Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chớ xem thường bệnh viêm xoang ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS đang khám VX cho trẻẢnh: Đ.T.H

Trẻ em rất dễ bị viêm xoang (VX) do hiện tượng viêm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) ngược dòng từ họng, mũi, phế quản… đi lên. Triệu chứng của VX ở trẻ em khó chẩn đoán hơn rất nhiều so với VX ở người lớn nên các bậc cha mẹ chớ xem thường.
Trẻ dễ bị VX
Xoang sàng có ngay từ khi trẻ mới ra đời nhưng những các xoang khác được tạo thành dần: xoang hàm có khi trẻ 3-4 tuổi, xoang trán và xoang bướm chỉ xuất hiện khi trẻ được 7-8 tuổi. Kích thước các xoang của trẻ rất nhỏ, đôi khi mới chỉ là một rãnh hằn vào xương làm cho việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng thường không điển hình và khó khai thác được chính xác. Tỷ lệ VX ở trẻ em lên tới 1,7% số bệnh nhân bị mắc bệnh tai mũi họng học đường. VX thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó căn nguyên VX do vi khuẩn đóng một vai trò đáng kể. Hệ vi khuẩn thuộc đường hô hấp trên và hô hấp dưới rất phong phú, đa dạng. Những vi khuẩn này bình thường không gây bệnh nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi như: Sức đề kháng của trẻ bị suy giảm hoặc đang mắc một bệnh nhiễm trùng nào đó như cúm, sởi, viêm mũi… hoặc trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng… thì các vi khuẩn này trở nên hoạt động, gây bệnh. Chẩn đoán VX mũi ở trẻ chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng khi thăm khám. Sau một đợt viêm mũi họng cấp kéo dài trên 1 tuần (viêm nhiễm đường hô hấp trên chỉ kéo dài trung bình 5-7 ngày là hết), trẻ vẫn còn sốt nhẹ, người mệt mỏi, xì mũi màu vàng, xanh đặc, có mùi hôi. Trẻ thường xuyên có cảm giác chảy đờm từ mũi xuống họng nên hay bị ho, nhất là ban đêm khi ngủ. Hơi thở hôi và dễ nôn ọe; trẻ bú không được dài hơi như khi đang khỏe do tắc mũi. Trẻ hay quấy khóc, thở ngáy, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi kèm theo hốc mắt có quầng thâm. Trẻ lớn hơn hay phàn nàn bị đau đầu nặng mặt, dễ buồn ngủ. Khám bệnh thấy tình trạng niêm mạc mũi bị phù nề, xuất tiết nhiều dịch, khe giữa đọng nhiều mủ vàng xanh.
Cần điều trị đúng cách
Khi nghi trẻ bị VX, các bậc cha mẹ cần đưa cháu đến khám BS chuyên khoa tai, mũi, họng để được khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm cần thiết. Ngoài các động tác soi đèn để khám tai, mũi, họng, ấn một số điểm trên mặt trẻ để xác định điểm đau, sưng tấy… thì khi cần thiết, BS có thể nội soi bằng dụng cụ chuyên khoa đặc biệt để nhìn được vào trong hốc mũi, các hốc rỗng của xoang, BS cũng có thể chỉ định làm một số xét nghiệm như cấy mủ, chất nhầy của xoang để tìm vi khuẩn. BS cũng có thể chụp cắt lớp vi tính để nắm rõ về tình trạng các xoang của trẻ và các vị trí tổn thương cụ thể của xoang. Đây là phương pháp có độ chính xác cao hơn phương pháp chụp X-quang thông thường. VX ở trẻ em nếu không được điều trị đúng có thể gây nên một số biến chứng rất nguy hiểm như đau nhức đầu, luôn có cảm giác chất nhầy chảy ra phía sau thành họng, viêm mắt làm cho trẻ sụp mi. Khi thấy trẻ có dấu hiệu đau đầu, ngạt mũi… cha mẹ không nên chủ quan, mà cần đưa trẻ tới BS. Đặc biệt, khi trẻ có những dấu hiệu trên kèm theo các biểu hiện về mắt như sưng mắt, thâm quầng, đau hốc mắt và giảm thị lực thì nên đi khám ngay. Để phòng bệnh VX ở trẻ, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp bằng việc mặc ấm cho trẻ vào ngày lạnh, cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, tránh bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá. Trẻ em còn cần một chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi trẻ bị VX, tuyệt đối không dùng kháng sinh tùy tiện gây các biến chứng nguy hiểm.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, BV 175 TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)