Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Choáng váng chiêu cuồng “like” của giới trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nút “like” – một trong những tính năng đặc biệt của facebook giúp người dùng thể hiện sự hưởng ứng, đồng cảm của mình đối với mỗi cập nhật trạng thái của bạn bè dường như đang được nhiều bạn trẻ sử dụng một cách tùy tiện. Không ít người đã bị những giá trị ảo này làm họ ảo tưởng về giá trị thật của mình.

Một bạn trẻ đang bấm nút “like” cho facebook của thanh niên tên T. Ảnh: Y.Hà

Những con thiêu thân

Vừa qua, một thanh niên tên T. đã sử dụng trang cá nhân facebook của mình với những lời kêu gọi hết sức phản cảm: “Bức hình này đủ 40k like, tôi đổ xăng từ trên người xuống lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa. Đủ like sẽ làm tôi nói tôi làm! Share mạnh có cái hay hấp dẫn để xem”. Câu chuyện này một lần nữa làm xôn xao cộng đồng mạng khi bức hình của thanh niên này nhanh chóng đạt một lượng like lớn vượt xa con số mà T. đã đặt ra. Giữ đúng lời hứa của mình nhưng T. chọn địa điểm hành động là kênh Tàu Hủ, đường Võ Văn Kiệt, quận 6, TP.HCM. Để minh chứng cho lời nói thật của mình, T. yêu cầu bạn bè quay clip cho mình. Đoạn clip chỉ mấy giây ghi lại cảnh T. đổ xăng lên người, để ngọn lửa bén vào quần áo rồi nhảy thẳng xuống dòng kênh bên cạnh được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như nút “like” trên facebook không tiện quá. Chính vì nó tiện quá nên thành ra người ta cứ dùng nó một cách tùy tiện. Thế nên mới phát sinh ra một cơn nghiện mang tên “cuồng like”. T. không phải là thanh niên duy nhất sống trong cơn “cuồng like”, bất chấp tính mạng của mình. 

So với nhiều trang mạng xã hội khác, facebook vẫn đang thu hút một lượng người sử dụng đông đảo khiến các bạn trẻ dành nhiều quỹ thời gian cho thế giới ảo của mình. Cư dân mạng cũng không còn quá xa lạ với hình ảnh một số cô gái trẻ tận dụng tối đa cơ thể của mình để “câu like”. Dù không cần là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, trang cá nhân facebook của họ vẫn có một lượng theo dõi khá đông nhờ vào những trò “câu like” rẻ tiền như thế. Với họ, để được nổi tiếng trên facebook, họ sẵn sàng bất chấp những hành động thiếu văn hóa. Trang cá nhân của M.K – một “hot girl” từng nhận vô vàn gạch đá và những lời chê trách với những hình ảnh hở hang, những lời kêu gọi “câu like” khiếm nhã. Dù bị nhận vô vàn gạch đá và những lời chê trách nhưng K. vẫn tiếp tục làm những trò “lố” trên trang cá nhân của mình. Khi lượng người theo dõi, like ngày càng tăng lên chóng mặt. K. càng tỏ ra thích thú, ảo tưởng về “sức mạnh bản thân”. K. là một trong số rất nhiều những người trẻ hiện nay đang buông mình trong thế giới ảo. Họ như những con thiêu thân với các trò đùa lố bịch, không lường trước được những hệ lụy ở ngày mai.

GS.TS Vũ Gia Hiền nhấn mạnh: “Con đường nổi tiếng bằng những trò “câu like” rẻ tiền chỉ làm danh dự của bản thân bị người khác coi thường. Muốn người khác làm bạn với mình, trân trọng mình thì bản thân người trẻ nên cố gắng tự tìm kiếm, phấn đấu để mình có một năng lực thật sự, một trí tuệ thật sự”.

Đừng tự hủy hoại danh dự

Hiện nay, không ít bạn trẻ sống trong thế giới ảo với hàng ngàn lượt like, hàng triệu người follow. Họ xem đó chính là thước đo giá trị con người mình. Để thu hút lượng người theo dõi trang cá nhân của mình ngày càng đông, họ sẵn sàng bất chấp cả những rào cản về thuần phong mỹ tục. Tuổi trẻ luôn vốn có nhiều khát khao, hoài bão được nổi tiếng, tự khẳng định mình. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ lại đang cố để được nổi tiếng bằng những hành động “không giống ai”. Vài năm trước, một cô gái mang tên “bà Tưng” cũng từng nổi tiếng trên cộng đồng mạng với những hình ảnh phản cảm, những phát ngôn gây sốc. Con đường để được nổi tiếng của “bà Tưng” được đánh đổi bằng danh dự, nhân phẩm của một người trẻ để giờ đây, nhắc đến tên “bà Tưng”, không ít người phải thở dài ngao ngán.

Một thực tế không thể phủ nhận là chính sự “like dạo”, sự cổ vũ qua những cái like từ phía cộng đồng mạng đã góp phần cổ xúy, làm tăng thêm tính hiếu thắng, thích chơi trội, khoe khoang của những người khao khát sự nổi tiếng. Theo GS.TS Vũ Gia Hiền, Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP.HCM, “Có thể thấy cái hại ngay trước mắt là nhiều bạn trẻ tự đánh lừa bản thân, tự hủy hoại năng lực, danh dự của chính mình. Khi đang trong độ tuổi muốn chứng tỏ bản thân, tìm kiếm sự ghi nhận từ những người khác, họ lại càng dễ bị cuốn theo và dễ đi lệch hướng. Về lâu dài, các bạn không biết định hướng cho bản thân mình về tương lai và phí phạm quá nhiều thời gian của tuổi trẻ”.

Giới trẻ ngày nay vốn năng động, đầy nhiệt huyết, trẻ trung và luôn tìm cách thể hiện cá tính của bản thân qua hình thức bên ngoài. Vì vậy, đôi khi việc sử dụng những trang mạng xã hội bừa bãi, thiếu ý thức sẽ không khác nào con dao hai lưỡi khiến người trẻ dễ dấn thân vào lối sống ảo. “Con đường nổi tiếng bằng những trò “câu like” rẻ tiền chỉ làm danh dự của bản thân bị người khác coi thường. Muốn người khác làm bạn với mình, trân trọng mình thì bản thân người trẻ nên cố gắng tự tìm kiếm, phấn đấu để mình có một năng lực thật sự, một trí tuệ thật sự”, GS.TS Vũ Gia Hiền nhấn mạnh.

Yên Hà

 

Bình luận (0)