Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chôm chôm đi Tây

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nông dân trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn Global GAP và VietGAP ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đang hồi hộp chờ ngày thu hoạch vụ đầu tiên trong khi các doanh nghiệp cũng tăng tốc tìm đường xuất sang Mỹ, EU…

Ngày càng nhiều vùng trồng trái cây của VN được nông dân canh tác theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc VietGAP (tiêu chuẩn VN về chất lượng, an toàn và truy nguyên nguồn gốc) với mong muốn nâng cao giá trị trái cây VN và tăng thu nhập.

Đủ tiêu chuẩn xuất khẩu
Những ngày này, 39 hộ dân Hợp tác xã chôm chôm Tân Khánh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) dồn sức chăm sóc vườn chôm chôm 31ha đạt tiêu chuẩn Global GAP cho lứa trái đầu tiên đủ điều kiện xuất sang Mỹ.
Ông Trần Hoàng Sở – chủ nhiệm tổ sản xuất Phú Phụng – bên vườn chôm chôm theo tiêu chuẩn Global GAP – Ảnh: M.THUẬN
Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ nhiệm hợp tác xã, cho biết người trồng chôm chôm ở đây đã bắt đầu làm quen với kỹ thuật canh tác hiện đại từ năm 2008 dưới sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. “Ai cũng biết chỉ khi nào chôm chôm đạt tiêu chuẩn Global GAP mới có thể xuất khẩu với giá cao nên rất hào hứng tham gia” – ông Lập cho hay.
Tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre), Cai Lậy (Tiền Giang), hơn 80ha chôm chôm trồng theo Global GAP và VietGAP đang cho trái. Hàng trăm hộ nông dân đang chờ ngày thu hoạch để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đặc biệt, tại các nhà vườn trồng chôm chôm ở tổ hợp tác Tiên Phú (huyện Châu Thành, Bến Tre), Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã đến thẩm định và cấp mã số để chôm chôm của tổ hợp tác được phép xuất khẩu sang Mỹ.
Ả Rập, Hàn Quốc… cũng nhập chôm chôm
Từ đầu năm đến nay, chôm chôm là một trong những loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nhiều thị trường khó tính đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều chôm chôm từ VN (dạng tươi hoặc đông lạnh, chế biến) do chất lượng không ngừng tăng.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy nếu như năm 2010 xuất khẩu chôm chôm đạt 2,5 triệu USD, tăng 47% so với năm 2009, thì trong sáu tháng đầu năm nay đạt 1,8 triệu USD, tăng 12,5 lần so với cùng kỳ 2010 (chưa kể lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc).
Đặc biệt, thị trường nhập khẩu chôm chôm của VN ngày càng đa dạng vì từ đầu năm đến nay đã có thêm những thị trường khó tính (hoặc quay lại nhập khẩu sau thời gian gián đoạn) như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hà Lan, Hàn Quốc… Riêng thị trường Mỹ, dù được phép xuất khẩu chôm chôm từ tháng 4/2011 nhưng đến nay chưa có lô hàng nào xuất khẩu vào thị trường này.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu – Chủ doanh nghiệp Chánh Thu (Bến Tre), nếu xuất khẩu chôm chôm VN sang Mỹ trong những tháng chính vụ thì không thể cạnh tranh với chôm chôm của các nước khác như Mexico, Thái Lan…
Hơn 112ha chôm chôm đạt chuẩn

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, tổng diện tích chôm chôm đã được các hợp tác xã, tổ sản xuất trồng theo đúng quy trình tiêu chuẩn Global GAP và VietGAP ở khu vực ĐBSCL hiện nay là 112ha với hơn 100 hộ tham gia. Với năng suất bình quân 25-30 tấn/ha thì sản lượng của vụ chôm chôm đủ điều kiện xuất khẩu sắp thu hoạch ước đạt khoảng 300 tấn.

Bà Thu giải thích: “Chi phí cho việc vận chuyển 1kg chôm chôm đến Mỹ là 4,5 USD, chi phí chiếu xạ là 1 USD nữa. Do đó tổng chi phí bỏ ra để 1kg chôm chôm VN có mặt tại Mỹ là hơn 6 USD. Khi đó giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng Mỹ vào khoảng 8-10 USD/kg, trong khi hiện nay chôm chôm Mexico đang bán ở Mỹ chỉ 2 USD/kg mà thôi”.

Ông Vương Đình Khoát, Giám đốc Công ty chiếu xạ An Phú, cho biết trái chôm chôm của VN bị cạnh tranh rất nhiều tại thị trường Mỹ. Bên cạnh Mexico với lợi thế ở gần nên phí vận chuyển thấp, chôm chôm của VN còn khó cạnh tranh với chôm chôm Thái Lan do họ có 30 năm xuất khẩu vào thị trường này. Hơn nữa, xuất khẩu chôm chôm Thái Lan bằng đường không còn được trợ giá vận chuyển của nhà nước. Một đối thủ mới của VN là Malaysia có loại chôm chôm java được đánh giá ngon hơn chôm chôm của VN.
Vì vậy, theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây VN, đưa chôm chôm vào Mỹ ở thời điểm các nước khác cũng có chôm chôm thì chắc chắn thua. Do đó, VN cần chọn đúng thời điểm xuất khẩu chôm chôm khi mùa vụ của các nước khác đã hết. Điều này hoàn toàn khả thi vì ở VN người dân có thể trồng chôm chôm ra trái quanh năm.
“Đây là lợi thế của VN vì hiện các vùng trồng chôm chôm đi Mỹ được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn và giám sát nên chất lượng sẽ đảm bảo đủ để xuất khẩu” – TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết.
Nguồn TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)