Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Choáng” với giá thuốc trúng thầu

Tạp Chí Giáo Dục

Việc phân phối lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian đã đẩy giá thuốc ở Việt Nam lên cao gấp 2 – 3 lần, thậm chí hàng trăm lần. Điều này đang xảy ra phổ biến trong các nhà thuốc bệnh viện.

Trong khi đó, giá thuốc ngoại khi nhập vào Việt Nam không cao hơn so với mặt bằng giá thuốc tại một số nước trong khu vực. Đây là kết quả khảo sát của Bộ Y tế.

Cùng một loại thuốc: Chênh lệch "khủng"!

BS Lưu Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM – cho biết, cùng một loại thuốc, tên thương mại, nhà sản xuất, hàm lượng, đường dùng, dạng bào chế, nhưng giá thuốc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) có sự chênh lệch lớn giữa các cơ sở khám – chữa bệnh của TPHCM cũng như giữa các tỉnh, TP. BS Huyền dẫn chứng, cùng một loại thuốc giảm đau, hạ nhiệt có hoạt chất paracetamol (có 18 sản phẩm của 18 cơ sở sản xuất trong nước và một loại thuốc ngoại với tên gọi khác nhau), nhưng kết quả trúng thầu tại các bệnh viện có đến 16 giá khác nhau, thấp nhất 85 đồng/viên, cao nhất 900 đồng/viên. Cụ thể, một nhóm có giá trúng thầu từ 85-140 đồng/viên, nhóm có giá trúng từ 140-420 đồng/viên và nhóm có giá trúng từ 420-650 đồng/viên. Riêng loại thuốc ngoại có giá trúng thầu 900 đồng/viên.

Mua thuốc tại nhà thuốc BV ở TP.Hồ Chí Minh.

Một ví dụ khác, kháng sinh chích Meropenem 1gr có đến 10 giá khác nhau vì có nhiều tên thương mại: Thuốc của Ý trúng thầu hơn 800.000 đồng/lọ, của VN 714.000 đồng/lọ, còn của Ấn Độ giá gần 550.000 đồng/lọ. Điều đáng nói, cùng một nhà sản xuất, thế nhưng, giá thuốc Supercef (Cefepim) 1gr trúng thầu vào các BV năm 2010 chênh lệch tới 23%.

Chẳng hạn, thuốc Planitox 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Nguyễn Tri Phương giá 2.405.000 đồng/lọ và BV Q.Thủ Đức đã đội lên 2,5 triệu đồng/lọ. Thuốc Bernodan (Indonesia) trúng thầu vào BV An Bình 15.000 đồng/ống, trong khi vào BV Q.Thủ Đức 22.000 đồng/ống. Thuốc Sinraci 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Trưng Vương giá 240.000 đồng/lọ, nhưng vào BV Q.Thủ Đức 275.000 đồng/lọ.

Không chỉ thuốc ngoại, ở nhóm thuốc nội khi vào các BV cũng có giá “nhảy múa” với biên độ chênh nhau lớn. Chẳng hạn, cùng là thuốc BBD 25mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 900 đồng/viên, còn vào BV Hùng Vương 3.500 đồng/viên- cao gần gấp 4 lần. Cùng thuốc Aubactam 1gr/200mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 24.500 đồng/lọ, nhưng vào BV Chấn thương- Chỉnh hình là 32.000 đồng/lọ…

"Vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Trong khi Bộ Y tế quy định, giá thuốc tại các nhà thuốc BV chỉ bằng hoặc thấp hơn giá bên ngoài và áp dụng thặng số để khống chế giá; tuy nhiên, trên thực tế giá thuốc vào BV cũng cao ngất ngưởng, đó là chưa kể đến các loại thuốc biệt dược, vaccine chỉ được bán hoặc tiêm phòng tại các BV hoặc cơ sở y tế được phép.

Khảo sát giá thuốc trúng thầu của các BV tại TPHCM năm 2011, Bảo hiểm xã hội TP đã phát hiện nhiều loại thuốc trúng thầu có sự chênh lệch giá rất lớn và bất hợp lý, nên đã có văn bản gửi Sở Y tế TP thông báo về tình trạng này và chỉ chấp nhận thanh toán nếu giá thuốc trúng thầu cùng loại vào bệnh viện này chênh lệch với bệnh viện khác dưới 5%.

Lý giải cho điều này, nhiều BV cho rằng, nguyên nhân giá thuốc chênh lệch là do đấu thầu riêng lẻ, cùng một loại thuốc nhưng có tên thương mại và nhà sản xuất khác nhau, nên mỗi cơ sở khám – chữa bệnh trúng thầu mỗi giá khác nhau. Vả lại, việc cùng một loại thuốc nhưng giá chênh lệch là do tuỳ thuộc vào số lượng đặt hàng của các BV. “Không thể nào BV tôi mua 1.000 viên lại có giá bằng với BV khác mua 100.000 viên”- một giám đốc BV phân trần.

Một nghiên cứu của Cục Quản lý dược Việt Nam (Bộ Y tế) cho thấy, nếu vào năm 2001 tiền thuốc bình quân/đầu người tại nước ta là 6USD, thì đến năm 2007 con số này tăng vọt lên 13,39USD và đến năm 2012 là 27,6USD. Dự kiến, con số sẽ còn tăng đến mức 33,8USD vào năm 2014. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là giá thuốc quá cao!

Dẫn chứng cho điều này, theo BS Thanh Huyền, năm 2011 Quỹ BHYT chi trả 25.000 tỉ đồng chi phí khám – chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT, riêng TPHCM chi trả hơn 4.000 tỉ đồng. Trong đó, 60% chi phí khám- chữa bệnh BHYT là chi cho tiền thuốc. Điều này thể hiện rõ trong năm 2011 số lượng người tham gia BHYT tuy chỉ tăng 7% so với năm 2010, nhưng chi phí khám – chữa bệnh trong năm 2011 lại tăng gấp 3 lần (21%) năm 2010. Nếu BV, bác sĩ lựa chọn thuốc thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả sẽ hạn chế lãng phí do sử dụng thuốc bất hợp lý.

Lâu nay, vấn đề quản lý giá thuốc được Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận là: Bộ Y tế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Giá thuốc khó quản lý nổi do Bộ Y tế quản lý quá nhiều khâu như sản xuất, kinh doanh, cho phép vào danh mục BHYT, kê đơn điều trị. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành thông tư mới, theo đó, các thuốc này sẽ bị khống chế lãi suất từ giá nhập khẩu, giá gốc đến giá bán lẻ, chỉ cho phép lợi nhuận được chấp nhận từ 20-30%. Sự khống chế mức chênh lệch lãi suất nhằm ngăn chặn tình trạng thuốc phân phối lòng vòng, qua nhiều tầng nấc, đẩy giá cao bất hợp lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thông tư trên cũng chỉ giải quyết được phần ngọn.

Để tính đến phương án lâu dài, Bộ Y tế đã đề nghị chuyển việc quản lý giá thuốc về cơ quan quản lý giá chuyên ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương..,. với hy vọng là giá thuốc có thể vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển cho các cơ quan trên quản lý giá mặt hàng thuốc là điều không phải dễ, khi trên thị trường VN hiện có gần 20.000 mặt hàng thuốc đang được cấp phép lưu hành.

Võ Tuấn

Báo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)