Những con thú được nuôi làm vật cưng của giới trẻ hiện nay rất… độc.
Độc cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì có thể là hàng hiếm không ai có, hoặc là thú có nọc độc ít ai dám “xăm mình” để chơi. Đa số thú độc này khá mắc tiền. Độc và đắt nói lên “đẳng cấp” của người chơi!
Lạ mới “pro”
Hiện nay, các bạn trẻ chơi thú cưng đều có blog để tiện trao đổi thông tin và “tám” với nhau về các “bé cưng” của mình. Loại thú độc” hiện nay đang được nhiều người săn lùng là nhện có độc Tarantulas, có kích thước lớn nhất trên thế giới với sải chân hơn 12cm, sống ở vùng nhiệt đối. Nhện Tarantulas có nhiều dòng, được bán từ 500.000đ đến 4 triệu đồng/con.
Con đường trở thành chủ một chú nhện độc của các teen rất đơn giản: “Thấy bạn mình có con nhện… xinh quá, em liền “rinh” về một con, khi tức giận, nhện ta chỉ bắn lông ngứa vào… người chứ không cắn. Lông ngứa của nhện chỉ được bắn ra hết một lần, muốn bắn nữa thì phải chờ lột xác mới có lại nên em không sợ” – Nguyên, 15 tuổi, học sinh lớp 9 kể.
Chơi thú cưng “dữ dằn” nhất là Hoàng Anh, nhà ở Minh Phụng, Q.6. Anh mua một chú rắn được người bán quảng cáo là hàng hiếm nhập từ nước ngoài về, không có nọc độc, tuổi thọ 15 năm. Anh tâm sự: “Con rắn của em rất đẹp, màu vàng có khoang cam, nó không cắn”. Quốc Thanh, học sinh lớp 11, lại mua một con kỳ nhông (Red Iguana) trị giá 4,8 triệu đồng. Thức ăn cho “bé cưng” này toàn là nho Mỹ, táo Nhật. “Bé” lớn nhanh như thổi, hiện dài khoảng 40cm.
Thanh nói: “Chăm sóc kỳ nhông không khó, chỉ cần phơi nắng mỗi ngày 1 – 2 tiếng, nếu không thì mua đèn dạ quang 350.000đ/một chiếc để sưởi ấm cho nó”. Theo Thành, con vật này không cắn mà chỉ… cào. Trên tay em hiện có 3 vết sẹo mà tác giả chính là Red Iguana.
Không kém “sành điệu”, đa số bạn gái tuổi teen chọn cho mình những con thú hiếm rất xinh đẹp. Ngọc Hà ở Q.10 vừa mua được chú nhím kiểng nhỏ xíu, chân tay đỏ hồng, trên lưng có gai màu trắng, giá trên một triệu đồng. Cô đưa hình chú nhím lên blog, ngay lập tức có hàng loạt comment: “Bạn kiếm ở đâu hàng khủng vậy? Pro quá”. “Chắc giá của nó còn khủng hơn cả nó đúng không?”. “Bạn ăn chơi như vậy anh em làm sao theo kịp”…
Một loại thú khác đang được các bạn săn lùng là rùa kiểng có dáng vẻ bệ vệ, toàn thân phủ màu vàng hoàng tộc, giá từ 300.000đ đến 4,5 triệu/con tùy loại. Loại rùa núi đẹp nhất VN này còn gọi là rùa kỳ lân hoặc rùa 3 đuôi (đuôi có 3 mấu gai). Dân gian đồn thổi loại rùa này đem lại may mắn vinh hoa cho chủ nhân! Hiện nay thậm chí kiến cũng là thú làm kiểng mà “dân chơi” đang tìm kiếm…
Nỗi khổ của “dân chơi”
Chỉ cần thấy thú lạ là các bạn nhỏ “say đắm”, dù không biết gì về đời sống, thức ăn, mùa động dục, tuổi thọ… của chúng. Vì vậy, đã xảy ra nhiều chuyện khóc dở mếu dở! Mua con vật đắt tiền sợ nhất là nó chết, vì thế Nguyên đã phát hoảng khi thấy kiến bu xác dế (thức ăn của nhện). Do không dám dùng bình xịt vì sợ cả nhện lẫn kiến cùng chết nên Nguyên phải tìm mọi cách để diệt kiến từ phấn đến đồ ngọt để đánh lạc hướng lũ kiến. Còn Hoàng Anh, chỉ sau một đêm ngủ dậy, thấy con rắn trị giá trên một triệu đồng đã không cánh mà bay. Hoàng Anh tiếc nuối: “Xui quá, chọt lỗ cho rắn thở, ai ngờ, nó lại đào tẩu bằng chính con đường ấy.
Tuấn Anh, nhà ở Q.Phú Nhuận cho rằng, nhện không thông minh như người bán quảng cáo: “Lũ nhện này không biết chủ tớ gì cả, tôi phải lùng mua các loại xơ dừa cành khô cho “bé” chơi, đỏ cả mắt mới tìm ra chỗ bán châu chấu cào cào để bổ sung sinh tố và khoáng chất cho “bé”. Ấy thế mà vừa rồi, tôi trải qua một phen hú vía: một con nhện giơ giơ hai chân trước lên, đập đập xuống đất, cọ răng phát ra tiếng kêu, rồi chồm người lên định cắn tôi. Nhân lúc tôi đang hoảng thì cu cậu chạy mất.
