Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Chợ ve chai Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc chợ ve chai
Món đồ hiếm, lạ từ bình dân đến cao cấp… là những thứ bắt gặp ở chợ ve chai độc đáo tại Sài Gòn.
Chợ họp vào mỗi sáng chủ nhật tại quán cà phê Cao Minh, gần cầu Băng Ky (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Con hẻm nhỏ dẫn vào quán sáng cuối tuần luôn nhộn nhịp. Người bán những món đồ gọn, nhẹ thì chuyển đến bằng xe máy. Người buôn hàng nhiều, cồng kềnh thì vận chuyển bằng xe lam, xe tải nhỏ hoặc taxi. Chưa đến 7 giờ sáng, hàng chục gian hàng đã bày hàng đón khách. Từng món đồ được chủ nhân của nó mân mê, lau chùi cẩn thận. Ngoài cổng, khách xếp hàng mua vé, chọn thức uống trước khi vào tham quan, mua sắm.
Uống cà phê, “săn” hàng hiếm
Anh Nguyễn Văn Thịnh (nhà ở Q.Bình Tân) – người mới bán hàng ở chợ ve chai này chỉ ba phiên – cho biết anh đến chợ là để tìm một không gian sinh hoạt, gặp gỡ giao lưu với những người có cùng đam mê chứ không mong có lời lãi. Đến với chợ ve chai này, anh Thịnh mang rất nhiều món đồ, trong đó có những chiếc bật lửa Zippo tuổi đời mấy mươi năm. Đó là những món đồ mà anh cất công sưu tầm trong gần 10 năm qua. Giá bán mỗi chiếc từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy năm sản xuất. “Giá đưa ra là vậy nhưng người không có duyên chưa hẳn đã sở hữu được nó”, anh Thịnh nói. “Duyên” ở đây, theo anh Thịnh là người mua phải có nghề, biết chơi món đồ đó và đặc biệt là sở hữu để dùng hoặc cất giữ chứ không mua đi bán lại.

Gian hàng của ông Huỳnh Văn Tùng bán duy nhất bình hoa thờ cúng
Đều đặn mỗi tuần, ông Võ Xuân Thắng – chủ một doanh nghiệp may mặc ở Q.Tân Bình – đến chợ ngoài mục đích uống cà phê, chuyện trò cùng bạn bè còn là để tìm một món đồ hợp túi tiền về trưng trong tủ. “Giá trị của nó không ở chỗ sử dụng được hay không mà chính là tìm lại được một món đồ, hay vật dụng đã gắn bó với mình một quãng thời gian”, ông Thắng nói. Không chỉ bán những món đồ cũ, ở đây người mua có thể sở hữu những chiếc đồng hồ, chai nước hoa, điện thoại… hàng xịn xách tay với giá bèo; tuy nhiên, mặt hàng này hiếm, không phải phiên nào cũng có.
Không ồn ào như những chợ khác, ở đây người bán không nói thách, người mua cũng chẳng phải trả giá, theo kiểu ưng thì… mua. Có một điều là người bán ở chợ này, từ già đến trẻ, nam cũng như nữ trông rất “quái”, từ râu tóc đến cách ăn mặc. Chính những hình ảnh rất “khác người” ấy đã làm nên nét đặc trưng của chợ ve chai. Phiên chợ ngày càng đông khách vì sự tin tưởng nhau giữa người mua và người bán. Chẳng ai quy định nhưng có quy tắc bất thành văn, cụ thể người bán cố tình thông tin sai sự thật về món hàng để bán được giá cao sẽ bị “tẩy chay”. “Không cần phải tìm chuyên gia thẩm định vì người bán nói thật. Mà có nói sai cũng bị phát hiện vì khách đến đây hầu hết đều có “nghề”” – anh Thịnh nói. Chợ ve chai này còn là điểm đến thú vị của du khách mỗi khi đặt chân đến Sài Gòn.
Cái “rồ” của người bán

