Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng việc chọn ngành học, trường học cũng giống như chọn “đôi giày vừa chân”, đừng chạy theo ngành “hot”, trường “hot”. Đặc biệt, dù học sinh có đăng ký 100 nguyện vọng nhưng nếu không sắp xếp phù hợp, không chọn đúng trường học, ngành học “vừa chân” thì cũng chưa chắc tăng cơ hội trúng tuyển.
Theo các chuyên gia, việc chọn trường, chọn ngành cũng giống như chọn giày, phải chọn đôi giày “vừa chân”
Chọn ngành, chọn trường… như chọn giày
Trong câu chuyện chọn ngành học, trường học, trên thực tế vẫn tồn tại không ít trường hợp phụ huynh và học sinh chọn ngành nghề dựa vào danh tiếng của trường ĐH mà không nghiên cứu kỹ lưỡng ngành học. Nhiều người khuyên vào được các trường ĐH lớn thì học ngành gì cũng được, vì học những trường này dễ kiếm việc làm hơn.
Về quan điểm này, ông Võ Ngọc Nhơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) ví von, chọn trường tốp trên giống như chọn một đôi giày đẹp. Giày đẹp nhưng phải vừa size chân của mình, và không phải ai cũng mang vừa chân. “Size vừa vặn thì giày mang êm, đúng trường thì học thuận lợi, ra trường có việc làm. Nhưng nếu size không vừa, làm sao người học đi hết quá trình 4 năm học đó?”, ông Nhơn đặt vấn đề.
Chung quan điểm, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng không phải ngành học nào của trường “hot”… cũng “hot”, ngành học nào cũng được nhiều học sinh lựa chọn. Theo ông, các em học sinh không nên chỉ chọn trường có tiếng mà cần phải quan tâm ngành học như thế nào. Nếu vào trường có tiếng mà không có ngành học phù hợp cũng không tìm thấy sự hăng say học tập và cơ hội phát triển trong tương lai.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhìn nhận, chọn một trường ĐH danh tiếng với bề dày lịch sử đào tạo, chất lượng đã được khẳng định là một lựa chọn tốt. Theo ông, vào được một trường danh tiếng giống như có “một bảo hiểm” cho tương lai, bảo đảm đầu ra và cơ hội nghề nghiệp. Điều quan trọng là các em có đủ khả năng để vào trường danh tiếng hay không. Nhiều người nói phải chọn ngành nghề phù hợp với bản thân trước, chọn trường học sau nhưng điều này khá khó và không phải ai cũng chọn đúng ngành nghề ngay từ đầu.
“Tôi vẫn ủng hộ học sinh chọn ngôi trường danh tiếng, quan trọng là các em có vào được trường đó không. Tuy vậy, với sự bùng nổ của công nghệ, sự tích hợp và liên ngành trong đào tạo khiến việc chọn ngành nghề có sự thay đổi. Ví dụ, ngành công nghệ thông tin còn tích hợp công nghệ đổi mới sáng tạo; không phải chỉ học marketing mới làm marketing, những người học công nghệ, thiết kế đồ họa vẫn làm marketing được”, ông Bảo cho biết.
Chiến thuật đăng ký nguyện vọng
Trong một chương trình tư vấn tuyển sinh tổ chức tại TP.HCM mới đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện nay các trường ĐH, CĐ có thể tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc xét tuyển sớm để tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh. Tuy nhiên, học sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng mà cần lựa chọn 1 hoặc 2 kỳ thi độc lập để tránh bị phân tán sức lực. Thay vào đó, các em nên tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi 100% các trường đều xét tuyển bằng phương thức này.
Các em học sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Về việc đăng ký nguyện vọng, bà Thủy khuyên, ngành học nào thích nhất, các em xếp ở nguyện vọng cao nhất. Dù được phép đăng ký nguyện vọng không giới hạn số lượng nhưng các em cũng đừng đăng ký nhiều. Chiến thuật là đừng dồn vào một nhóm các nguyện vọng có điểm xét tuyển tương đồng nhau, các em nên phân bố một cách phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Có đăng ký 100 nguyện vọng cũng chưa chắc tăng cơ hội trúng tuyển nếu các em không biết sắp xếp phù hợp.
“Các em học sinh không nên chỉ chọn trường có tiếng mà cần phải quan tâm ngành học như thế nào. Nếu vào trường có tiếng mà không có ngành học phù hợp cũng không tìm thấy sự hăng say học tập và cơ hội phát triển trong tương lai”, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) nói. |
“Năm nay, thời gian thi tốt nghiệp THPT diễn ra sớm hơn so với năm 2022. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trên cả nước, giúp các trường hoàn thành kế hoạch năm học đúng hẹn. Các em học sinh cần lưu ý khi đã trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký trên hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD-ĐT”, bà Thủy nhấn mạnh.
Các mốc thời gian học sinh cần lưu ý
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6; trong đó, 75% khối lượng kiến thức trong bài thi tốt nghiệp THPT là kiến thức cơ bản; 25% còn lại mang tính phân loại, phân hóa để đánh giá đúng thực lực của học sinh và tạo điều kiện cho các trường xét tuyển.
Từ ngày 10 đến 30-7, học sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng và điều chỉnh nguyện vọng. Các em được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng khi có thêm thông tin như điểm thi tốt nghiệp, biết mức điểm của mình, ngưỡng chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm và sức khỏe. Ngày 22-8, các trường ĐH sẽ công bố kết quả trúng tuyển; muộn nhất ngày 6-9, học sinh phải xác nhận nhập học.
Các em học sinh sẽ được nhà trường cung cấp tài khoản để đăng ký xét tuyển. Đối với thí sinh tự do, từ ngày 15-6 đến 20-7, các sở GD-ĐT sẽ giúp các em bổ sung tài khoản để đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung. Tất cả quá trình xét tuyển ĐH, CĐ đều thực hiện trực tuyến, từ việc nộp hồ sơ, minh chứng cộng điểm ưu tiên; đăng ký nguyện vọng, điều chỉnh nguyện vọng; nộp lệ phí xét tuyển; công bố trúng tuyển… PGS.TS Nguyễn Thị Thủy đặc biệt lưu ý học sinh trong việc xác nhận nhập học. Bởi đây là bước quan trọng, nhiều em bị sót bước này vì cứ tưởng được công bố trúng tuyển là đã xong. Do vậy, phụ huynh cần lưu ý để đồng hành cùng con, nếu không xác nhận nhập học sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)