Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chơi game, bỏ học và quay đầu

Tạp Chí Giáo Dục

Em Nguyn Thái Nguyên

Cuộc sống hiện đại, thật khó cấm các em học sinh tiếp xúc với game online. Hậu quả đau lòng là có nhiều em để game điều khiển rồi lấy việc đến trường là cái cớ để trốn học chơi game, nặng hơn là bỏ học. Nghiện game đến mức bỏ học rồi quay lại trường, đó quả là việc làm không đơn giản. Nghỉ học dễ nhưng quay lại trường rất khó. Nhưng vẫn có học sinh làm được điều “không dễ” đó. Tôi xin kể ra đây trường hợp một em học sinh, từng nghiện  game, bỏ học lêu lổng rồi trở lại trường và lập được thành tích với hy vọng các em học sinh hãy xem đây là tấm gương vượt qua cám dỗ. Em tên Nguyễn Thái Nguyên, hiện là học sinh lớp 9B Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Những năm ở tiểu học, em là học sinh giỏi nhưng lên THCS thì lớp 6 học khá, lớp 7 đã tuột xuống trung bình. Điều đó có nghĩa lên THCS, em đã bắt đầu có biểu hiện chểnh mảng. Rõ rệt hơn là kỳ nghỉ hè năm lớp 7. Nguyên kể: Hè năm đó, em bị bạn bè rủ rê, chủ yếu là những bạn đã nghỉ học, các em la cà suốt ngày, đặc biệt trong các quán game. Suốt mùa hè ấy, em chỉ về nhà để ngủ. Leo lên xe máy cùng các bạn đi chơi xa, nhậu nhẹt, chơi game. Chơi xong mùa hè, em vẫn tham gia khai giảng năm học mới nhưng kể từ đó, việc học với em đã không còn quan trọng nữa. Buổi học buổi nghỉ, bình quân một tuần em nghỉ học đến bốn buổi. Khi ba phát hiện con trai đang bỏ học ngồi quán game, ông tức giận, không kìm được cơn nóng nên đã đánh đập, đòi đuổi em ra khỏi nhà. Em rơm rớm kể tiếp: May có mẹ, mẹ khóc và năn nỉ ba đừng đuổi con đi. Sau lần bị ba nộ khí xung thiên đó, em dù không phải “ra khỏi nhà” nhưng đã bỏ học luôn. Nghỉ học trọn năm. Đến mùa khai giảng, mẹ em bày tỏ tâm nguyện muốn con trở lại trường học. Em phần muốn, phần không muốn. Em bảo đó là sự xấu hổ lớn lao. Nhưng động cơ là mẹ. Mẹ là điều tuyệt vời nhất của em, em trả lời tôi như thế. Nhìn thấy mẹ ngày nào cũng đi làm, mệt rã rời nhưng vẫn lo âu chuyện con bỏ học – thương mẹ quá nên trong một ngày em đã quyết định đi học lại. Một năm bỏ học đi chơi, khi quay lại trường, em bị hổng kiến thức trầm trọng. Trong tình cảnh đó, em đã phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba các bạn cùng lớp. Thầy Lâm Hồ Hiệp (giáo viên bộ môn hóa) chia sẻ: Riêng với môn hóa thì sự tiến bộ của Nguyên là đột phá. Lúc mới quay lại trường, em học thua các bạn nhiều. Nhưng em tiến bộ từng ngày, đến hết năm lớp 8, môn hóa em đứng đầu khối, bước vô năm lớp 9 đã thấy kiến thức của em gấp đôi các bạn cùng lớp. Kết quả đó là nỗ lực của chính bản thân em. Thầy Hiệp nói: Lên lớp, tôi dạy như nhau cho tất cả học sinh chứ không dạy em nhiều hơn, nhưng sự tìm tòi, học hỏi của em khiến tôi kinh ngạc. Đó quả là nỗ lực đáng ghi nhận, đáng học tập.

Khi hỏi về phương pháp tự vực mình sau sa ngã, Nguyên nói: Em tự học, tự tìm tòi, đọc sách nhiều hơn nhưng chủ yếu vẫn là trên mạng. Em bây giờ không lên mạng chơi game nữa mà tham gia vào những nhóm học tập, tìm tòi, trao đổi kiến thức. Nguyên bảo, em đang cố gắng làm lại, cố gắng để thực hiện ước mơ sẽ làm bác sĩ. Thầy Hiệp vui mừng chia sẻ: Vừa rồi, Nguyên đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn hóa cấp huyện và tiếp tục đoạt giải 3 kỳ thi cấp tỉnh. Hy vọng những giải thưởng đó là bệ phóng, là niềm tin để cậu học trò tiếp tục đứng cao hơn nữa sau vấp ngã đầu đời.

Tôi thích lời nhắn của Nguyên cho các bạn “cùng cảnh ngộ”: Hãy dừng lại nếu các bạn đang lao vào những trò chơi. Tuổi của chúng ta sẽ không bao giờ là muộn nếu các bạn muốn bắt đầu lại. Đừng lãng phí thời gian tuổi trẻ, nó sẽ hủy diệt tương lai.

Viết bài này, tôi hy vọng các em học sinh đang lỡ chơi game mà chểnh mảng học hành, càng hy vọng (dù mong manh) những em đang bỏ học giữa chừng hãy quay lại trường học, hãy lập những kỳ tích cho tuổi trẻ, cho cuộc đời mình. Tương lai các em sẽ do chính các em quyết định.

Nguyn Th Bích Nhàn

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)