Trong khi 16 văn phòng công chứng tư (VPCC) tại Hà Nội bước đầu đi vào hoạt động đã thu hút đông đảo khách hàng thì tại TP.HCM cũng đang có 8 VPCC rục rịch mở cửa đón khách. Một tín hiệu rất vui vì “thế độc quyền” trong lĩnh vực này từ nay không còn nữa!
Hà Nội: Ấn tượng công chứng “tư”
Không còn cảnh xếp hàng, chầu chực, không còn nạn “cò” nhũng nhiễu hoành hành, sự xuất hiện của các VPCC đã đem lại một bộ mặt mới cho hoạt động công chứng tại Hà Nội.
Khách hàng là trên hết!
Từ ngày 25.7 đến nay, lần lượt 16 VPCC đã khai trương và đi vào hoạt động tại 8 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Điểm chung của các VPCC là đều lấy thái độ phục vụ và chất lượng công việc làm yếu tố then chốt để thu hút khách hàng.
17 VPCC “tư” tại Hà Nội là: Thăng Long, 54 Trần Nhân Tông; Việt Tín, 42 Tô Hiến Thành; Hà Nội, A38 Hoàng Ngân, khu Trung Hòa – Nhân Chính; Đống Đa, 376 Đê La Thành; Hoàng Cầu, số 9 tập thể Bảo tàng Mỹ thuật; Đào và đồng nghiệp, số 45, ngõ 90 Khuất Duy Tiến; Hà Thành, 165 Trần Đăng Ninh; Đông Đô, số 40, ngõ 106 Hoàng Quốc Việt; Ba Đình, 3C Láng Hạ; Hồng Vân, C5, ngõ 35 Kim Mã Thượng; Việt, 219 Nguyễn Ngọc Vũ; Phạm Văn Cương, 369C Trường Chinh; Hoàng Mai, 1253 Giải Phóng; Long Biên, 654 Ngô Gia Tự; Đông Anh, tổ 62, Đông Anh; Trung Tâm, tổ 6, Đông Anh; VPCC A1, 111A1 Nguyễn Khánh Toàn. |
Dạo qua một vòng, không khó để nhận thấy những ưu điểm của loại hình dịch vụ mới mẻ này. Phòng làm việc thoáng đãng, lịch sự, điều hòa mát rượi; nhân viên luôn niềm nở, lễ độ với khách hàng. Khách đến công chứng được gửi xe miễn phí, được tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết ngay hồ sơ theo đúng biểu giá do Nhà nước quy định. Trong thời gian chờ thẩm định hợp đồng, khách được phục vụ nước uống, đọc báo, thậm chí có văn phòng còn lập hẳn một phòng riêng để khách có thể vừa nhâm nhi cà phê hoặc trà lip-ton, vừa nghe nhạc trong lúc chờ đợi.
Nếu khách có nhu cầu công chứng tại nhà, nhân viên sẽ đến tận nơi phục vụ với lệ phí từ 200.000 – 600.000 đ/lần (tùy khoảng cách). Hầu hết các VPCC đều xây dựng logo và slogan (khẩu hiệu) quảng cáo khá chuyên nghiệp, điển hình như slogan “Niềm tin tạo nên sức mạnh” của VPCC Thăng Long, “Phục vụ khách hàng là trên hết” của VPCC Hà Nội, “Thân thiện, tận tình, an toàn trong giao dịch” của VPCC Đào và đồng nghiệp…
Nhiều khách hàng đã tỏ ra khá ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu đến giao dịch tại các VPCC. “Những nỗi ám ảnh của tôi khi đi công chứng như phải xếp hàng, chầu chực hàng tiếng đồng hồ, phải “phong bì” cho “cò” để được giải quyết nhanh hồ sơ… đã được công chứng khắc phục triệt để” – anh Trịnh Anh Tuấn, nhân viên Công ty vải nội thất Hoàng Anh, đến công chứng giấy ủy quyền mua hóa đơn thuế tại VPCC Hà Nội, nói.
Còn chị Nguyễn Thu Trang, ngụ tại phố Yết Kiêu, thì khẳng định sẽ tiếp tục nhờ VPCC Thăng Long xác nhận giấy thừa kế của mình trong thời gian tới vì: “Tôi thấy họ làm việc chuyên nghiệp và có tâm, hồ sơ còn thiếu sót điều gì đều tư vấn kỹ cho khách chứ không lợi dụng hoạnh họe hoặc vòi tiền”.
Lạc quan nhưng… vẫn lo
Hầu hết các trưởng VPCC đều tỏ ra lạc quan về tương lai của loại hình dịch vụ này. Ông Lê Quốc Hùng – Trưởng VPCC Hà Nội cho biết ông không ngờ mới khai trương mà lượng khách đến giao dịch lại đông như vậy. Ông Đào Nguyên Khải, Trưởng VPCC Đào và đồng nghiệp, thì tin tưởng công chứng “tư” sẽ ngày càng phát triển vì “với cùng một mức phí, người dân sẽ chọn nơi nào có dịch vụ chăm sóc tốt hơn”.
Tuy nhiên, hiện nay các VPCC “tư” vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, trong đó vấn đề khiến họ lo lắng nhất là biểu phí công chứng hiện hành đã lạc hậu nhiều so với thời giá. “Chúng tôi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, không được sự hỗ trợ của Nhà nước nên phải quan tâm đến lợi nhuận” – ông Trần Công Trục, Trưởng VPCC Thăng Long chia sẻ. “Nếu vẫn sử dụng biểu phí từ năm 2002 thì chúng tôi sẽ rất khó khăn để duy trì hoạt động, cũng như đem đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”.
