Dù đã trưa nhưng nhiều HS Trường THPT Trung Phú vẫn chưa chịu ra về vì chương trình hướng nghiệp quá thiết thực
|
Đến nay, Chương trình Hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM và Trường ĐH Hoa Sen phối hợp tổ chức tại 20 trường THPT trên địa bàn thành phố đã kết thúc tốt đẹp. Với mục đích giúp các em học sinh (HS) tìm hiểu rõ về ngành nghề mình dự định theo học, hệ thống giáo dục tại Việt Nam, qua đó định hướng tương lai đúng đắn, chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho gần 30 ngàn HS, nhiều thầy cô giáo và cả các bậc phụ huynh.
Vì sao em thi rớt đại học?
Khi chúng tôi liên hệ để tổ chức buổi hướng nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng nhà trường tỏ ra hồ hởi: “Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức hướng nghiệp cho HS thì nhà trường luôn rộng cửa chào đón bởi hướng nghiệp cho HS cũng là một trong những công tác trọng tâm của nhà trường từ nhiều năm nay bên cạnh việc học văn hóa”. Rồi thầy chia sẻ: “Mỗi năm, đến mùa tuyển sinh, các em HS lớp 12 lại thấp thỏm lo âu vì không biết nên chọn ngành gì hay nên nộp hồ sơ thi vào trường ĐH, CĐ nào. 12 năm học phổ thông, đây là lần đầu tiên các em đứng trước bước ngoặt lớn để quyết định tương lai. Do nhiều em HS chưa xác định rõ sở trường, sở đoản của mình hoặc chưa tìm hiểu kỹ về những ngành nghề mình yêu thích nên không ít em vẫn chọn ngành học theo cảm tính hay theo trào lưu. Hậu quả là nhiều em phải bỏ dở việc học. Hoặc nếu có cố gắng thì khi ra trường, các em cũng không cảm thấy thích thú với công việc thuộc ngành nghề mình được đào tạo. Theo những người làm công tác quản lý như chúng tôi, để khắc phục điều này nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa việc hướng nghiệp cho HS”.
Ngày chương trình hướng nghiệp đến với Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), chúng tôi được cô Trần Thị Kim Thu, Phó hiệu trưởng nhà trường kể cho nghe câu chuyện chọn nghề của một HS trong trường: “Năm nào cũng vậy cứ vào mỗi đợt tuyển sinh, không ít HS nhà trường phải chọn trường thi theo sở thích, ý nguyện của ba mẹ. Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, em HS tên T.M vì gia đình có truyền thống làm thầy thuốc nên bị ba mẹ bắt thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM để nối nghiệp. Nhưng T.M lại không thích nghề này và cho rằng không phù hợp với mình. Thế nhưng, mẹ em đã dọa tự tử nếu em không thi theo nghề đó. Cuối cùng T.M đã phải thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM nhưng kết quả đạt được chỉ vỏn vẹn 13 điểm. Là một HS giỏi toàn diện tại sao T.M lại có kết quả thi cử thấp như vậy? Câu trả lời được em cho biết là “nếu thi đậu em phải học nghề bản thân không thích và theo nó suốt cả cuộc đời”. Lúc này gia đình T.M mới thôi tạo áp lực cho em. Một năm sau đó, T.M đã thi lại ĐH và đậu vào Trường ĐH Luật TP.HCM với số điểm rất cao và hiện nay em đã trở thành một luật sư trẻ tài năng. Nói như vậy để thấy rằng ngay cả các bậc phụ huynh cũng phải hướng nghiệp để có cách nhìn đúng đắn về việc giúp con cái chọn ngành học”.
Khi các giảng viên hướng nghiệp tại các lớp, thầy Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11) cứ đi lại ngoài hành lang. Tôi hỏi thầy lo lắng điều gì? Thầy nói: “Đã lâu lắm rồi mới có một chương trình hướng nghiệp cho HS nhà trường xuống tận từng lớp học như thế này. Đây là dịp thích hợp để nhà trường học tập những ý tưởng nhằm triển khai cho việc hướng nghiệp sau này. Tuy nhà trường luôn có tiết hướng nghiệp trong tháng, nhưng các em HS vẫn còn thiếu thông tin nhiều lắm. Thiết nghĩ, Báo Giáo Dục TP.HCM nên cố gắng duy trì và nhân rộng những chương trình như thế này, bởi việc hướng nghiệp cho HS, một mình nhà trường không thể làm hết được”.
“Em chưa biết gì về việc chọn nghề”
Câu trả lời đó là tâm sự của em Nguyễn Văn Quang, HS Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) trong một buổi hướng nghiệp. Em chia sẻ: “Nghe tin có chương trình hướng nghiệp tổ chức tại trường ba mẹ em cũng đi theo. Ba nói nếu không đi nghe, ở nhà không biết gì rồi tư vấn cho em lệch ngành nghề thì khổ”. Ngồi trầm ngâm ở góc hội trường, chăm chú nghe các thầy, cô hướng nghiệp, em Vũ Thị Hương cho biết: “Tuy 3 năm đều là HS giỏi nhưng em vẫn quyết định chọn học nghề thiết kế thời trang hệ trung cấp vì gia đình hoàn cảnh khó khăn. Em nghĩ học trung cấp thời gian ngắn nên sẽ nhanh ra trường để phụ giúp ba mẹ lo cho các em”.
Chị Mai Thị Linh, phụ huynh em Đặng Thành Công, Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn) lo lắng: “Chỉ còn mấy tháng nữa là thi ĐH nhưng đến nay Công vẫn chưa xác định được ngành nghề sẽ theo học. Chúng tôi đều là công nhân nên cũng không biết gì để tư vấn cho cháu cả. Tôi hỏi cô giáo cháu thì nghe góp ý nên cho cháu thi vào các trường CĐ, hoặc trung cấp vì học lực của cháu chỉ ở mức trung bình, khó “chen chân” vào các trường ĐH”.
Tại Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11) tuy đã hơn 11h30 trưa nhưng một nhóm HS vẫn vây quanh giảng viên Anh Tú để hỏi cho rõ những vấn đề các bạn quan tâm. Từ trường ra về, chúng tôi nghe một HS nói với bạn của mình: “Nếu không có buổi hướng nghiệp hôm nay chắc tớ đã chọn nhầm ngành vì thiếu thông tin. Đúng là câu nói “chọn trúng nghề, sáng tương lai” thật chính xác”.
Bài, ảnh: Trần Văn
Bình luận (0)