Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn học ngành công nghệ thông tin sao cho tốt?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành nuôi trồng thủy sản ĐH Nông lâm TP.HCM đào tạo những gì? Mất học bạ có được dự thi? Những trường nào đào tạo ngành công nghệ thông tin, sức học như thế nào thì học tốt ngành này, điểm chuẩn bao nhiêu?… là những thắc mắc tuyển sinh 2009 thí sinh gửi về Tuổi Trẻ Online

> Trường nào đào tạo ngành bảo hộ lao động?

> Khởi động tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009: Hưởng khu vực ưu tiên như thế nào?

Cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi tại điểm thi của Trường ĐH Mở TP.HCM sáng 9-7 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 – Ảnh: Quốc Dũng

* Em muốn thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ngành nuôi trồng thủy sản. Ngành này sẽ học những gì và khi ra trường sẽ làm gì? Trường có đào tạo hệ CĐ ngành này không? Điểm trúng tuyển của ngành này hằng năm bao nhiêu? (Trần Thùy Vân, vandongnoi@…)
–  Ngành nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trang bị cho sinh viên khả năng thiết lập cơ sở dữ liệu cho yêu cầu phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản và quản lý tài nguyên thủy sản thiên nhiên; phát triển các mô hình quản lý tài nguyên thủy sản trong các thủy vực; phát triển kỹ thuật nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ phù hợp cho các vùng sinh thái khác nhau; cải thiện chất lượng cá giống, …
Kỹ sư ngành nuôi trồng thủy sản có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương hoặc các cơ sở nuôi trồng chế biến thủy sản, các doanh nghiệp nông – lâm – ngư, các viện nghiên cứu, các trường trung học nông nghiệp hoặc đại học nông nghiệp hoặc làm cán bộ quản lý thủy sản ở các cơ quan ban ngành thuộc tỉnh, thành phố hay học sau đại học về nuôi trồng thủy sản.
Điểm chuẩn ngành này năm 2008 của trường khối A: 14, khối B: 19. Năm 2007 khối A: 15, khối B: 17. Năm 2006 khối A: 13, khối B: 15. Năm 2005 khối A: 17, khối B: 18,5. Điểm chuẩn hệ CĐ ngành này năm 2008 là 12 – chỉ xét khối B – và điểm chuẩn nguyện vọng 2 là 14.
Ngoài trường ĐH Nông lâm TP.HCM, bạn có thể học ngành này tại trường ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Bạc Liêu, ĐH Nha Trang, ĐH Quảng Bình, ĐH Nông lâm (ĐH Huế), ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên), ĐH Nông nghiệp 1 và hệ CĐ của các trường ĐH, cũng như các trường CĐ khác.
* Em đang ôn thi ĐH và dự định thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tuy nhiên, em đã làm mất sổ học bạ THPT. Vậy em có được dự thi không? Nếu được thì sau khi em trúng tuyển liệu em có gặp khó khăn gì khi làm hồ sơ nhập học không? (Kim Ngân, ngannkl@…)
– Bạn cần phải liên hệ với trường THPT và sở GD-ĐT địa phương bạn để được làm thủ tục cấp lại học bạ vì học bạ là yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ nhập học nếu bạn trúng tuyển vào một trường ĐH, CĐ nào đó.
Thời gian còn dài, bạn nên làm sớm. Theo quy định, khi dự thi ĐH thí sinh chỉ cần mang những loại giấy tờ sau: giấy báo dự thi có dán ảnh và đóng dấu giáp lai của trường dự thi; giấy CMND và thẻ học sinh để có thể kiểm tra đối chiếu khi cần thiết; giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT (đối với thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước). Nhưng khi trúng tuyển, nhập học bạn phải có học bạ THPT mới được chấp nhận.
* Em đang học lớp 12, yêu thích và muốn thi vào ngành công nghệ thông tin nhưng em chưa hiểu rõ về từng phân ngành nhỏ của ngành này như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, mạng máy tính và truyền thông. Cho em biết các ngành này đào tạo những gì, sau khi tốt nghiệp làm việc ở đâu và điểm chuẩn năm ngoái của các trường bao nhiêu? Sức học như thế nào thì học tốt ngành công nghệ thông tin? (Trần Tùng, tungbombom@…)
– Ngành công nghệ thông tin (CNTT) có nhiều chuyên ngành như khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin… CNTT có hai phần cốt lõi là phần cứng và phần mềm, trong đó phần mềm mới thật sự là bản chất của CNTT. Muốn trở thành chuyên gia CNTT cần phải giỏi môn toán, tiếng Anh, có khả năng làm việc theo nhóm và sức khỏe thật tốt.
Nếu học lực của bạn khá giỏi nhiều năm liên tục, đặc biệt giỏi những môn thuộc khối thi ứng với ngành bạn định dự tuyển, bạn có thể yên tâm chọn các trường thành viên của ĐH Quốc gia, học viện và ĐH công lập, ĐH vùng.
Nếu học lực của bạn ở mức trung bình khá, tức không giỏi những môn sẽ dự thi, khả năng trúng tuyển không chắc chắn lắm ở những trường ĐH lớn, bạn có thể nhắm đến các trường ĐH bán công, dân lập, tư thục hoặc hệ CĐ các trường ĐH công lập, các trường CĐ trung ương và địa phương (các trường CĐ này có hướng liên thông tiếp tục lên ĐH sau này).
Ngoài ra, các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề bạn cũng nên nhắm đến. Hầu hết các trường này không tổ chức thi tuyển, chỉ xét tuyển theo điểm học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi ĐH, CĐ. Sau khi tốt nghiệp, bạn vẫn còn cơ hội học tiếp lên cao theo các chương trình đào tạo liên thông, chuyên tu hay tại chức. Tuy là đường vòng nhưng khá chắc chắn để bạn tìm được việc làm.
