Điều trị mụn trứng cá nặng có thể dùng thuốc đường uống. Sẹo trứng cá cũng cần điều trị, thường dùng các thủ thuật như siêu mài mòn để lấy bỏ các lớp da bị tổn thương.
Chẩn đoán mụn trứng cá nặng khi mụn trứng cá quá đỏ, bị viêm và tổn thương trứng cá sâu (được gọi là nang) xuất hiện, làm biến dạng da. Mức độ này của trứng cá gây sẹo và tổn thương da vĩnh viễn.
Có các loại mụn trứng cá nặng khác, nhưng dưới đây là 4 loại phổ biến nhất:
Mụn bọc: Đặc điểm phân biệt mụn bọc là nang bị viêm, các bọc chứa đầy mủ, dịch hoặc một số chất khác. Những nang gây đau này có thể lớn (kích cỡ vài cm) và thường xuất hiện ở vai, lưng, ngực, cổ, mặt.
Mụn bọc rất khó điều trị, nhưng các lựa chọn điều trị bao gồm:
· Phẫu thuật mụn trứng cá: dẫn lưu và cắt bỏ nang
· Thuốc isotretinoin (Sotret, Claravis, Amnesteem, Accutane, …)
· Kháng sinh
· Tiêm corticosteroid vào nang.
Mụn trứng cá cụm: là loại mụn trứng cá nặng mạn tính – có nghĩa là bạn luôn phải đối mặt với chúng và có thể thực sự không bao giờ chữa khỏi, cho dù bạn có thể kiểm soát các triệu chứng nhờ điều trị. Loại mụn trứng cá này thường gặp ở nam nhiều hơn ở nữ và hay gặp ở lứa tuổi 18-30.
Dấu hiệu đầu tiên của mụn trứng cá cụm là các mụn trứng cá ngày càng xấu đi, cuối cùng hình thành nang viêm, nhiễm trùng. Những nang này chứa đầy mủ và có thể có mùi hôi. Mụn trứng cá cụm thường xuất hiện ở người có trứng cá đã kiểm soát tốt trong nhiều năm, nhưng đột ngột tái phát.
Các triệu chứng hay gặp nhất của mụn trứng cá cụm là:
· Áp xe viêm sâu trên da
· Mụn đầu đen thường ở mông, thân mình, cánh tay, cổ và mặt
· Sẹo sâu
· Tổn thương rõ rệt trên da
Mụn đỏ, viêm phát triển quanh mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng, trở nên lớn hơn và cuối cùng mủ rỉ ra. Loét có thể xuất hiện ở những mụn này, gây sẹo và cứng hơn.
Mụn trứng cá cụm thường được điều trị bằng isotretinoin, đôi khi phải dùng thêm kháng sinh. Điều quan trọng là phải tiếp tục tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu để điều trị và ngăn ngừa các đợt tái phát mụn trứng cá.
Mụn viêm và hoại tử nặng: là loại mụn trứng cá có đặc điểm viêm đột ngột và nặng, tác động tới toàn cơ thể. Các triệu chứng bao gồm:
· Sốt
· Đau và viêm khớp, hay gặp nhất ở khớp gối và háng
· Mụn trứng cá nặng có loét
Loại mụn trứng cá này thường phát triển sau mụn trứng cá cụm, khi đã cố gắng điều trị nhưng thất bại. Việc điều trị tập trung vào xử lý viêm và thường được kê đơn các thuốc chống viêm không steroid. Cũng có thể dùng corticosteroid để kiểm soát viêm. Loại mụn trứng cá này nên được kiểm soát và điều trị trong thời gian dài bởi chuyên gia da liễu và có thể cần dùng isotretinoin.
Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: xuất hiện khi nang lông trên da bị viêm do nhiễm khuẩn. Đôi khi nó có thể phát triển ở những người đang cố gắng điều trị các dạng mụn trứng cá nặng khác bằng kháng sinh tại chỗ hoặc uống trong thời gian dài.
Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm có thể khó điều trị, vì vi khuẩn không đáp ứng với nhiều kháng sinh thường dùng để điều trị mụn trứng cá nặng. Tuy nhiên, có thể điều trị thành công bằng isotretinoin và một số kháng sinh (thường là ampicillin và Proloprim, hoặc trimethoprim).
Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)