Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chơi vơi cảm xúc

Tạp Chí Giáo Dục

Một cô gái đủ từng trải để khao khát nhưng cũng đủ non nớt để rơi vào chiếc bẫy êm ái được giăng sẵn. Một cô gái khác, đủ yêu thương để xót xa cho bạn và cũng đủ ghen hờn để đẩy bạn vào bi kịch… Thêm một người đàn bà khác nữa, đủ kiên nhẫn để đợi một nụ hôn suốt sáu năm yêu rồi đủ thực tế để nhận ra sự thật…

Cảnh trong Chơi vơi – Ảnh: Bangkokfilm

Những mâu thuẫn nội tại giữa cảm xúc và lý trí, giữa đạo đức bao đời và dục vọng thoáng chốc… đã tạo nên một không gian chơi vơi cho bộ phim, làm người xem thật sự chơi vơi giữa trùng khơi xúc cảm. Như một tiếng thở, lúc dài lúc ngắn, lúc chậm lúc nhanh nhưng không phải không có những dằn hắt, đau đớn và những thỏa mãn ẩn đằng sau, Chơi vơi không dành cho những ai vội vã…

Cái kết lơ lửng của bộ phim có thể không làm ai thỏa mãn nhưng vốn dĩ câu chuyện phim gần như không có bắt đầu thì cũng sẽ… không có kết thúc, dù cái vòng tròn đồng tâm gần như đã được đạo diễn cố tình sắp đặt với chiếc taxi kẹt giữa chướng ngại.

Chơi vơi, có thể nói, là một bài thơ trữ tình dữ dội thể hiện những cung bậc của xúc cảm tính dục trong nữ giới… Rung động, khao khát, yêu đương, ghen hờn, sa ngã… và chới với trong mê cung cảm xúc của chính mình.

Lý giải những đam mê và hành xử trước tính dục của con người, nhất là nữ giới của phương Đông, không hề là điều dễ dàng. Cái khát vọng, mong mỏi rất trần thế “cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh” (*) không dễ dàng chia sẻ, không dễ dàng tạo được sự đồng cảm… Nhưng, Chơi vơi đã làm được điều khó khăn ấy.

Có giấc mơ hoang dại nào đi lạc trong những đôi mắt còn ánh ngời niềm hồn nhiên…Chính thế mà Chơi vơi đáng xem, đáng để khán giả đến và cùng trải nghiệm với các nhân vật.

NGUYỄN TRỰC (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)