Thêm một hướng đi nữa là hiện có các trường đào tạo CNTT như Inforworld, Aptech… Đây là cơ sở đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp (viết phần mềm). Vào học chương trình này chỉ cần tốt nghiệp lớp 12. Bằng cấp này không nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia nhưng có giá trị khi xin việc ở các công ty sản xuất phần mềm. Một lập trình viên chuyên nghiệp thường có mức lương rất cao (từ 500 đến hơn 1.000 USD/tháng) tùy theo công ty trong và ngoài nước.
Một số công việc sau khi tốt nghiệp những chuyên ngành của ngành công nghệ thông tin bạn hỏi:
+ Ngành khoa học máy tính đào tạo kỹ sư ngành khoa học máy tính nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn sâu về khoa học máy tính, trong đó chú ý đến các lĩnh vực tiên tiến về CNTT như: các hệ thống điều khiển thông minh, các hệ thống đa truyền thông, các hệ thống khai thác xử lý tri thức, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia giảng dạy CNTT trong các trường ĐH, tham gia nghiên cứu trong các phòng lab R&D, tư vấn về CNTT cho các đơn vị, doanh nghiệp cũng như tham gia viết các sản phẩm phần mềm.
Cử nhân khoa học máy tính làm việc ở các chức danh: cán bộ nghiên cứu và ứng dụng CNTT ở các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường ĐH, CĐ; giảng viên CNTT ở các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề; cán bộ quản lý dự án CNTT ở các cơ quan, ngành, tổng cục, công ty; tiếp tục được đào tạo sau ĐH để nhận các trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT.
+ Ngành kỹ thuật máy tính đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính nắm vững các nguyên lý cơ bản và thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch. Sau khi hoàn thành chương trình, kỹ sư ngành này có khả năng nghiên cứu và thiết kế các bộ phận chức năng của máy tính, tham gia làm việc trong các dự án sản xuất các thiết bị máy tính cho các tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam như: Intel, IBM, Samsung, Nidec…
+ Ngành kỹ thuật phần mềm trang bị cho sinh viên kiến thức tổng quát về qui trình xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống phần mềm; có khả năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm; cung cấp phương pháp luận và công nghệ mới để sinh viên có thể nắm bắt và làm chủ các tiến bộ khoa học. Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý công nghệ phần mềm để có khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của công nghệ phần mềm vào thực tế.
+ Ngành hệ thống thông tin đào tạo kỹ sư đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của xã hội. Sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin có khả năng tham gia xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ cho các hướng ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội, là: giáo dục điện tử, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, các hệ thống thông tin địa lý (GIS)… có khả năng tư vấn, xây dựng các hệ thống thông tin theo đặc thù phục vụ cho doanh nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin làm việc ở các chức danh: nghiên cứu viên, giảng viên, cán bộ quản lý dự án…
+ Ngành mạng máy tính và truyền thông đào tạo kỹ sư nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành nghề, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, ứng dụng, có khả năng thiết kế chế tạo, bảo trì, sản xuất, thử nghiệm, quản lý các hệ thống mạng máy tính và truyền thông. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các chức năng tham mưu, tư vấn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực CNTT.
Điểm chuẩn năm 2008 ngành công nghệ thông tin đối với ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngành khoa học máy tính: 19, kỹ thuật máy tính: 18, kỹ thuật phần mềm: 21, hệ thống thông tin: 19, mạng máy tính và truyền thông: 20;
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM): 21; ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): 20; ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): 19,5; Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông (phía Nam): 18,5; ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM: 16;
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sài Gòn: 15; ĐH Cần Thơ: 14,5; ĐH Tôn Đức Thắng: A-14, D-15; ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH dân lập Văn Lang: 14; ĐH Nha Trang: 13,5;
ĐH Đà Lạt, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Khoa học (ĐH Huế), ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH dân lập Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, ĐH dân lập Hùng Vương TP.HCM: 13;
ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội): 23,5; Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông (phía Bắc): 22,5; ĐH Bách khoa Hà Nội: 21; ĐH Hàng hải: 16,5; ĐH Công nghiệp Hà Nội: 16; ĐH Mỏ địa chất: 15; Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Thái Nguyên): 14,5…
QUỐC DŨNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)