Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa công bố chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp lữ hành cũng đang nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội đón du khách trở lại. Tuy nhiên, mức độ thành công của những nỗ lực này phụ thuộc vào độ phủ vắc-xin cho người dân.
“An toàn” là tiêu chí chung
Theo nghiên cứu của Destination Insights with Google (đơn vị cung cấp thông tin chi tiết về các điểm đến), nhu cầu du lịch nội địa đã từng tăng đến 253% vào tháng 4/2021 nhưng nay đã giảm xuống mức âm và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Theo tiến sĩ Nuno F. Ribeiro – giảng viên cấp cao, trưởng nhóm nghiên cứu ngành quản trị du lịch và khách sạn, Trường đại học RMIT – ngành du lịch sẽ khó trở lại bình thường: “Ngành du lịch nên chuẩn bị tinh thần để sống với “trạng thái bình thường mới” và COVID-19 là một thực tế cần được xử lý”.
Tiến sĩ Nuno cho rằng, muốn thu hút du khách, doanh nghiệp (DN) lữ hành phải có các biện pháp phòng ngừa an toàn cho sức khỏe của du khách theo đúng quy định. DN cũng phải tạo thói quen khử khuẩn, giảm thiểu sự tiếp xúc giữa các du khách. Nhân viên trong ngành cần được đào tạo thật kỹ về quy định phòng, chống dịch mà vẫn giữ được chất lượng dịch vụ để du khách an tâm. Trên hết, an toàn có nghĩa là tất cả khách và nhân viên đều đã được tiêm chủng đầy đủ trong ít nhất 14 ngày.
Phú Quốc, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, mở đầu cho việc thí điểm đón khách quốc tế trở lại – Ảnh: Q.Thái |
Tiêu chí an toàn trong du lịch yêu cầu khách du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch đều phải bảo đảm tiêm đầy đủ hai liều vắc-xin hoặc có chứng nhận khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính. Một số tỉnh như Thừa Thiên – Huế đã chủ động giúp DN thu hút du khách trở lại. UBND tỉnh đã ưu tiên tiêm vắc-xin đầy đủ cho các nhân viên của các cơ sở du lịch. Khi đến Huế, du khách phải tải ứng dụng Huế-S về điện thoại và khai báo y tế. Du khách đến từ vùng không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong 28 ngày gần nhất có thể đến Huế mà không cần cách ly. Một số khu nghỉ dưỡng như Banyan Tree và Angsana Lăng Cô đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi thứ hai cho toàn bộ nhân viên. Nhờ vậy, vịnh Lăng Cô sẵn sàng chào đón du khách quay trở lại bất cứ lúc nào.
Cố gắng đừng tăng giá
Hiện nay, cả nước đã tiêm hơn 43 triệu liều vắc-xin cho người dân nhưng tỷ lệ người tiêm đủ hai mũi chưa cao. Một số địa phương sở hữu nhiều điểm du lịch nổi tiếng lại nằm trong danh sách có tỷ lệ phủ vắc-xin thấp, như Bắc Kạn, Yên Bái, Quảng Trị, Kiên Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hưng Yên.
Với tỷ lệ tiêm vắc-xin trong dân chưa cao, ngành du lịch vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi hoặc chỉ có thể thử nghiệm những sản phẩm ở quy mô nhỏ. Chẳng hạn, một số DN đang ráo riết thiết kế các tour mới để thu hút khách cho… năm sau. Anh Đặng Đình Sĩ – Giám đốc Công ty Du lịch Oriental Sky Travel ở TP.Huế – cho hay từ đợt dịch năm ngoái trở đi, chỉ đến tết, công ty của anh mới có khách. Những tháng còn lại, công ty chỉ có những tour nhỏ ngoài trời với nhóm bạn bè trong tỉnh đã được tiêm vắc-xin. Tour dạng này đã thu hút được nhóm bạn bè trẻ. Anh nhận định: “Sau đại dịch, con người cần bảo vệ sức khỏe nhưng vẫn muốn trải nghiệm những vùng đất mới cùng người thân. Những tour theo đoàn nhỏ nhưng có chất lượng với tiêu chí đề cao tính bền vững sẽ phù hợp với xu hướng du lịch mới”.
Thu hút du khách là chuyện dài hơi, nhưng trước mắt, DN ngành du lịch phải đối mặt với việc gia tăng chi phí. Tiến sĩ Nuno cho hay, việc bảo đảm phòng, chống dịch sẽ đẩy chi phí du lịch lên cao. Giá cả của dịch vụ du lịch có thể sẽ tăng ở phân khúc cao cấp. Sự cạnh tranh giữa các DN du lịch sẽ rất gay gắt. Khi mở cửa trở lại, DN sẽ tìm và giữ khách hàng như mới bắt đầu khai thác thị trường mới. Do vậy, DN nên giảm giá nhẹ bằng các hình thức miễn phí đưa đón hay dịch vụ phòng. Nhu cầu đi du lịch giải trí kết hợp thăm thân nhân sẽ tăng lại. Đây là cơ hội vàng để các DN áp dụng chiến lược dài hạn thay vì chăm chăm tăng giá.
Tiến sĩ Nuno nhận định, tốt nhất, DN chỉ nên thiết kế tour giữa các tỉnh đã kiểm soát dịch thành công. Du khách nên đi qua các tuyến đường không trùng với tuyến dành cho hàng hóa và kinh doanh, để hạn chế thấp nhất sự gián đoạn. Cũng liên quan đến vận chuyển và kinh doanh, tiến sĩ Nuno cho rằng, lúc này, DN du lịch còn phải chú trọng đến chuỗi cung ứng ổn định để trải nghiệm của du khách diễn ra suôn sẻ. Nếu các mắt xích nguyên liệu, vật tư, thực phẩm và đồ uống, tiện nghi… không đảm bảo thì nỗ lực mở cửa trở lại sẽ rất khó khăn. Vì vậy, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch, công ty lữ hành… và cả cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần thường xuyên đối thoại và hợp tác cởi mở để giải quyết những trở ngại có thể xảy ra trong thực tế.
Cơ hội mở rộng đối tượng du khách quốc tế Theo tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, hoạt động du lịch bùng nổ mạnh mẽ sau các cuộc khủng hoảng. Điều đó như một quy luật. Du lịch sẽ bùng nổ khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát hoặc cả thế giới đã biết cách sống chung với vi-rút. Hiện ngành du lịch ở một số nơi trên thế giới đang hồi phục. Với việc huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thí điểm mở cửa đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” là bước khởi đầu tốt để khôi phục du lịch Việt Nam. Phú Quốc là địa phương rất phù hợp để thí điểm vì đảo dễ kiểm soát về phòng dịch. Phú Quốc cũng là điểm đến được khách quốc tế ưa chuộng, đồng thời có cơ sở hạ tầng, y tế tương đối tốt. Ngoài ra, từ lâu, du khách Trung Quốc được xem là nguồn khách quốc tế chính của Việt Nam nhưng nước này hiện vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch nước ngoài. Do đó, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để ngành du lịch Việt Nam mở rộng đối tượng du khách, nhất là thu hút khách từ các nước châu Âu, đồng thời củng cố vị thế vượt trội của du lịch Việt Nam tại các thị trường ưu thế như Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản, tiến sĩ Nuno đề xuất. Nếu kế hoạch thí điểm du lịch Phú Quốc thành công, đến giữa hoặc cuối năm 2022, Việt Nam có thể mở cửa dần các điểm đến khác. Quốc Ngọc |
Theo Mỹ Huyền/PNO
Bình luận (0)