Người lớn nên cẩn trọng khi cho trẻ tiếp xúc với diều chợ |
Thả diều là một trò chơi dân gian, thú tiêu khiển hao tiền tốn của và nếu không cẩn trọng có thể rước họa như chơi.
Họa lớn trước mắt có thể nhắc đến là tai nạn từ sân diều không an toàn. Hiện nay, tìm một điểm thả diều tại Sài Gòn thật sự không khó, tuy nhiên để có nơi an toàn là không dễ.
Đỏ mắt tìm sân diều an toàn
Chiều cuối tuần, chúng tôi dạt về hướng Tây Sài Gòn theo chỉ dẫn của các thành viên Câu lạc bộ Diều Q.8. Đó là một điểm thả diều nằm cách trung tâm thành phố hơn 5km, một không gian rộng lớn, hoàn toàn không có đường dây điện lớn, nhỏ đi qua nhưng bốn bề là kênh rạch. Hoàng, thành viên cố cựu của câu lạc bộ này chia sẻ: “Mất hết 4 ngày đi tiền trạm mới chọn được chỗ này. Ở đây người ta chưa biết nhiều, hơn nữa địa hình hiểm trở nên không thích hợp với những người chơi diều gia đình mà chỉ có những ai chơi diều chuyên nghiệp, thích mạo hiểm tìm đến”.
“Chơi diều gia đình” – cụm từ không còn mới khi muốn nói những ông bố, bà mẹ cùng con cái đi thả diều vào mỗi cuối ngày. Thả diều là thú tiêu khiển dân dã, quen thuộc không chỉ của trẻ con mà còn của người lớn ở các vùng quê. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh về mọi mặt, đô thị hóa nhanh, lối sống thị thành kéo theo trò giải trí công nghệ… khiến những sân diều tuổi thơ ngày càng bị thu hẹp, tệ hại hơn là “xóa sổ”.
Tại TP.HCM đã thành lập nhiều câu lạc bộ diều chuyên nghiệp, từng giành giải cao trong các cuộc thi Festival diều quốc tế tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ở đây chưa có một sân diều tập trung an toàn dành cho người đam mê, mặc dù hàng chục năm nay cũng đã có nhiều đề xuất. Từ thực tế đó, các khu đất trống ở vùng ven lại trở thành những sân diều tự phát mà dường như chính quyền địa phương bất lực trong quản lý trước những nguy cơ tai nạn từ sân chơi này mang lại.
Ông Nguyễn Văn Phú, người có thâm niên chơi diều tại TP.HCM cho biết, tai nạn do diều gây ra nhiều vô kể, trong đó thường gặp nhất là trẻ con vô tình dùng cây (sắt, thép…) để gỡ diều mắc vào đường dây điện, nhẹ là bị bỏng, nặng dẫn đến tử vong. Ông Phú kể: “Hai năm trước, cháu của người bạn sống tại P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân chơi diều trên sân thượng, diều bị gió vật vướng vào đường dây điện. Cháu tiếc con diều sáo, dùng cây sắt làm giá phơi quần áo khều và bị điện giật tử vong”. Tai nạn từ diều nữa, dân trong nghề cho là hi hữu nhưng xảy ra thì khó mà sống sót là trẻ bị dây diều cuốn (trường hợp cháu bé 5 tuổi tại sân diều ở Hóc Môn vào thời điểm này năm ngoái – NV).
Ông Nguyễn Văn Phú, người có thâm niên chơi diều tại TP.HCM cho biết, tai nạn do diều gây ra nhiều vô kể, trong đó thường gặp nhất là trẻ con vô tình dùng cây (sắt, thép…) để gỡ diều mắc vào đường dây điện, nhẹ là bị bỏng, nặng dẫn đến tử vong. |
Trẻ chơi diều ở những địa phương ngoại thành, vùng ven kênh rạch thì càng nguy hiểm, nếu không có người lớn quan sát. “Với người chơi diều, diều bay cao, bay đẹp là mê lắm và có thể bỏ tất cả mọi thứ. Trẻ con cũng thế, cứ chạy theo hướng con diều mà bất chấp kênh mương, cống rãnh, hố công trình… Vài năm trước, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng xảy ra tai nạn thương tâm khiến một trẻ 6 tuổi tử vong. Nguyên nhân được xác định là do bé trai mải mê theo diều mà sẩy chân xuống hố công trình, đáng nói là sự việc diễn ra trong tích tắc, người cha phát hiện không kịp trở tay.
Tiếp xúc hóa chất từ vải diều
Những cánh diều rực rỡ đủ màu sắc, hình dáng làm mê hoặc trẻ con. Tuy nhiên, ít ai biết rằng vật liệu (bao gồm các loại vải, chất giữ và tạo màu, keo dán…) để làm nên con diều đều không có nhãn mác, bày bán trôi nổi trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Tú (ngụ P.5, Q.8) với hơn 15 năm bán diều chợ tại các sân diều tự phát ở TP.HCM thừa nhận tiếp xúc nhiều với diều thường bị ngứa, nặng là nổi mẩn đỏ nhiều ngày nhưng không rõ là từ vải hay từ chất keo kết dính.
“Nhà diều học” Nguyễn Thanh Vân (Q.1, TP.HCM) cho biết, với diều chợ (loại diều nhỏ dành cho trẻ con hoặc người chơi không chuyên) có thể làm từ những vật liệu rẻ tiền, nên có giá thành thấp, dễ bán. Riêng diều lớn, hình dáng, mẫu mã cầu kỳ thường xuất hiện ở những hội thi đều được làm bằng vật liệu an toàn (tre, vải, dây, màu… có độ an toàn cao) mà người chơi tự tìm tòi và nhiều thứ phải đặt hàng ở nước ngoài với nhà sản xuất có tiếng tăm.
Ông Võ Trọng Nghiêm, kỹ thuật viên xưởng in áo thun Minh Hòa (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) cho biết loại vải làm nên diều chợ có xuất xứ từ Trung Quốc với vài màu cơ bản. Tuy nhiên, khi cần những màu lạ, có thể mua hóa chất, màu về xử lý và nhuộm cực kỳ đơn giản. Loại hóa chất này có tác dụng giữ màu lâu phai, tạo độ bóng sáng bắt mắt, tuy nhiên khi tiếp xúc trực tiếp lên da, có thể ăn mòn, loét vết thương và nguy hiểm hơn là gây bỏng giác mạc.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)