Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chơi vơi!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hợp tác quốc tế được xác định là một trong 7 nhóm nhiệm vụ quan trọng để đổi mới, phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các chương trình liên kết bùng nổ mạnh mẽ về số lượng, những vấn đề bất cập trong quản lý phát sinh ngày một lớn. Tất cả đang làm cho dư luận hồ nghi về chất lượng của loại hình đào tạo này.
Sự kiện giám đốc Trung tâm Đào tạo tin học – tiếng Anh (STI) với vốn 100% nước ngoài bỗng dưng biến mất khiến hàng ngàn học viên, giáo viên chơi vơi giữa dòng, các cấp quản lý hẳn còn nhớ. Tiếp đó, năm 2010, Báo SGGP đã đưa ra ánh sáng vụ Trung tâm Đào tạo quốc tế Mỹ Việt (AVIS) tự xưng trường quốc tế tuyển sinh các ngành cao đẳng đã khiến hơn 300 sinh viên bị lừa. Và cho đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi cho người học.
Những sự việc trên vẫn còn nguyên tính thời sự. Thế nhưng không hiểu sao, hiện nay các trường, các tổ chức giáo dục nước ngoài đang thi nhau “đổ bộ” vào thị trường giáo dục Việt Nam với hình thức công ty 100% vốn nước ngoài rồi thành lập các trung tâm đào tạo nghề ngắn hạn. Và khi có được giấy phép đào tạo nghề cùng với địa điểm thuê mướn được “tô điểm” hoành tráng, các cơ sở này ngay lập tức lách luật, xé rào tuyển sinh luôn các hệ cao đẳng, đại học và thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ.
 
Điển hình như Trung tâm Dạy nghề đào tạo thiết kế Raffles cũng quảng bá, tự xưng trường quốc tế đào tạo hàng loạt ngành chưa được cơ quan chức năng cho phép; Trường Kinh doanh (The Melior Business School), Trường Kinh doanh Ila (The Ila Business School), Học viện ERC… cũng chỉ là cơ sở được cấp phép đào tạo tiếng Anh hay dạy nghề ngắn hạn cũng tranh nhau lao vào tuyên truyền, quảng cáo rồi tuyển sinh đào tạo cao đẳng, đại học với học phí hàng trăm triệu đồng/khóa.
Trong khi đó, theo quy định, bản thân công ty, doanh nghiệp và kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học. Muốn đào tạo phải có sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng, có được giấy phép đào tạo nghề như có được “đặc quyền”, hàng loạt công ty, trung tâm đào tạo nước ngoài đã phớt lờ các quy định hiện hành để hoạt động.
 
 
Vậy mà từ cơ quan quản lý địa phương đến cấp quản lý cao hơn thiếu sự phối hợp và dường như còn quá nương tay với những sai phạm nghiêm trọng như vậy. Thực tế, Sở LĐTB-XH TPHCM (đơn vị chủ quản các trung tâm đào tạo nghề), Sở GD-ĐT TPHCM (quản lý các trường, trung tâm đào tạo ngoại ngữ), Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM biết rõ những sai phạm của các đơn vị nói trên nhưng công tác thanh tra, kiểm tra còn lỏng lẻo và mức xử phạt mới chỉ như “gãi ngứa”.
Chính từ cách quản lý mỗi nơi, mỗi cấp mỗi kiểu đã lộ rõ một số điểm hạn chế và đây chính là những “vùng nước đục” mà nhiều đối tác nước ngoài cũng như những đơn vị liên kết với nước ngoài tranh thủ “thả câu”. Phải thừa nhận, trong điều kiện hệ thống quy định, quản lý, pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ thì việc Bộ GD-ĐT phê duyệt, cấp phép các chương trình liên kết với nước ngoài là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi người học.
 
Song, cách làm này dường như vẫn chưa đủ vì với bối cảnh hiện nay, để người học không lâm vào cảnh chơi vơi giữa dòng, tất yếu phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các đơn vị chủ quản để mạnh tay xử lý những đơn vị vi phạm.
Theo THANH MINH
(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)