợi ý giải pháp căn cơ là có kế hoạch quy hoạch xây dựng chợ tập trung phù hợp tốc độ phát triển dân cư. Có chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí, sắp xếp khu vực trong chợ cho những người buôn bán nhỏ lẻ. Tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với cả người bán lẫn người mua; có sự phối hợp tích cực, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý đối với các địa bàn giáp ranh; điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay xây dựng môi trường đô thị văn minh, sạch, đẹp.
Theo Tú Ngân/PNO
Bình luận (0)