Tại công viên văn hóa Gurita Wisnu Kencana ở Bali, Indonesia có một bức tượng "khủng" với chiều cao 122 m. Phải mất 28 năm và khoảng 100 triệu USD để xây dựng bức tượng này.
Tượng Garuda Wisnu Kencana là một bức tượng cao 122 m nằm trong công viên văn hóa nổi tiếng Gurita Wisnu Kencana ở Bali, Indonesia. Bức tượng được thiết kế bởi Nyoman Nuarta và khánh thành vào tháng 9 năm 2018.
Tổng chiều cao của tượng đài bao gồm cả bệ đỡ là 122 m. Bức tượng cao hơn tượng Nữ thần Tự do khoảng 30 m. Bức tượng này được thiết kế để trở thành bức tượng cao nhất Indonesia.
Theo truyền thuyết, Garuda đồng ý để cho Vishnu cưỡi để đổi lấy quyền sử dụng thuốc tiên để giải phóng người mẹ bị nô lệ của mình. Tượng đài được hoàn thành vào ngày 31 tháng 7 năm 2018 và được Tổng thống Indonesia Joko Widodo cắt băng khánh thành vào ngày 22 tháng 9 năm 2018. Đây là bức tượng cao nhất của một vị thần Hindu và là bức tượng cao nhất ở Indonesia.
Tượng Garuda Wisnu Kencana ở Bali.
Phải mất 28 năm và khoảng 100 triệu USD để xây dựng bức tượng hoành tráng này. Tượng Garuda Wisnu Kencana được thiết kế vào năm 1990, khởi công dự án vào năm 1997. Tuy nhiên vào cuối thập niên 90, dự án đã bị dừng lại đột ngột bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Việc xây dựng được tiếp tục vào năm 2013 sau 16 năm gián đoạn khi một công ty bất động sản đồng ý tài trợ cho việc xây dựng bức tượng và dự án. Ý tưởng xây dựng bức tượng đã gây tranh cãi khi các nhà chức trách tôn giáo trên đảo phàn nàn rằng kích thước khổng lồ của bức tượng có thể phá vỡ sự cân bằng tinh thần của hòn đảo. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đồng ý với dự án vì họ nhận định rằng bức tượng sẽ là một điểm mới thu hút khách du lịch.
Bức tượng được lắp ráp tại Bali từ 754 mô-đun được xây dựng ở Bandung, Tây Java và sau đó được vận chuyển đến công viên văn hóa. Hình dạng của Garuda phức tạp đến mức các kỹ sư đã thiết kế các khớp nối đặc biệt trong kết cấu hỗ trợ, với 11 dầm thép khổng lồ kết hợp với nhau tại cùng một điểm, trong khi các khớp nối xây dựng thông thường chỉ có bốn hoặc sáu dầm. Tượng Garuda Wisnu Kencana được thiết kế vững chắc, chịu được bão và động đất.
Tượng đài hoàn thành cao bằng một tòa nhà 21 tầng. Bức tượng nặng 4000 tấn và là bức tượng nặng nhất ở Indonesia. Tác phẩm nghệ thuật này được hỗ trợ bởi 21.000 thanh thép, 170.000 bu lông. Tượng có khung bằng thép không gỉ cũng như cột lõi bằng thép và bê tông. Vương miện của thần Vishnu được khảm vàng và bức tượng có lắp đặt hệ thống ánh sáng chuyên dụng để chiếu sáng đẹp mắt vào buổi tối.
Vĩnh Ngọc (theo dantri)
Bình luận (0)