Thực tế, có người vào học TC nghề, CĐ nghề là vì không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, số học sinh xác định học TC-CĐ nghề ngay từ đầu và chứng tỏ năng lực thật sự về nghề đã chọn là không ít. Dưới đây là những chia sẻ về lý do chọn học nghề của một số thí sinh đang tham dự Kỳ thi tay nghề TP.HCM năm 2018.
Xác định học nghề ngay từ đầu
Quảng Thị Như Ý và Đinh Thị Mỹ Linh |
Tốt nghiệp THPT, Hồ Thị Kim Tuyền (quê Tiền Giang, hiện ở Q.12, TP.HCM) đăng ký học TC ngành điều dưỡng tại Trường CĐ Y tế Tiền Giang với suy nghĩ đơn giản là “học đâu cũng được, miễn mình học như thế nào”. Tốt nghiệp TC, Kim Tuyền đăng ký học liên thông lên CĐ tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Hoàn thành chương trình liên thông, Tuyền có ngay việc làm ở phòng khám tư với mức lương khá. Tương tự, Quảng Thị Như Ý (hiện học ngành công nghệ thời trang của Trường TC Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Thật sự ban đầu em chọn học ngành này nhưng bản thân cũng chưa tự tin lắm, thêm nữa là gia đình cũng không muốn em học TC. Tuy nhiên, sau một thời gian học em có suy nghĩ khác đi và yên tâm đầu tư thời gian cho việc học hiện nay”. Như Ý cho biết thêm, nhờ nỗ lực của bản thân và sự động viên của thầy cô và các bạn, em đã mạnh dạn đăng ký dự thi tay nghề TP.HCM năm 2018. Đây cũng là cơ hội để em chứng minh lựa chọn nghề nghiệp của mình là đúng. “Có nhiều con đường để đến tương lai, không nhất thiết phải chọn trường ĐH-CĐ để học mà trước hết hãy chọn cho mình cái nghề yêu thích, khó có thể học tốt, có công việc ổn định nếu chọn nghề không phù hợp với bản thân”, Như Ý đúc kết.
Trong khi đó, Nguyễn Minh Khang (ở Q.8, TP.HCM) cho biết ngay từ bậc THCS em đã xác định sẽ đăng ký học nghề thay vì học ĐH. Gia đình hoàn toàn ủng hộ quyết định lựa chọn nghề của em. Hiện Minh Khang là sinh viên năm thứ hai ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Nghề số 7 (Bộ Quốc phòng). Theo Minh Khang, đây là nghề mà em yêu thích, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Theo đó, học phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm. Giải thích lý do không chọn học ĐH, Minh Khang cho rằng học CĐ nghề để rút ngắn thời gian cũng như giảm chi phí, đồng thời sớm có việc làm phụ giúp gia đình. “Sau khi đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, cũng như chuẩn bị tài chính đầy đủ em sẽ đăng ký học liên thông lên ĐH cũng không muộn”, Minh Khang cho biết.
Phải yêu thích mới thành công
Nguyễn Minh Khang (bên phải) và Nguyễn Đình Sương |
Giống như Nguyễn Minh Khang, Nguyễn Đình Sương (ở huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông) cũng lựa chọn học ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Nghề số 7 để sớm có việc làm và tiết kiệm chi phí cho gia đình. Khi được hỏi về cơ hội việc làm, Đình Sương hồ hởi nói: “Nghề này rất dễ xin việc làm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, để trụ lại với công việc là không dễ, đòi hỏi bản thân phải hết sức cố gắng và trang bị nhiều kỹ năng thực hành”, Đình Sương cho biết.
Đinh Thị Mỹ Linh (sinh viên năm cuối ngành công nghệ thời trang của Trường CĐ Nghề TP.HCM) cũng chọn con đường học nghề để thỏa ước mong trở thành nhà thiết kế thời trang. Mỹ Linh khẳng định, nếu không yêu thích nghề thì dù có cố gắng cách mấy cũng không học đến nơi đến chốn; nếu có thì cũng chỉ học để lấy cái bằng, như vậy cơ hội tìm việc làm không dễ. “Dù đang học năm cuối nhưng em đã có chỗ làm với vị trí khá tốt. Hiện chỉ còn đợi em ra trường thôi”, Mỹ Linh cho hay.
Ông Phạm Phú Thọ (giáo viên nghề cơ điện tử của Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho rằng với sự quan tâm của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như hiện nay, học sinh hoàn toàn yên tâm chọn cho mình một nghề vừa sức để phát triển tương lai của bản thân. Tuy nhiên, dù ở môi trường nào, học nghề nào nếu không cố gắng thì cũng bằng không.
T.Anh
Bình luận (0)