Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới đã được triển khai ở tất cả các lớp của 3 bậc học. Sách giáo khoa mới ban hành cũng đảm bảo đầy đủ các yêu cầu cần đạt của chương trình và cập nhật nhiều nội dung mới, gắn với thực tiễn, phù hợp với học sinh ở mỗi lớp.
Thế nhưng, từ khi thay sách giáo khoa lớp 1 đến năm học 2024-2025 này, giáo viên bậc tiểu học đã phải choáng ngợp với những nội dung được yêu cầu tích hợp trong kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy. Theo đó, các giáo viên rất bức xúc khi phải tích hợp 11 nội dung trong kế hoạch bài dạy của mình. Các nội dung cụ thể yêu cầu giáo viên phải tích hợp là: Giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hóa giao thông, giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục biển đảo, giáo dục địa phương, giáo dục STEM, giáo dục quyền con người, giáo dục kỹ năng công dân số, giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức lối sống, giáo dục tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Những nội dung này được tích hợp với các mức độ toàn phần, liên hệ, bộ phận.
Chúng ta đều biết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những bộ sách giáo khoa mới được thẩm định và cho phép xuất bản dùng trong nhà trường cũng đã đạt các mục tiêu phẩm chất và năng lực của chương trình. Vậy thì có cần thiết phải tích hợp quá nhiều các nội dung như thế? Sách đạo đức và sách các môn học khác đều có nội dung yêu cầu về phẩm chất yêu nước ở nhiều bài học cụ thể, rõ ràng như thế có cần tích hợp nội dung giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục biển đảo, giáo dục bảo vệ môi trường… không? Cả chương trình, sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5 đều có mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, vậy tại sao cần phải tích hợp đạo đức lối sống? Ở môn đạo đức, phần giáo dục kỹ năng sống đều có nội dung bài học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5 như: tự chăm sóc bản thân; phòng, tránh tai nạn, thương tích; thể hiện cảm xúc bản thân; tìm kiếm sự hỗ trợ; khám phá bản thân; xử lý bất hòa với bạn bè; thiết lập và duy trì quan hệ bạn bè; lập kế hoạch cá nhân; phòng tránh xâm hại. Còn ở hoạt động trải nghiệm, toàn bộ nội dung đều hình thành và phát triển các năng lực đặc thù: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp. Tương tự, ở môn khoa học lớp 4, 5, mạch nội dung con người và sức khỏe, học sinh đã tìm hiểu dinh dưỡng ở người, một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng, phòng tránh đuối nước, sự sinh sản và phát triển ở người, chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì, phòng tránh bị xâm hại. Như thế, có cần thiết phải tích hợp giáo dục kỹ năng sống hay không?
Nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Tại sao phải tích hợp quốc phòng an ninh, giáo dục biển đảo khi môn lịch sử – địa lý lớp 5 có cả chủ đề “Đất nước và con người Việt Nam” với 11 tiết học và chủ đề “Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam” với 24 tiết, chưa nói đến phẩm chất yêu nước là yêu cầu bắt buộc ở tất cả các môn học. Cũng ở hoạt động trải nghiệm, mạch nội dung “Hoạt động hướng đến tự nhiên”, học sinh đã được khám phá vẻ đẹp, ý nghĩa của cảnh quan thiên nhiên; tham gia bảo tồn cảnh quan thiên nhiên; tìm hiểu thực trạng môi trường; tham gia bảo vệ môi trường… Ở môn đạo đức, nội dung trách nhiệm, học sinh cũng được học “Bảo vệ môi trường sống”. Cụ thể hơn, trong môn khoa học lớp 4, học sinh được học và liên hệ thực tế ở gia đình và địa phương về: nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước, sự cần thiết phải bảo vệ nguồn nước và phải sử dụng tiết kiệm nước; trình bày được một số cách làm sạch nước; liên hệ thực tế về cách làm sạch nước ở gia đình và địa phương; thực hiện được và vận động những người xung quanh cùng bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm. Học sinh lớp 5 thì được học cả một chủ đề “Sinh vật và môi trường” ở môn khoa học với 7 tiết học, trong đó các em được học về tác động của con người đến môi trường. Vậy thì có nhất thiết phải tích hợp giáo dục “Bảo vệ môi trường”, tích hợp giáo dục “Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước” không? Ở môn tự nhiên và xã hội, học sinh đã phải giới thiệu được một cách đơn giản về quang cảnh làng xóm, đường phố qua quan sát thực tế cuộc sống hằng ngày; bày tỏ được sự gắn bó, tình cảm của bản thân với làng xóm hoặc khu phố của mình; nêu được một số công việc của người dân trong cộng đồng và đóng góp của công việc đó cho xã hội qua quan sát cuộc sống hằng ngày; nhận biết được bất kỳ công việc nào đem lại lợi ích cho cộng đồng đều đáng quý; nêu được một số việc học sinh có thể làm để đóng góp cho cộng đồng địa phương; giới thiệu được tên, thời gian diễn ra một lễ hội truyền thống có sự tham gia của học sinh, gia đình và người dân ở cộng đồng; kể được một số công việc của các thành viên trong gia đình và người dân cho lễ hội đó. Hay trong hoạt động trải nghiệm, học sinh đã được thực hiện một số việc làm phù hợp với lứa tuổi thể hiện sự quan tâm đến các thành viên trong cộng đồng; tham gia một số hoạt động tình nguyện, nhân đạo, giáo dục truyền thống do nhà trường, địa phương tổ chức… Vậy có cần phải tích hợp giáo dục địa phương không? Tại sao phải tích hợp giáo dục STEM khi các sách giáo khoa mới đều đã khéo léo đưa vào bài học ở các môn học nhất là môn công nghệ, hoạt động trải nghiệm? Ở môn tin học, học sinh hình thành và phát triển khả năng sử dụng công cụ kỹ thuật số, làm quen và sử dụng internet; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính và hệ thống máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong trao đổi và chia sẻ thông tin; sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập và sử dụng thiết bị tin học; bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính; biết bảo vệ sức khỏe khi sử dụng máy tính, bước đầu có ý thức phòng tránh những tác hại khi sử dụng internet và ý thức tôn trọng bản quyền. Trong môn công nghệ, học sinh phải sử dụng được một số sản phẩm công nghệ thông dụng trong gia đình đúng cách, an toàn; thiết kế được sản phẩm thủ công kỹ thuật đơn giản; trao đổi được một số thông tin đơn giản về các sản phẩm công nghệ trong phạm vi gia đình, nhà trường; nhận xét được ở mức độ đơn giản về sản phẩm công nghệ thường gặp; nhận biết được vai trò của công nghệ đối với đời sống. Như vậy có cần tích hợp giáo dục công dân số?
Việc tích hợp quá nhiều trong chương trình mới, sách giáo khoa mới dường như là một công việc thừa thải, chỉ làm cho giáo viên tiểu học tốn thêm công sức, thời gian cho việc tham gia tập huấn, họp tổ chuyên môn, ghi biên bản, lập kế hoạch giáo dục, lập kế hoạch dạy học, soạn kế hoạch bài dạy. Những người ngoài ngành giáo dục, nhất là phụ huynh khi nghe việc tích hợp này đã đặt câu hỏi: “Vậy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới vẫn chưa đạt yêu cầu giáo dục hay sao mà phải tích hợp nhiều như thế?”, “Chương trình mới, sách giáo khoa mới thiếu sót nhiều lắm hay sao mà phải tích hợp như vậy?”. Câu hỏi ấy, chính giáo viên cũng muốn được giải đáp vì rất chán ngán về việc tích hợp vô lý, quá tải này.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)