Anh Huỳnh Văn Khánh bán những món đồ hiếm
Muốn tìm hiểu nguồn gốc hay tuổi của bất kỳ món đồ, vật dụng nào, khách có thể chọn một chỗ ngồi cạnh người bán sẽ được thông tin tường tận. Được chuyện trò, chia sẻ thông tin, người bán vui lắm. Anh Huỳnh Văn Khánh (quê ở Trà Vinh) – một người bán đồ ngay từ những ngày đầu lập chợ – nói: “Khách đến đây đủ mọi thành phần, nghề nghiệp và điều kiện kinh tế cũng khác nhau nhưng có cùng chung cái “rồ”. Như anh Khánh, cứ đêm thứ bảy là đã có mặt ở Sài Gòn, trọ tại một khách sạn gần quán cà phê để sáng hôm sau có mặt sớm. Khi chợ vãn khách, anh lại dong xe về Trà Vinh, trở lại với công việc thường nhật. Bỏ ra trên dưới triệu đồng cho mỗi phiên chợ nhưng anh Khánh không mong kiếm đủ tiền để bù chi phí. Hay như ông Nguyễn Tường Bách mang đến chợ ve chai chỉ vài chiếc đèn dầu nhưng 3-4 giờ sáng phải di chuyển bằng xe máy từ Long Khánh (Đồng Nai) để kịp phiên chợ. Cái “rồ” của người bán còn thấy rõ ở chỗ, bản thân không muốn bán món đồ đó nên đưa ra giá quá cao với giá trị thật. Chẳng phải nói thách mà chủ đích chỉ để người ta bỏ ý định sở hữu, nhưng lại có người gật đầu đồng ý mua. Bán rồi, cầm một số tiền kha khá nhưng thấy tiếc, đêm về không ngủ được và phải cất công tìm người mua để chuộc lại với giá cao hơn. “Thú chơi mà, khi cần, cao gấp đôi giá mình bán cũng phải chấp nhận thôi” – ông Bách nói.
Cái “rồ” của người bán còn thấy rõ ở chỗ, bản thân không muốn bán món đồ đó nên đưa ra giá quá cao với giá trị thật. Chẳng phải nói thách mà chủ đích chỉ để người ta bỏ ý định sở hữu, nhưng lại có người gật đầu đồng ý mua.
Ông chủ quán – ca sĩ Cao Minh – chia sẻ: Ý tưởng mở phiên chợ ve chai tại đây mục đích chính không phải mang lại lợi nhuận. Chợ được thành lập vào năm 2009, hoạt động một thời gian thì gặp trục trặc, phải tạm ngưng và mới hoạt động trở lại gần đây. Người đến bán hàng không phải trả tiền chỗ. Họ đến đây, thành lập nhóm, có chút đỉnh tiền thì tổ chức những chuyến từ thiện, xem như đây là địa chỉ sinh hoạt lành mạnh, ý nghĩa cho những người say mê thú sưu tầm đồ cũ, đồ cổ.
Khách đến với chợ ve chai, bỏ ra 30.000 đồng, tùy chọn loại thức uống mà mình ưa thích. Với số tiền ấy, được sở hữu, được xem những món đồ, vật dụng gắn liền với tuổi thơ thì quả là đáng đồng tiền. Thi thoảng người bán, người mua còn được thưởng thức nhạc sống do ca sĩ, chủ quán Cao Minh cao hứng trình bày góp vui.
Bài, ảnh: Trần Anh
Từ bình dân đến cao cấp
Tại chợ ve chai, hàng trăm món đồ thuộc nhiều thời kỳ được bày bán. Có người bán đủ thứ, từ băng đĩa, tập nhạc, bút viết, máy ảnh, đến các vật dụng trong gia đình như muỗng, vá, bình hoa gỗ, bàn ủi than, bình đong, ca uống nước… và nhiều hàng hóa khác từ bình dân đến cao cấp. Có người bán duy nhất đèn dầu, đồng hồ hoặc máy quạt. Đó là những món đồ đã gắn bó với họ trong suốt một thời gian dài nhưng nay không có điều kiện bảo quản, lưu giữ; cũng có thể là họ mua được ở gánh ve chai hoặc người bán kẹt tiền… cưới vợ.
 
 

Bình luận (0)