Ngoài ra, các VPCC cũng mong muốn được các cơ quan công quyền đối xử bình đẳng như công chứng Nhà nước, được Bộ Tư pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, được chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với khối công chứng Nhà nước. Riêng ông Trần Công Trục còn đề nghị cần thành lập một tổ chức xã hội – nghề nghiệp (như hội, đoàn) để tạo mối liên kết, bảo vệ quyền lợi giữa các VPCC trong cả nước.
Lê Quang(Theo TNO)
TP.HCM: Hứa hẹn cạnh tranh quyết liệt
Dù tuần tới, Sở Tư pháp TP.HCM mới tiến hành trao quyết định hoạt động (do UBND TP.HCM cấp) cho 8 VPCC đầu tiên trên địa bàn, nhưng các VPCC đều đã có sự chuẩn bị từ lâu, để ngay khi có quyết định sẽ nhập cuộc. Trưởng VPCC Trung Tâm, ông Phạm Xuân Thọ cho biết: “Đã chuẩn bị xong về mặt nhân sự, bao gồm 2 công chứng viên, 4 chuyên viên pháp lý, một số nhân viên hành chính, văn thư. Do công tác lưu trữ rất quan trọng đối với một VPCC nên những người được tuyển dụng đều là những người công tác lâu năm, được đào tạo bài bản vì chúng tôi mong muốn hồ sơ lưu trữ được trên 100 năm, nếu không nói là vĩnh viễn”. Ngoài nhân sự, ông Thọ cũng rất tự tin vào kinh nghiệm và kiến thức về luật pháp. Bởi trước khi xin phép thành lập VPCC Trung Tâm, ông Thọ có một thời gian dài là Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM, có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa rủi ro liên quan đến tài chính ngân hàng. Đây là một lợi thế, bởi thực tế trên 50% khối lượng công chứng thời gian qua là các giao dịch liên quan đến ngân hàng như cầm cố, thế chấp… Đặc biệt hơn, ông Thọ còn đặt hàng cho một công ty bảo hiểm lớn thiết kế riêng cho VPCC Trung Tâm một sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp giống như mô hình ở Pháp… Tương tự, bà Nguyễn Thị Tạc, Trưởng VPCC Nguyễn Thị Tạc cũng đầy tự tin bởi kinh nghiệm nhiều năm ở cương vị Trưởng phòng Công chứng số 4 (là Công chứng Nhà nước). Để chuẩn bị cho VPCC chính thức hoạt động (dự kiến đầu tháng 9), bà Tạc đã trả lương cho 10 cán bộ nghiệp vụ đi học việc cách đây 1 năm. “Đây là một bước chuẩn bị nhân sự dài hơi để khi VPCC ra đời, các bộ phận có thể giải quyết công việc một cách nhuần nhuyễn, chạy mà không vấp” – bà Tạc nói. Dù chưa đi vào hoạt động, nhưng hầu hết các trưởng VPCC đều khẳng định sẽ có nhiều chính sách, biện pháp để cạnh tranh lành mạnh. Bà Ung Thị Xuân Hương, phát ngôn của Sở Tư pháp TP.HCM, cũng nhận định khi các VPCC xuất hiện sẽ có những cạnh tranh với công chứng Nhà nước (CCNN) và điều chắc chắn là người dân được phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, bà Hương cũng cảnh báo: “Báo cáo từ đầu năm đến nay của các phòng CCNN cho thấy khối lượng công việc đã giảm từ 1/3 đến 1/4. Nguyên do bất động sản bị đóng băng, ngân hàng hạn chế cho vay… dẫn đến giao dịch bị hạn chế. Chính vì thế, VPCC xuất hiện giai đoạn này cũng là một thử thách”. Còn băn khoăn lớn của hầu hết VPCC lại là vấn đề chia sẻ thông tin. Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng VPCC Sài Gòn cho biết, trước khi khai trương văn phòng (dự kiến giữa tháng 9.2008) phải cố gắng xin kết nối máy nội bộ với các phòng CCNN để biết tài sản nào đang bị ngăn chặn. Theo ông Sơn, hiện nay khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định kê biên tài sản thì gửi đều cho các phòng CCNN để ngăn chặn, không cho tham gia giao dịch; và hy vọng khi đi vào hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cũng gửi thông tin ngăn chặn cho VPCC biết, vì tinh thần của Luật Công chứng không hề phân biệt giữa “công” và “tư”. Bà Ung Thị Xuân Hương cũng cho rằng: “Lâu nay thông tin ngăn chặn chỉ được các cơ quan thẩm quyền gửi cho CCNN, nay cũng cần phải gửi thêm cho VPCC. Tuy nhiên, luật cũng đã quy định, trách nhiệm của công chứng viên là phải đi xác minh tài sản trước khi thực hiện công chứng”. Hoàng Tuấn – Lê Nga |
8 VPCC vừa được UBND TP.HCM cấp phép gồm: Trung Tâm (2/36 Cao Thắng, P.5, Q.3); Nguyễn Thị Tạc (9A Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp); Hội Nhập (230 đường số 48, P.5, Q.4); Chợ Lớn (tầng 8, số 418 Trần Phú, P.7, Q.5); Bến Thành (187-189 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh); Gia Định (214/B11 Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1); Sài Gòn (181 Hai Bà Trưng, P.6, Q.3) và Tân Bình (526-528 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình). |
Bình luận (0)