Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chớ xem thường khi trẻ chậm nói

Tạp Chí Giáo Dục

Không nên giới hạn nhu cầu khám phá, học hỏi của trẻ để chúng được phát triển toàn diện

Thông thường, trẻ từ 10-11 tháng tuổi đã biết nói từ đơn như ba, bà…, từ 18-19 tháng, trẻ đã nói được từ ghép như ba ơi, bà ơi, cám ơn… Hai tuổi, nhiều trẻ đã có thể hát được một bài hát thiếu nhi. Nếu một tuổi mà trẻ vẫn chưa nói được từ đơn thì rất có thể trẻ bị chậm nói, phụ huynh chớ xem thường…
Ba tuổi vẫn chưa biết gọi mẹ
Lấy chồng gần 10 năm chị Huyền mới có con, đã thế lại là con trai nên không chỉ chị mà cả ba, mẹ chị như trút được gánh nặng “gái độc không con”. Mặc dù chào đời trước ngày dự sinh gần một tháng nhưng cu Bi nặng tới 3,3kg. Sức đề kháng của bé cũng tốt, rất hiếm khi bị bệnh. Hệ tiêu hóa lại càng tốt hơn, bé ăn bao nhiêu là hấp thụ bấy nhiêu. Nhìn bé rất bụ bẫm, kháu khỉnh, ai thấy cũng yêu. Điều đó khiến chị Huyền vô cùng mãn nguyện. Chị đếm từng ngày chờ con lớn khôn để được nghe tiếng “mẹ”… Chờ mãi, chờ mãi, chờ đến lúc cu Bi sinh nhật lần thứ 3 mà chị vẫn không được nghe tiếng “mẹ” từ miệng con.
Hoàn cảnh của vợ chồng anh Sơn, chị Hà cũng đáng thương không kém. Hai người quen nhau từ khi còn là sinh viên. Ra trường, chị Hà đi làm nuôi anh Sơn học cao học. Anh lấy được bằng thạc sĩ thì tới lượt chị đi học, anh lại có nhiệm vụ kiếm tiền… Đến khi cả hai đã có sự nghiệp ổn định, có tiền họ mới chịu làm đám cưới. Lúc này, anh chị đều bước vào cái tuổi 35. Cũng may cưới nhau đầu năm, cuối năm đã có con. Nhưng khổ nỗi đứa con gái của anh chị lại bị chậm nói, ba tuổi mà chỉ nói được một từ “ba”. Để được nghe tiếng “ba” của con, anh Sơn phải nhắc đi nhắc lại từ: “Gọi ba đi con, ba, ba…”, cả chục lần, con gái anh mới thốt ra được tiếng “ba” một cách khó khăn.
Trẻ cần được tới bệnh viện sớm
BS. tâm lý Hà Thị Kim Yến – Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nguyên nhân chậm nói có thể do tai. Bởi tai là cơ quan có vai trò rất quantrọng cho hoạt động nói và phát âm của trẻ. Trẻ bị nghe kém hoặc điếc sẽ bị ngọng, bị chậm phát triển ngôn ngữ – chậm nói, hoặc không thể giao tiếp bằng lời nói (câm). Chậm nói cũng có thể do bất thường não bộ – trẻ sinh non, bị bại não, viêm não, viêm màng não. Một số bệnh lý về gien như hội chứng Down, Treacher Collin, Hunter-Hurler, trẻ có thể tạng cơ mềm nhão, chậm phát triển vận động cũng bị chậm nói. Ngoài ra, chậm nói còn do rối loạn phát triển. Đó là những trẻ có các triệu chứng trong phổ tự kỷ, môi trường thiếu kích thích, trẻ xem ti vi nhiều, có khó khăn về ăn.
Nói là một quá trình phát triển, do đó cần phát hiện sớm hoặc tầm soát các dấu hiệu nguy cơ để can thiệp sớm. “Nên đưa trẻ đến gặp nhà trị liệu âm – ngữ để được tư vấn hoặc kiểm tra về sự phát triển của trẻ, đặc biệt về nghe nói khi có các dấu hiệu sau: Gọi tên không quay lại khi trẻ đã trên 6 tháng tuổi; ăn khó, không thể thay đổi món ăn, không biết nhai; trẻ không giao tiếp mắt, không tương tác với người khác; trẻ chậm phát triển vận động. Đặc biệt, ngôn ngữ của trẻ chậm so với trẻ cùng tuổi. Trẻ có tiền sử sinh non; trẻ thường bị bệnh viêm tai mũi họng, viêm tai giữa, trẻ bị tật chẻ vòm…”, BS. Yến khuyến cáo.
BS. Yến tư vấn, môi trường nuôi dạy trẻ nên có những kích thích giúp trẻ phát triển các kỹ năng như: Kỹ năng tập trung chú ý, bắt chước, nghe hiểu, giao tiếp chức năng như hỏi, xin, chào, cảm ơn. Do đó, người chăm sóc trẻ đừng quá bảo vệ, làm giới hạn nhu cầu khám phá học hỏi của trẻ hoặc đừng để trẻ trở thành thụ động. Việc đọc sách cũng giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng quan trọng trong giao tiếp và nói.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)