Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn địa lý để “kéo điểm” môn khác

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh nữ đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn “Tiếp bước trường thi” 2016 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Khánh Hòa

Học sinh nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chỉ chọn 4 hoặc 5 môn thi THPT quốc gia 2016, trong đó, môn địa lý được các em đăng ký rất nhiều nhằm… “kéo điểm” các môn khác.

Bà Trương Thị Ngọc Thơ – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A10 Trường THPT Phan Thiết (Bình Thuận) – ước tính, lớp có 37 học sinh thì có 25 em đăng ký chọn thi địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Trong khi đó, 2 môn hóa học và lịch sử ít được học sinh lựa chọn. Theo bà Thơ, ngoài lý do với môn địa lý, học sinh được dùng Atlat thì hiện nay nhiều trường xét tuyển tổ hợp mới có môn này nên được các em quan tâm hơn. Em Nguyễn Trần Kim Thảo – học lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (Bình Thuận) – đăng ký 4 môn thi THPT quốc gia năm nay, trong đó môn tự chọn là địa lý. Thảo cho biết, lớp em có 20/31 bạn có cùng lựa chọn này với lý do môn này dễ ôn tập, được dùng Atlat, dễ “kéo điểm” các môn khác.

Ông Huỳnh Ngọc Thành – Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Bình Thuận – cho biết qua khảo sát học sinh toàn tỉnh cho thấy năm nay môn địa lý được lựa chọn nhiều nhất. Năm trước, điểm thi môn địa lý của học sinh tỉnh này rất khả quan. Được biết, năm nay tỉnh Bình Thuận có trên 13.000 học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Không riêng Bình Thuận, học sinh nhiều địa phương khác cũng xem địa lý là môn “ghi điểm” tại kỳ thi này. Em Lê Tấn Phát – học lớp 12A1 Trường THPT Lê Quý Đôn (Lâm Đồng) – cho hay, 18/32 bạn trong lớp chọn thi môn địa lý. Trong khi đó, em Nguyễn Thị Hồng – học lớp 12 Trường THPT Lâm Hà (Lâm Đồng) đăng ký thi 4 môn, trong đó có địa lý. Hồng cho biết hầu hết các bạn trong lớp chọn thi địa lý đều có chung quan điểm là môn này được vận dụng lý thuyết nhiều, được dùng Atlat nên tâm lý khá thoải mái. Ông Trần Ngọc Điềm – Hiệu trưởng Trường THPT Lâm Hà – thống kê, trong 350 học sinh của trường sẽ thi THPT quốc gia năm nay, có 180 em chọn địa lý – tỷ lệ cao nhất trong 5 môn lựa chọn. Trong khi đó, môn sinh học lại thấp nhất, chỉ có 65 em chọn. Đặc biệt, môn lịch sử có tới 81 em chọn trong khi năm trước chỉ 25 em đăng ký. Theo ông Điềm, cách ra đề thi lịch sử như năm rồi có những nét đổi mới khiến học sinh cảm thấy hào hứng, đó là lý do năm nay các em quan tâm lựa chọn trở lại.

Tương tự, tại Đồng Nai, môn địa lý cũng được nhiều học sinh “để mắt” tới. Em Đào Thị Phương Dung – học lớp 12 Trường TH, THCS, THPT Đinh Tiên Hoàng – bày tỏ yêu thích ngành quản trị kinh doanh. Ngoài 3 môn toán, văn, tiếng Anh, Dung chọn thêm môn địa lý cho kỳ thi sắp tới. Em cho rằng, môn địa lý ít bị áp lực ôn luyện so với những môn khác.

Dù học sinh được đăng ký nhiều môn thi, tuy nhiên, phần lớn các em cân nhắc lựa chọn từ 4 đến 5 môn để tập trung ôn tập. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (Khánh Hòa) – cho biết học sinh của trường chủ yếu đăng ký 5 môn.

Ngoài ra, các em học sinh còn tỉnh táo và thực tế hơn trong xu hướng lựa chọn ngành nghề. Bà Trương Thị Ngọc Thơ  lý giải, học sinh hiện đã “nghiệm” ra được nhiều điều, không còn bị quá hút vào những nhóm ngành hot, chẳng hạn như nhóm kinh tế. Các ngành kỹ thuật công nghệ như: ô tô, xây dựng, điện… được rất đông học sinh trong lớp bà chủ nhiệm chọn lựa. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hân dẫn chứng một thực tế khác, đa số học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng có học lực tốt (vì là trường điểm) nên các em khá mạnh dạn. Khối ngành kinh tế, sức khỏe hoặc một số trường quốc tế được phần lớn học sinh nhắm vào…

Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)