HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đang đặt câu hỏi với ban tư vấn
|
Buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh: “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có sự tham gia của đại diện nhiều trường TC, CĐ, ĐH trên địa bàn TP.HCM.
Thận trọng với ngành “hot”
Nhiều năm qua, tài chính ngân hàng được xếp vào nhóm ngành “hot” trong các kỳ tuyển sinh. Nhưng những biến động của nền kinh tế thế giới cộng với sự sụp đổ của nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây khiến thí sinh bắt đầu thận trọng hơn khi chọn ngành này.
Một học sinh (HS) phân vân: “Thế giới đang khủng hoảng về kinh tế, rất nhiều ngân hàng phá sản, nếu em học ngành tài chính ngân hàng thì có triển vọng hay không, cơ hội nghề nghiệp như thế nào?”. TS. Võ Viết Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức chia sẻ: “Sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì thế, điều các em lo lắng hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, kinh tế có chu kỳ, khủng hoảng cần có cơ cấu lại, sửa chữa để đi lên. Nếu trước đây, các ngân hàng quan tâm đến vấn đề làm sao tăng vốn điều lệ, tăng chi nhánh phát triển mạng lưới… thì hiện nay họ chú ý nhiều đến việc quản lý rủi ro. Vì thế, chúng ta cần học sâu về cách quản lý những rủi ro trong hệ thống ngân hàng để đáp ứng yêu cầu mới. Điều quan trọng nhất khi chọn ngành học là phải tìm hiểu xem nó có phù hợp với năng lực, sở thích của các em hay không”.
Một số ngành “hot” như quản lý công nghiệp, điện tử, cơ khí, xây dựng… thu hút sự quan tâm của đông đảo HS. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực chủ yếu dành cho nam nên một số bạn nữ tỏ ra khá thận trọng vì nếu chọn theo sở thích mà sức khỏe và những yếu tố khác không đáp ứng được thì rất dễ “đứt gánh giữa đường”. Em Nguyễn Thị Kim Anh băn khoăn: “Em thích thi vào ngành vật liệu của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng bố mẹ cho rằng nó không phù hợp với con gái. Vậy em có nên theo đuổi ước mơ này hay không?”.
Bàn về vấn đề này, TS. Lê Thanh Hưng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: Tỷ lệ sinh viên (SV) nữ ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chiếm khoảng 12%, tập trung nhiều ở các khoa hóa, vật liệu, kỹ thuật môi trường, CNTT… Những ngành khác như điện, cơ khí, xây dựng… tỷ lệ ít hơn. Các SV đạt kết quả học tập cao tại Trường ĐH Bách khoa đa phần thuộc về SV nữ. Nhiều bạn đạt 8,9 điểm trở lên và khi tốt nghiệp đã rất thành công trong nghề. Theo tôi thấy, là nam hay nữ không quan trọng, cái chính là các em có yêu thích ngành nghề về kỹ thuật hay không.
Những năm gần đây, ngành quản trị kinh doanh thu hút ngày càng nhiều người học. Vì thế, không ít HS tỏ ra lo lắng khi nghĩ đến tình trạng thừa nhân lực. Bàn về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thái Đăng Khoa, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ: “Tất cả công ty muốn đứng vững trên thị trường đều cần đến bộ phận kinh doanh nên cơ hội việc làm cho SV ngành quản trị kinh doanh là ở mọi lúc, mọi nơi”.
Nỗi lo… học phí
HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chủ yếu ở quận Thủ Đức và quận 9. Sống ở những quận ngoại thành, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, ngoài việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, nhu cầu nhân lực thì mối quan tâm chính của các em là chọn trường nào để đỡ bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ.
“Em dự định đăng ký ngành mỹ thuật đa phương tiện tại Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa để giảm bớt chi phí cho bố mẹ vì nếu học ĐH phải mất 4 năm. Nhưng nếu em học trung cấp liệu có tìm được việc làm trong tương lai hay không?”, một HS xin được giấu tên thắc mắc.
ThS. Bùi Quốc Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa, cho hay: “Không phải cứ học ĐH mới thành công. Hiện nhiều trường trung cấp ra đời đã đáp ứng được nhu cầu học tập cho nhiều HS có hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn, năng lực học tập chưa cao… Thực tế, HS tốt nghiệp ngành mỹ thuật đa phương tiện của trường đã tìm được việc nhanh chóng ở các công ty quảng cáo, xưởng phim… Vì thế, em nên yên tâm với sự lựa chọn này”.
Ngoài ra, sự chênh lệch mức học phí giữa các ngành ở một số trường ĐH cũng khiến nhiều HS quan tâm. Em Đặng Hoàng Nam tâm sự: “Dù rất muốn đăng ký vào Khoa Việt Nam học của Trường ĐH Sài Gòn nhưng khi biết được học phí của khoa này khá cao mà kinh tế gia đình chỉ ở mức trung bình nên em đang rất phân vân. Liệu em có nên thi vào ngành này hay không?”. Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Thành Phương, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh Trường ĐH Sài Gòn, phân tích: “Các em không nên quá lo lắng về vấn đề học phí bởi cũng như nhiều trường khác, Trường ĐH Sài Gòn đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ cho SV có thành tích học tập tốt…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Không phải cứ học ĐH mới thành công. Hiện nhiều trường trung cấp ra đời đã đáp ứng được nhu cầu học tập cho HS có hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn, năng lực học tập chưa cao…”, ThS. Bùi Quốc Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa, khẳng định. |
Bình luận (0)