Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chọn ban học ở lớp 10: Chớ nên “nhắm mắt đưa chân”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Lan Hương đang tư vấn chọn ban cho học sinh và PHHS sáng 24-7-2009 tại Trường THPT Marie Curie.  Ảnh: T.T.Q

Những năm học qua và ngay cả năm học 2009-2010 việc chọn ban để theo học hầu hết học sinh và ngay cả phụ huynh học sinh (PHHS) thường chọn ban cho con em mình theo mong muốn chứ không dựa vào khả năng học lực của học sinh. Chính sự chọn lựa thiếu cân nhắc đã dẫn đến hệ lụy về sau.
Chọn ban vì… sĩ diện
Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, thầy Trần Hữu Hòa nói: “Những năm trước đây, rất nhiều học sinh khi nộp hồ sơ lớp 10 đã chọn đăng ký ban A (khoa học tự nhiên), còn ban Cơ bản và ban C (khoa học xã hội-nhân văn) lại rất ít được chọn. Tỷ lệ chọn ban A có khi đến gần 50%, còn lại ban Cơ bản, ban C chỉ lác đác vài em. Thấy không ổn nhà trường đã tổ chức tư vấn cho từng PHHS để họ thấy ưu điểm của từng ban. Đồng thời dẫn chứng cụ thể thông qua điểm số từng môn của con em họ. Nhờ được tư vấn, rất đông PHHS đã xin chuyển đổi ban cho con em mình”. EmTrương Hiền Ng – sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cựu học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Lúc đầu thấy bạn bè chọn ban A em cũng đăng ký học ban A. Trong khi môn toán của em chỉ xếp vào loại trung bình. Học một thời gian thấy không ổn, em xin chuyển qua ban Cơ bản. Sau đó, nhiều bạn cũng xin chuyển sang ban Cơ bản như em”. Thực tế chương trình học các môn tự nhiên như toán, lý và hóa của ban A khá nặng. Những học sinh không thuộc “diện” khá giỏi các môn này rất khó theo kịp. Trường hợp em Nguyễn Hoàng Minh Phú – học sinh Trường THPT Thủ Đức – con bà Nguyễn Thị Minh Thu (Q. 9) là một bài học. Bà Minh Thu nói: “Tôi biết cháu học rất kém các môn toán, lý ngược lại cháu học khá môn văn nên khuyên cháu hãy chọn ban C để học. Nhưng cháu không nghe lời và giải thích: bạn con toàn học ban A, học ban C chỉ để cho bọn con gái. Con trai học ban C “quê” lắm. Chỉ vì sĩ diện mà sau này cháu lúng túng khi chọn trường đại học để thi. Kết quả cháu rớt tốt nghiệp”. Tâm lý chung của học sinh khi đã học yếu kém thường chán nản rồi buông xuôi. Vì vậy việc chọn ban cần dựa vào năng lực học tập của mình và cả sự yêu thích bộ môn của bản thân. Thầy Trần Minh Triết – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, thẳng thắn nói: “Tỷ lệ học sinh chọn sai ban rất cao, thường các em chọn ban vì sĩ diện. Chúng tôi đã làm hết sức để thuyết phục từng PHHS đổi ban cho con mình khi phát hiện khả năng của em không phù hợp với ban đã chọn”.
Quan trọng của việc tư vấn chọn ban
Trong một lần trao đổi với học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, một số học sinh (chủ yếu nam sinh) đã không giấu giếm nói thẳng với chúng tôi: “Con trai mà học ban C thì yếu lắm, phải học ban A, tệ lắm học ban Cơ bản”.
Các năm học qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các trường phải làm thật kỹ công tác tư vấn chọn ban, nhờ vậy kết quả thi tốt nghiệp THPT rất khả quan. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương cho biết: “Tại buổi họp công bố điểm chuẩn lớp 10 với hiệu trưởng THPT, Sở GD-ĐT đã nhắc lại và đề nghị các trường phải tập trung công tác tư vấn chọn ban cho PHHS thật kỹ ngay khi PHHS đến nộp hồ sơ nhập học. Chú ý chọn giáo viên có kinh nghiệm để làm công tác này. Có như vậy mới thuyết phục được PHHS”. Thực tế, học ban A cửa vào đại học rộng hơn so với hai ban còn lại. Yếu tố này ít nhiều làm một bộ phận PHHS “quyết tâm” chọn ban A cho con. Ông Nguyễn Xuân – một phụ huynh nói thẳng: “Lớp 10 con tôi học chưa giỏi môn toán, môn hóa. Nhưng biết đâu cháu sẽ giỏi các môn này khi học lớp 11 hay lớp 12!”. Cô Lan Hương, giáo viên Trường THPT Marie Curie chia sẻ: “Tôi làm công tác tư vấn chọn ban mấy năm nay nên có rất nhiều điều để kể. Hầu hết PHHS sau khi nghe chúng tôi tư vấn đã thay đổi suy nghĩ và quyết định chọn ban phù hợp với khả năng học tập của con dựa vào điểm số trên học bạ và điểm thi tuyển lớp 10. Dù vậy cũng có một số PHHS (không nhiều) rất bảo thủ, họ dứt khoát không thay đổi ban cho con dù tôi đã minh chứng rất cụ thể điểm trung bình từng môn của từng năm học (lớp 6, 7, 8 và 9) và kiên nhẫn thuyết phục. Những trường hợp này, lên lớp 11 cũng xin chuyển ban”. Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc, thầy Lê Thành Danh nhận định: “Chọn ban cũng chính là chọn đường tương lai cho bản thân. Cho nên các em phải rất cẩn thận chọn ban để theo học. Các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình và thường mang tâm lý con mình không thua kém ai nên đa số chọn ban cho con học không căn cứ vào trình độ và năng khiếu của con. Nắm bắt được yếu tố này, trường chúng tôi tập trung sâu vào công tác tư vấn chọn ban. Trường chọn những thầy cô giáo có khả năng thuyết phục làm công tác này. Tôi nhận thấy nhờ làm tốt khâu này nên kết quả khá tốt. Minh chứng là kết quả học tập cuối năm của các em mỗi năm mỗi cao hơn”.
Để tạo lối thoát cho những học sinh chọn ban không phù hợp, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương cho học sinh được chuyển đổi ban ở năm lớp 10 và 11. Dù thế, ngay từ lớp 10, học sinh nên chọn ban học theo lời tư vấn của thầy cô. Bởi không ai nắm rõ các em bằng chính thầy cô của mình.
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)