Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cho vay mượn chỉ bằng… niềm tin

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Giao dịch vay mượn giữa những người thân quen, dù chỉ vài triệu đồng cũng có thể tạo ra vô số tình huống oái oăm ngay chốn pháp đình…
Một vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa hai sui gia khiến nhiều người không khỏi tò mò. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện, cả bị đơn lẫn nguyên đơn đều không đến dự.
Yêu cầu sui gia thanh toán 8 triệu đồng tiền nợ
Theo chủ tọa, bà V.T.B (SN 1956) cho sui gia là vợ chồng ông Đ.T.Đ (SN 1958) vay 10 triệu đồng từ năm 2010. Hai bên có làm giấy vay mượn tiền, thỏa thuận không tính lãi suất.
"Con gái tôi là con dâu họ nên tôi nể nang và cho vay tiền. Tôi không tính lời nhưng họ hứa trả 2%/tháng. Từ đó đến nay, ông bà sui gia mới trả 2 triệu đồng tiền gốc. Hai nhà chỉ cách một ngã tư nhưng họ toàn né tránh, không trả nợ cũng không nói gì" – chủ tọa nhắc lại nội dung nguyên đơn trình bày trong đơn khởi kiện. Nguyên đơn đề nghị tòa án buộc hai đồng bị đơn thanh toán dứt điểm 8 triệu đồng tiền gốc.
Tại bản tự khai, ông Đ. khẳng định bản thân "không dính líu" đến việc vay mượn tiền. Đó là chuyện làm ăn giữa bà B. với vợ cũ của ông. Cách đây gần 1 năm, ông D. hoàn tất thủ tục ly hôn, không rõ vợ cũ sinh sống ở đâu và ông không có nghĩa vụ trả khoản nợ này.
Trái lại, bà B. quả quyết ông Đ. biết và đồng thuận việc vay mượn. Đó là lý do ông ký tên vào giấy vay mượn tiền. Về chữ ký nguyên đơn đề cập, ông Đ. trần tình thời điểm đó, vợ cũ năn nỉ ký cùng, ông chấp thuận vì không muốn gia đình xào xáo.
Theo HĐXX, nguyên đơn có đơn xin xét xử vắng mặt. HĐXX từng 2 lần triệu tập nhưng bị đơn vẫn không đến dự tòa. Vì vậy, cơ quan xét xử quyết định xét xử vắng mặt các đương sự đúng theo quy trình tố tụng dân sự.
Căn cứ tài liệu cùng chứng cứ cán bộ tòa án thu thập, HĐXX nhận thấy bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ; chấp nhận yêu cầu nguyên đơn đưa ra, buộc hai đồng bị đơn tất toán khoản nợ. Dù ông Đ. phủ nhận nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ nhưng giấy vay nợ đề tên hai vợ chồng; ông Đ. thừa nhận có ký tên nên ông và vợ cũ liên đới trả nguyên đơn 8 triệu đồng. Nếu không tuân thủ, hai đồng bị đơn sẽ bị cưỡng chế thi hành án.
Phiên tòa vắng đương sự diễn ra chóng vánh. Không biết khi nhận bản án, hai đương sự đang là sui gia sẽ có cảm xúc ra sao. Nhưng có lẽ, mối quan hệ sui gia chắc hẳn rạn nứt từ lúc một bên vay nợ không trả khiến bên kia đâm đơn ra tòa.
Cho vay mượn chỉ bằng... niềm tin - Ảnh 1.
Minh họa

Mất tiền vì lỡ tin con rể "hụt"
Anh P.H.T (SN 1982) và con gái bà T.T.M (SN 1959) yêu nhau, xác định tiến tới hôn nhân. Hai bên gia đình từng nhiều lần gặp mặt, bàn bạc kế hoạch tổ chức đám cưới.
Nghe con rể tương lai than đang có nhiều mối làm ăn "ngon – bổ – rẻ" nhưng thiếu vốn đầu tư bất động sản, bà M. không ngần ngại rút sổ tiết kiệm, cho anh T. vay gần 100 triệu đồng, chia làm 3 lần vay mượn. Tuy nhiên, sau đó, con rể tương lai bán đất thu lời nhưng chây ì không trả nợ dù bà M. nhiều lần thúc giục. Khoảng một năm sau khi cho anh T. vay tiền, con gái bà M. và anh này chia tay (do khúc mắc chuyện tiền bạc, góp vốn làm ăn). Bà M. đành nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Tại tòa sơ thẩm, bà M. trình bày lúc mượn tiền, T. hứa hẹn nhanh chóng thu xếp trả nợ ngay sau khi "lướt sóng" một vài lô đất nền. "Thế nhưng, không những âm thầm bán đất mà T. còn tránh mặt mỗi khi tôi tìm đến nhà hay điện thoại nhắc nợ. Bất lực, tôi làm đơn tố cáo với cơ quan điều tra. Tới khi bị triệu tập, T. mới thừa nhận chưa trả nợ. Cơ quan công an xác định đây là quan hệ dân sự, hướng dẫn tôi khởi kiện ra tòa" – bà M. bức xúc.
Từ lúc thụ lý đơn kiện đến khi mở phiên tòa, bị đơn đều vắng mặt không rõ lý do, dù tòa án tống đạt hợp lệ mọi văn bản tố tụng. Bị đơn cũng không gửi văn bản trình bày ý kiến về nội dung khởi kiện của nguyên đơn.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M., HĐXX khẳng định biên bản lời khai có nội dung bị đơn thừa nhận mượn nợ gần 100 triệu đồng, chưa có khả năng thanh toán là chứng cứ thể hiện việc vay mượn có diễn ra. Vì vậy, HĐXX buộc anh T. hoàn trả khoản tiền đã vay.
Dù thắng kiện nhưng nguyên đơn không hề vui vẻ khi bước ra khỏi cổng tòa. Bà M. lo ngại: "Muốn đòi tiền chắc còn gian nan lắm. Tôi chỉ hy vọng cơ quan thi hành án nhanh chóng cưỡng chế tài sản, chứ tôi chắc rằng T. không bao giờ tự nguyện thi hành bản án". 
Lơ là kiểm tra
Từng tham gia một số phiên tòa có tính chất tương tự 2 vụ việc nêu trên, luật sư Trần Minh Trang nhìn nhận: "Những phiên tòa đòi nợ như 2 vụ việc này thực ra không hiếm. Đương sự giao dịch chủ yếu dựa trên niềm tin, mối thân tình. Vì thế, người cho vay lơ là kiểm tra quá trình trả nợ cũng như giấy tờ pháp lý liên quan đến việc vay mượn. Lúc mâu thuẫn, họ khó có đủ căn cứ đòi nợ. Như trường hợp bà T.T.M, nếu có giấy vay mượn tiền thể hiện nội dung thế chấp tài sản thì việc đòi nợ sẽ suôn sẻ hơn".
 
Di Lâm (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)