Ngoài nỗi lo “đề phòng” thú độc, các em còn lo phản ứng từ phụ huynh. Tuấn Anh đã bị mẹ mắng một trận khi bà nhìn thấy cậu mang về chú nhện to đùng, đen sì đầy lông. Người mẹ ra tối hậu thư: một là bán, hai là… chôn xác nhện. Sợ nhện bị mẹ “ám sát”, Tuấn Anh đã lên mạng rao khẩn thiết: “Mua 500.000đ, bán 450.000đ vì mẹ không cho nuôi”. Ngọc Hà sau một thời gian cũng rao bán chú nhím: “Bé Nhím trai, cực kỳ xinh đẹp, màu đen trắng, dài 15cm, nặng 300g, rất thân thiện, dễ nuôi, chích không đau. Cô bác gần xa hãy rủ lòng thương cho đứa bé cô đơn này, giá sang nhượng 1,2 triệu”.
Sau một thời gian nuôi chú rồng đất, khi mẹ Thành biết được nó sẽ dài 2m, nặng dần 10kg cũng là ngày Thành phải nhờ người bạn thân nuôi giùm để bảo toàn sinh mạng của “bé” cưng. Người bạn nuôi giùm được một tuần thì cả hai quyết định rao bán: “Kỳ nhông chỉ ăn chay, rất khôn. Vì hoàn cảnh gia đình không thể nuôi, cần tìm người chăm sóc bé, giá 5 triệu”.
Không biết rõ nguồn gốc không nuôi
Biết tâm lý các teen thích hàng “độc” nên người bán thú nuôi thường lập những trang web để rao hàng. Khách hàng có quyền đặt hàng theo yêu cầu với mức tiền cọc khoảng 30%. Nhiều loại thú quý hiếm được giới thiệu là hàng xách tay: Sóc bông Chinchillas, ếch Pacman, giá 495.000đ; Iguana xanh tùy kích cỡ, giá 1 con 30cm là 800.000đ; rồng đất giá 100 USD (con dài 15cm); Frilled giá 250 – 180 USD, Thron Devil giá 600 USD.
Thú lạ, hiếm, nên ngay cả người bán cũng không rành về chúng, do vậy có nhiều câu trả lời cho một câu hỏi: “nhện có độc không?. Theo một chủ kinh doanh thú ở quận 6 thì loài nhện này có con độc ít, có con độc nhiều, người mới chơi nên chọn loại hiền lành như Grammostola rosea giá 500.000đ/con, khi có kinh nghiệm rồi mới chơi dòng nhện Blue vì loại này hay cắn người. Người bị cắn sẽ bị tê một vùng khá rộng quanh chỗ cắn, khoảng một tuần mới hết.
Trong khi đó, một số chủ cửa hàng thú “độc” khác ở Q.5, Q.3 lại rao: “Mặc dù là nhện độc nhưng nó đã được huấn luyện để trở nên thân thiện, không cắn chủ. Con nào hung dữ lắm cũng chỉ cắn sưng một tí là hết…”. Hoặc “nhắc lại cho những ai còn nghi ngại: nhện cảnh không có độc tính và rất dễ gần”. Về loài kỳ nhông Nam Mỹ cũng vậy, có người bán nói là nó có thể cắn nhưng người khác lại nói nó hiền khô chỉ… quào thôi.
Theo TS Hoàng Văn Nam – Phòng dịch tễ – Cục Thú y Việt Nam: “Thường thú nhập về phải được cơ quan thú ý kiểm dịch và cấp phép, buôn bán thú lạ, hiếm là vi phạm pháp luật. Cần biết, một số thú có thể lây bệnh cho người, như chuột lây bệnh dịch hạch chẳng hạn. Vì thế, cần thận trọng khi nuôi thú kiểng, chỉ nên nuôi các loại đã thuần dưỡng như vẹt, chim, cá cảnh… Không nên nuôi thú khi không biết rõ nguồn gốc, cách chăm sóc.
Bác sĩ Hoàng Phương Nam – Chi cục Thú y TP.HCM cũng cho biết: Chi cục chỉ quản lý những vật nuôi, không quản lý thú lạ. Ông cảnh báo, điều đáng sợ ở những loài thú lạ là virus dại nằm trong móng tay, răng… của chúng. Nguy cơ nhiễm bệnh từ thú lạ, hiếm khá cao bởi ngay gia súc đã thuần hóa và trở thành thực phẩm như gà, bò, heo… vẫn là nguồn gây bệnh chết người (bệnh bò điên, heo tai xanh, cúm A H5N1). Vì thế, cách tốt nhất là nuôi các con thú hiền đã qua kiểm dịch, khó lây bệnh cho người.
Bình luận (0)