Y tế - Văn hóaThư giãn

Chợ xâm lấn di tích quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chỉ cần mở cửa bước ra khỏi di tích quốc gia đình La Phù là có thể ngồi xuống chợ ăn quà quê, đủ thứ bánh trái.  


Theo Sở VH-TT-DL Hà Nội, chợ tạm này nằm trong khu vực bảo vệ của di tích đình La Phù – Ảnh: T.N

Đi vệ sinh ngay cây đa trăm tuổi

Chợ tạm gối đầu vào một bên đình làng La Phù, người bán hàng kê bếp than ngay chợ để chế biến. Bạt căng phủ trên cả mái miếu thờ nhỏ bên gốc đa cổ thụ. Người dân cho biết, cây đa này cùng một cây đa khác trong khuôn viên đình La Phù (sát vách đình) sắp được phong Cây Di sản. “Chúng tôi lo là than đun nấu, rồi người đi vệ sinh có thể làm chết mất cây hàng trăm năm”, cụ Tả Tương Quý, thôn Đấu Tranh, xã La Phù, H.Hoài Đức, Hà Nội nói. Cụ là một thành viên của ban khánh tiết ở cụm đình chùa này.

Trong chợ hiện nay, ngoài những hàng nhỏ còn có chiếc máy xúc lớn cùng một số vật liệu xây dựng như gạch, cát. Người dân cho biết, trước đó còn có người mang cả sắt đến để định “nâng cấp” chợ. Theo một số người cao tuổi ở đây, họ lo ngại việc nâng cấp chợ tạm sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan đình làng.
Cụ Đường, một thành viên ban khánh tiết khác, cũng cho biết trước đây khói ám từ đun nấu trong chợ đã làm chết một cây đa có tuổi đời tương tự. “Tôi kiến nghị là chuyển chợ tạm đi nơi khác”, cụ Đường nói. Kiến nghị này của cụ Đường và các cụ trong ban khánh tiết thậm chí đã được văn bản hóa thành đơn kiến nghị và kêu cứu, được gửi đến Bộ VH-TT-DL lẫn Sở VH-TT-DL Hà Nội. Trong đơn, ban khánh tiết không nhất trí nâng cấp chợ tạm thành chợ dân sinh và đề nghị trả lại khu đất hiện là chợ tạm cho đình. 
   
Bản đồ di tích sai lệch ?
Sau khi nhận được đơn kiến nghị, Sở VH-TT-DL Hà Nội đã phối hợp với đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin H.Hoài Đức xuống khảo sát hiện trạng. Việc khảo sát cũng được kết hợp với căn cứ trên hồ sơ xếp hạng hiện lưu tại Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội. Từ đó, Sở có ý kiến xác nhận hiện nay tại khu vực gần đình La Phù có chợ tạm của xã họp hằng ngày từ sáng đến chiều đúng như phản ánh trong đơn kiến nghị. Sở cũng cho rằng: “Căn cứ hồ sơ trên, đối chiếu với vị trí chợ tạm trên thực tế, thì khu vực chợ tạm hiện nay nằm trong khu vực bảo vệ của di tích”.
Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Ông Dư Quốc Bảo, Phó chủ tịch huyện phụ trách văn hóa xã hội, cho biết trong hồ sơ xếp hạng di tích gốc, phần diện tích của di tích này lại rất bất cập so với hiện trạng. Phần bản vẽ này vừa khoanh nhầm “thêm” diện tích của một số gia đình đã sinh sống lâu năm, lại vừa “bỏ sót” những phần quan trọng của di tích như hồ nhỏ trong quần thể đình chùa. Chưa hết, tên của chùa cũng bị ghi nhầm. Trong khi tên thật là “Trung Hưng tự” thì hồ sơ lại ghi thành “Trung Hương tự”. Ông Bảo nói thêm phía xã sẽ làm văn bản lên cơ quan chức năng để nêu ý kiến về sự nhầm lẫn này.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là phải tới khi người dân có đơn kêu cứu đình nhiều lần, cộng với Sở VH-TT-DL Hà Nội xuống thanh tra thì xã mới tìm hồ sơ gốc để đối chiếu. Trong khi trước đó huyện đã có quy hoạch, quyết định về các vấn đề liên quan đến di tích và chợ tạm nói trên. “Đúng là chúng tôi chưa hề có hồ sơ gốc về di tích này”, ông Bảo nói.
Như vậy có hai vấn đề nảy sinh. Một là tại sao việc khoanh vùng bảo vệ cho di tích cấp quốc gia lại được thực hiện mà không hề dựa trên hồ sơ gốc. Hai là, trong trường hợp hồ sơ gốc có những bất cập so với thực tế, tại sao lãnh đạo xã – nơi gần gũi nhất với di tích lại không hề phát hiện ra sớm. Không lẽ, từ năm 1988 – năm di tích này nhận danh hiệu di tích cấp quốc gia đến nay – không một lãnh đạo cơ sở nào quan tâm đến việc thiết lập phương án bảo vệ cho di tích. Đặc biệt, sau khi luật Di sản ra đời, việc bảo vệ di tích đã có thêm các căn cứ pháp luật, tại sao việc quản lý di tích không cần hồ sơ gốc vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về điều này?
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)