Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chới với vì giấc mơ… đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh đăm chiêu, lo lắng khi con ngồi trong phòng thi. Ảnh: T.K

Mỗi kì thi đại học (ĐH), thí sinh từ khắp vùng miền lại đổ về các thành phố lớn dự thi. Đi cạnh bên những gương mặt ngây thơ, ngơ ngác trước nơi xa lạ, hiện đại là các bậc phụ huynh tay xách, nách mang. Cha mẹ các thí sinh ấy đi theo con để chăm sóc, lo toan; an tâm con mình không bị bất trắc và cũng để con không phải lo lắng, tập trung làm bài thi cho tốt. Công cha, nghĩa mẹ lại tỏa sáng vời vợi ở mỗi kì thi. Những hình ảnh ấy không còn xa lạ trong nhiều năm qua. Thế nhưng, hình ảnh một người cha với gương mặt khắc khổ 7 lần đưa con đi thi ĐH trong đó có đứa đầu 2 lần không thi đậu, đứa kế đến 4 lần không thi đậu và giờ lại đưa đứa út tiếp tục đeo đuổi giấc mơ ĐH cứ làm cho mọi người băn khoăn, vương vấn…
Cha mẹ nghèo, không được học hành nên luôn mơ ước con mình được học thành tài là điều hiển nhiên. Gia đình nghèo khó, các em muốn học đến nơi, đến chốn để vươn lên trong cuộc sống là điều tốt. Tuy nhiên, ĐH không phải là con đường duy nhất để làm thay đổi cuộc sống, để làm giàu. Thực tế chứng minh, nhiều người không có bằng ĐH nhưng bằng ý chí, quyết tâm, óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, họ đã thành công rực rỡ và cũng không ít người tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn vất vả mưu sinh. Bốn lần dự thi ĐH nhưng vẫn rớt, thí sinh và cha mẹ của mình đã tốn biết bao công sức, tiền của và phải đối diện với sự buồn phiền, thất vọng sau mỗi lần thi, điều ấy có nên chăng? Nếu dựa trên hoàn cảnh gia đình, sức học bản thân, các em chỉ cần học trung cấp vừa đỡ tốn kém tiền bạc, công sức, vừa nhanh chóng ra trường làm việc, kiếm tiền đỡ đần cha mẹ. Xã hội hiện nay luôn tạo điều kiện cho mỗi người được học ĐH. Với tinh thần cầu tiến, các em có thể vừa học vừa làm để hoàn thành chương trình ĐH mà mình mơ ước.
Người ta thường nói “Lối đi ngay dưới chân mình”, các bậc cha mẹ và chính các em hãy nghĩ suy thật kĩ và chọn con đường tốt nhất cho tương lai, đừng ôm mãi giấc mơ vào ĐH.n
Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)